Nhặt chuyện ứng xử ở bệnh viện

Thứ bảy, 11/06/2016 20:45

(Cadn.com.vn) - Với phương châm:"Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo", "Chúng tôi ở đây là để giúp bạn vượt qua bệnh tật", "Trao yêu thương không trao vi khuẩn", "Nhân viên bệnh viện không nhận tiền và quà của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân" được dán khắp các nơi trong bệnh viện (BV), cộng với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sỹ giỏi về chuyên môn, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã thật sự "ghi điểm" trong mắt bệnh nhân. Vì lẽ đó, trong những năm qua, mỗi khi con em mắc bệnh và muốn "vượt cạn", nơi đầu tiên người dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên nghĩ đến là BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

 

1. Mới đây, tôi đưa vợ đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để khám thai. Đang ngồi đợi đến số thứ tự, tôi gặp một cặp vợ chồng với dáng người "quê quê" bồng đứa con nhỏ bước vào. Có lẽ đây là lần đầu đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nên cặp vợ chồng này tỏ vẻ bối rối. Thấy thế, cô nhân viên của BV đang ngồi ở bàn hướng dẫn vội bước đến thăm hỏi. Khi biết vợ chồng này đang có nguyện vọng khám chữa bệnh cho con, cô nhân viện nhẹ nhàng hướng dẫn tận tình từ cách bấm số thứ tự, ngồi đợi đến lượt, nhận sổ khám chữa bệnh, đến phòng khám…

2. Vợ vào phòng siêu âm, tôi ngồi đợi ở ghế ngoài hành lang. Lúc này, Ts.Bs Trần Đình Vinh - Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đi qua, thấy hàng chục bệnh nhân và người nhà đang ngồi đợi, ông liền nở nụ cười chào. Nụ cười đó đã làm cho các bệnh nhân cảm thấy ấm lòng và yên tâm hơn. Xong nhiệm vụ, BS Vinh trở lại lối cũ để về phòng làm việc của mình. Khi ngang qua, thấy vợ chồng tôi có vẻ lo lắng, ông quay lại hỏi thăm. Khi biết vợ tôi chuẩn bị sinh con thứ hai, có vết mổ cũ và sức khỏe không được tốt, BS Vinh liền yêu cầu được xem hồ sơ bệnh án. Sau khi kiểm tra một số thông tin, BS Vinh nhẹ nhàng nói: "Vợ em đã đến ngày sinh, có vết mổ cũ nên giờ nhập viện để sinh nhé. Em yên tâm đi, bác sẽ là người trực tiếp mổ cho vợ em". Dứt lời, BS Vinh yêu cầu cô nhân viên đang đứng gần đó đưa vợ tôi đi làm thủ tục nhập viện.

Với cương vị là giám đốc, trăm công nghìn việc nên BS Vinh ít có thời gian để thực hiện việc phẫu thuật cho những sản phụ. Ông chỉ trực tiếp thực hiện những ca thật sự khó, những ca mà sản phụ có những bệnh nguy hiểm đi kèm. Sự gần gũi và thấu hiểu của BS Vinh đã làm cho vợ chồng tôi thật sự xúc động và ấm lòng.

Thủ tục nhập viện xong, tôi đưa vợ đến phòng chờ sinh. 10 phút sau, cô nhân viên y tế đến thông báo: "Qua kiểm tra hồ sơ khám và nhập viện, em thấy anh chị cung cấp thông tin về địa chỉ không đồng nhất, có lẽ anh chị nhầm giữa quê quán và nơi thường trú. Nếu thông tin về địa chỉ không được ghi rõ ràng, sau này có thể gây phiền hà cho anh chị trong việc làm giấy khai sinh, nhập khẩu và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Xin mời anh chị qua kiểm tra lại để bọn em điều chỉnh cho chính xác". Kiểm tra hồ sơ, chúng tôi thấy mình sai. Lúc này dù đã 11 giờ 40 nhưng cô nhân viên vẫn không tỏ vẻ khó chịu trước sự sai sót của tôi mà còn trấn an. Vợ tôi được lên lịch mổ, "mẹ tròn con vuông". Một lần nữa, tôi lại mang ơn BS Vinh.

 

3. Vợ con nằm trong phòng Hồi sức sau mổ để thực hiện phương pháp "da kề da", tôi ngồi đợi ở hành lang. 16 giờ, Khoa Sản tiếp nhận cấp cứu cho một sản phụ trong tình trạng nguy kịch được chuyển ra từ Quảng Ngãi. Qua trò chuyện với người nhà sản phụ, tôi được biết sản phụ này có tiền sử bệnh tim nặng. Sáng, sản phụ này chuyển dạ, người nhà đưa đến BV đa khoa Quảng Ngãi để sinh, các bác sỹ cho rằng đây là một ca vô cùng khó, cần phải ra BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng gấp…

Có lẽ muốn vợ được sinh sớm và an toàn, khi thấy một vị bác sỹ chuẩn bị bước vào phòng mổ, người chồng vội chạy tới nhắn gửi và nhét chiếc phong bì vào tay. Vị bác sỹ từ tốn nói: "Nhân viên BV không nhận tiền và quà của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân ngoại trừ viện phí. Anh hãy yên tâm chờ niềm vui từ chúng tôi. Chúng tôi ở đây là để giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật và giúp sản phụ "vượt cạn" thành công". Dứt lời, vị bác sỹ vội vào phòng mổ để làm nhiệm vụ, còn người chồng kia ra ghế đợi với niềm tin dạt dào. 30 phút sau, anh ta đón niềm hạnh phúc khi nhận thông báo vợ đã hạ sinh một bé trai nặng 3,6 kg, sức khỏe cả mẹ lẫn con đều tốt sau mổ.

4. 21 giờ 30, vợ con tôi rời phòng hồi sức sau mổ để đến phòng hậu sản tại tầng 7. Nhìn những cử chỉ, hành động và lời nói nhẹ nhàng của cô nhân viên hộ lý làm chúng tôi thêm yên tâm và quý mến. Trả bệnh nhân xong, cô hộ lý đẩy chiếc xe ra khỏi phòng, tôi bước theo để gửi chút quà bày tỏ lòng cảm ơn. Cô hộ lý nhẹ nhàng nói: "Anh hãy cất vào đi. Đây là nhiệm vụ của em nên em sẽ không nhận bất cứ thứ gì ngoài lời cảm ơn".

Do đặc thù công việc, tôi vẫn thường xuyên lui tới BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Tại đây, tôi gặp nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đa số họ đều có chung nhận định: BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không chỉ có những máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sỹ giỏi về chuyên môn, tận tình, hết lòng, hết sức chăm sóc bệnh nhân, mà họ còn luôn gần gũi, thấu hiểu và ứng xử nhân văn với bệnh nhân. Tất cả điều đó đã trở thành "liệu pháp" hữu hiệu, giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Lê Hùng

Y, bác sỹ BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tích cực cứu chữa một ca bệnh nặng.   Ts. Bs Trần Đình Vinh trực tiếp thực hiện một ca sinh khó.