Nhặt chuyện trên tàu
(Cadn.com.vn) - Có dịp đi lại bằng phương tiện giao thông đường sắt, chúng tôi lượm lặt câu chuyện đáng suy ngẫm...
1. Con tàu SE1 xuất phát tại Ga Hà Nội xuôi về phương Nam vào một buổi tối cuối tuần. Tại khoang giường nằm thuộc toa số 8 cạnh chúng tôi đủ khách, trong đó có một cô sinh viên nằm ở tầng 2. Khi tàu chuyển bánh, có một phụ nữ ngồi ghế nhựa cuối toa, ôm bụng quằn quại rên la, hỏi ra mới biết chị này vừa trải qua ca phẫu thuật ở bụng. Sau những ngày điều trị bệnh chị được xuất viện về quê nhưng chỉ mua được vé bổ sung nên phải ngồi bằng ghế nhựa phụ. Thông cảm hoàn cảnh người phụ nữ, cô sinh viên có vé đi tận TPHCM liền nhường chỗ của mình và dìu chị lên giường nằm cho đỡ cơn đau. Sau khi có chỗ tử tế, người phụ nữ thiếp đi tự lúc nào... Còn cô sinh viên, suốt cả đêm hôm ấy phải vật và, vật vưỡng; lúc thì sang toa thăm bạn rồi khuya lại về ngồi ở cuối toa ngủ gà ngủ gật...
Rạng sáng, tàu ghé vào ga một tỉnh Bắc miền Trung. Người phụ nữ cũng xuống tàu mà không tìm được cô gái tốt bụng nọ để ngỏ lời cảm ơn... Trời sáng hẳn, cô sinh viên mới trở về chỗ cũ thì thấy một chàng thanh niên đã nằm ngủ khì trên giường cô đã nhường trước đó. Cô chỉ biết ngồi ghé vào cuối giường bên cạnh, dán mắt vào chiếc điện thoại cho đỡ buồn. Thấy xót ruột, một chị nằm cạnh đó gọi người phụ trách toa: “Ông gì ơi, hãy trả chỗ nằm lại cho cô bé kẻo tội nghiệp nó quá. Nó lang thang suốt cả đêm rồi...”. Người này lên giọng gắt gỏng: “Có ai mượn chỗ đâu mà trả”!?. Nhưng rồi sau đó ông gọi người thanh niên dậy và chuyển hành lý sang nằm khoang bên cạnh, cô sinh viên mới được nằm lại vị trí mình đã mua vé.
Hành khách lên tàu SE1. |
2. Tàu SE1 đỗ lại ga Thái Bình vào khoảng hơn 21 giờ đêm, có 2 cụ trên dưới tuổi 70 đi vào TP Đà Nẵng để tham dự cuộc gặp gỡ những chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đày toàn quốc. Nằm trên giường 2 cụ già là một anh công nhân lái máy người Hà Nội, đang công tác tại một doanh nghiệp vận tải đóng tại TP Quy Nhơn (Bình Định) đang về lại đơn vị cũ sau những ngày nghỉ phép thăm gia đình. Một trong 2 cụ bị thương phải cắt ống khủy chân bên trái đến tận đầu gối, đi lại bằng chân giả rất khổ nhọc. Qua bắt chuyện mới biết cả 2 cụ trước đây là lính của Trung đoàn 31 thuộc Mặt trận 544, từ miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam–Đà Nẵng thời kỳ 1968– 1975; từng bị địch bắt tra tấn rồi đưa đi đày tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, cụ bị thương mất phần dưới ống chân trái sau này được công nhận thương binh hạng 1/4.
Anh công nhân kể, bố mẹ anh có 2 người con trai, nhưng không ai được vào quân ngũ cả. Bởi vậy, mỗi lần nghe kể chuyện về bộ đội chiến đấu là anh “mê tít thò lò”. Bên cốc cà-phê đen đá trên tàu vào buổi sáng do anh mời 2 cụ, những kỷ niệm về chiến trường năm xưa được các cụ hồi tưởng lại, làm chàng công nhân đi từ bất ngờ này đến thú vị khác. Nhất là việc cụ thương binh từng tham gia đánh chiếm đồn Núi Chúa trên đỉnh Bà Nà vào năm 1968, nay là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của cả nước. Đến trận đánh đồn Hòa Cầm năm 1971, cụ bị thương ở chân, tay và khắp cả thân người..., bị Mỹ bắt được đưa về bệnh xá của chúng điều trị, 3 tháng sau vết thương lành chúng đưa cụ ra đảo Phú Quốc giam cầm cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cụ thương binh nói vui: “Con người ai cũng có số mệnh cả. Lúc tôi bị trúng đạn với nhiều vết thương trong trận đánh Hòa Cầm rất nặng, may mà gặp bọn Mỹ mới được cứu chữa lành, chứ gặp lính ngụy là chúng cho ăn đạn rồi đạp xuống hố, tiêu mất xác rồi...”. Đến trưa, lúc tàu sắp về ga Đà Nẵng, anh công nhân mua 3 hộp cơm sườn trên tàu mời các cụ dùng. Một cụ hơi ngại nên từ chối, người thanh niên cố nài: “Thôi thì đã trưa rồi, các cụ có về Đà Nẵng cũng phải ăn cơm, nên cụ ăn cho cháu vui chứ dễ gì gặp được cụ...”. Con tàu kéo hồi còi dài ra đỗ xịch trong đường ray số 1 của ga Đà Nẵng. Tôi và anh công nhân giúp các cụ đưa hành lý xuống đất. Thấy cụ thương binh khó di chuyển rời bậc thang cao của tàu, một thanh niên trẻ vừa rời tàu liền bỏ túi xách đi vào đỡ cụ xuống đất...; trong khi người phụ trách toa to béo đứng im lìm cạnh đó.
Chia tay các cụ, mỗi chúng tôi và cả các cụ không ai biết tên nhau nhưng cũng dành nhau những lời tốt đẹp nhất. Một cụ nghẹn ngào: “Bây giờ vẫn còn rất nhiều người tử tế và câu chuyện tử tế vẫn là thời sự nóng hổi. Bởi vậy, tôi thường khuyên bảo con trai tôi đang làm ở cơ quan bảo vệ pháp luật là, hãy sống cho tử tế rồi sẽ có nhiều người tử tế với mình...”.
Nguyên Ngọc Phó