Nhật - Hàn căng thẳng do Covid-19

Thứ ba, 10/03/2020 08:30

Từ 0 giờ ngày 9-3, Nhật Bản dừng miễn thị thực 90 ngày với công dân Hàn Quốc, đình chỉ hiệu lực những visa đã cấp trước đó.

Nhiều chuyến bay từ sân bay Haneda của Tokyo đến sân bay Gimpo ở Seoul, Hàn Quốc, bị hủy trong ngày 9-3.

Những phản ứng gay gắt của Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan dịch bệnh Covid-19 đã khiến mối quan hệ vốn không êm ả giữa hai nước rơi vào căng thẳng.

Cả hai đã bắt đầu thực thi các hạn chế nhập cảnh đối với các công dân của nhau, bắt đầu từ ngày 9-3. Theo đó, từ 0 giờ ngày 9-3, Nhật Bản dừng miễn thị thực 90 ngày với công dân Hàn Quốc, đình chỉ hiệu lực những visa đã cấp trước đó. Ước tính khoảng 17.000 người Hàn Quốc đã được cấp visa Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi biện pháp này. Nhật Bản chỉ cho phép chuyến bay từ Hàn Quốc hạ cánh ở 2 sân bay là Narita và Kansai. Những hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc sẽ phải tự cách ly tại nhà hoặc khách sạn trong vòng 14 ngày và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Từ ngày 9-3, Hàn Quốc cũng dừng chương trình miễn thị thực nhập cảnh 90 ngày cho người Nhật Bản để trả đũa Tokyo. Họ cũng áp đặt các thủ tục nhập cảnh đặc biệt, yêu cầu người Nhật phải kiểm tra nhiệt độ, thực hiện thủ tục y tế và các thủ tục giấy tờ khác tại các sân bay.

Hiện nay tại Hàn Quốc, mặc dù số lượng ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 9-3 tuyên bố thể hiện sự lạc quan về khả năng nước này sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh và cho rằng tốc độ lây lan của các ca nhiễm đã chậm lại trong 3 ngày liên tiếp. Hàn Quốc ngày 9-3 báo cáo thêm 367 trường hợp nhiễm mới, giảm so với con số lần lượt là 483 và 518 vào 2 ngày trước đó. Trước đó một ngày, Thủ tướng Chung cũng tuyên bố sẽ nỗ lực để hoạt động phân phối khẩu trang cho người dân diễn ra suôn sẻ.

Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc hiện đang nỗ lực gồng mình đối phó dịch bệnh khi vẫn là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Hiện, 124 quốc gia và vùng lãnh thổ hạn chế nhập cảnh với hành khách đến từ Hàn Quốc. Cụ thể, có 44 nơi cấm nhập cảnh với những người đến từ Hàn Quốc, trong đó có 38 nơi cấm nhập cảnh với hành khách đến từ toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Saudi Arabia và Oman cấm nhập cảnh với mọi hành khách đến từ Hàn Quốc từ ngày 8-3. Lục quân Mỹ cũng đã ra lệnh cho các binh sĩ và gia đình họ ngừng đến và đi từ Hàn Quốc trong bối cảnh gia tăng lo ngại về sự lây lan Covid-19.

Số người chết vì dịch Covid-19 tại Italia tăng cao kỷ lục

* Theo số liệu mới nhất, Covid-19 lan ra 97 quốc gia trên toàn thế giới, ghi nhận tổng cộng hơn 101.000 ca nhiễm, hơn 3.700 người tử vong. Tại Iran, tổng số ca tử vong vì Covid-19 là 194, số ca nhiễm lên tới 6.566. Số ca tử vong mới trong ngày 8-3 là 49. Số ca nhiễm mới là 743.

Hãng thông tấn ANSA của Italia ngày 9-3 dẫn số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này cho biết, trong ngày 8-3, Italia ghi nhận thêm 133 ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 366 (tăng 57,1% so với ngày 7-3). 

Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày cũng tăng 1.326, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.375. Trong số ca nhiễm mới này có nhân vật quan trọng, Tham mưu trưởng Lục quân Italia. Hãng thông tấn Adnkronos dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Italia cho biết, tướng Salvatore Farina, đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện ông Salvatore Farina có tình trạng sức khỏe tốt và đang được cách ly. Đồng thời, ông Farina cũng đang được tiến hành các quy trình y tế cần thiết nhằm xác định những tiếp xúc của ông trong những ngày gần đây. Trong thông báo, Tham mưu trưởng Lục quân Italia cũng cho biết ông sẽ tiếp tục thực hiện các công việc của mình trong điều kiện bị cách ly. Đối với những công việc cần có sự hiện diện của ông sẽ được thay thế tạm thời bởi tướng Bonato.

Hỗn loạn trong các nhà tù của Italia

Một vùng rộng lớn ở miền Bắc Italia, với gần 16 triệu người, bị cách ly từ ngày 8-3 để chống dịch bệnh. Không chỉ ở bên ngoài, ngay bên trong các nhà tù, dịch Covid-19 đã gây ra những căng thẳng đáng lo. 

Một cuộc gây rối được đánh giá là rất nghiêm trọng đã xảy ra vào chiều 8-3 (giờ địa phương) tại nhà tù ở thành phố Modena (vùng Emilia - Romagna). Nguyên nhân được xác định là do các phạm nhân tại đây lo lắng và yêu cầu các biện pháp chống lại nguy cơ nhiễm Covid-19 tại nơi giam giữ. Các yêu cầu của phạm nhân nhanh chóng biến thành vụ gây rối nghiêm trọng khi một số người đã trèo qua tường, đốt đệm và gây thiệt hại cho cơ sở giam giữ. Cuộc gây rối đã làm 2 sĩ quan cảnh sát Italia bị thương nhẹ. Trong khi đó, tại nhà tù ở thành phố Frosinone (vùng Lazio), hàng trăm phạm nhân đã tham gia một cuộc gây rối nhằm phản đối lực lượng an ninh của nhà tù sau khi lực lượng này thực hiện lệnh cấm các phạm nhân tiếp xúc với người thân theo quy định trong Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh mới được chính phủ Italia ban hành. Ông Giovanni Battista Durante, Tổng thư ký nhà tù Sappe, nói rằng, các đồng nghiệp làm việc trong nhà tù này cho biết, trại giam đã “hoàn toàn bị phá hủy”.

Trước tình hình này, Italia hối thúc EU thông qua gói các biện pháp chống lại tác động từ dịch bệnh với các nền kinh tế trong khối. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố chính phủ sẽ tăng chi hơn nữa trong “một liệu pháp sốc điện lớn” để bù đắp cho tác động kinh tế của dịch bệnh này.

KHẢ ANH