Nhật “mất mặt” vì bê bối Kobe Steel

Thứ năm, 12/10/2017 09:52

Vụ bê bối giả mạo số liệu của Tập đoàn sắt thép Kobe Steel gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp Nhật Bản khi ngày càng nhiều nhà sản xuất xác nhận đã sử dụng các sản phẩm của tập đoàn này trong sản xuất ô-tô, tàu cao tốc, và thậm chí thiết bị quốc phòng.

Dây chuyền lắp ráp bên trong nhà máy của Nissan Motor tại Yokohama, Nhật Bản.   Ảnh: AP

Ngày 11-10, các nhà sản xuất ô-tô hàng đầu của Nhật tuyên bố đang nỗ lực đánh giá lại độ an toàn của những loại xe có sử dụng các sản phẩm của Kobe Steel để xem liệu có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không sau khi tập đoàn vốn thừa nhận chuyển giao các sản phẩm không đáp ứng được những quy cách kỹ thuật theo yêu cầu.

Bộ Công nghiệp Nhật cũng hối thúc Kobe Steel nỗ lực hợp tác với các khách hàng, vốn trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp, để phân tích mức độ an toàn. Kobe Steel cũng thừa nhận đang đàm phán với một khách hàng nhận số lượng bột sắt không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, tập đoàn này từ chối bình luận về thông tin từ giới truyền thông rằng, các vật liệu được sử dụng trong chất bán dẫn cũng bị ảnh hưởng bởi bê bối này. Ngoài các sản phẩm nhôm và đồng, tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel có thể giả mạo số liệu kỹ thuật về bột sắt, làm gia tăng quan ngại về bê bối đang làm rúng động Nhật Bản này.

Trong ngày 11-10, giá cổ phiếu của Kobe Steel tiếp tục lao dốc 17,8%, khiến giá trị thị trường của tập đoàn này “bốc hơi” hàng  tỷ USD.

Những nạn nhân “tai to mặt lớn”

Toyota, Nissan, Honda, Mitsubishi Motor, Subaru và Mazda cùng các Cty hàng không và các nhà thầu quốc phòng như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI đều sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của nhà sản xuất sắt thép lớn mạnh này.

Vụ bê bối ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp tại Nhật khi ngày càng nhiều nhà sản xuất cho biết họ đã sử dụng các sản phẩm của Kobe Steel trong sản xuất ô-tô, tàu cao tốc, và thậm chí thiết bị quốc phòng. Theo Cty kỹ thuật Hitachi, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản và các đoàn tàu cao tốc ở Anh cũng sử dụng nhôm của Kobe Steel. Người phát ngôn của Hitachi cho biết: “Các sản phẩm được sử dụng cho cả tàu cao tốc của Nhật và Anh đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, chúng không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đã thỏa thuận giữa chúng tôi và Kobe Steel”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Honda Tamon Kusakabe ra tuyên bố trấn an khách hàng khi cho biết: “Về vấn đề an toàn, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu tác động (có thể)”. Theo ông, tại thời điểm này, Honda chưa thấy vấn đề nghiêm trọng nào. Nhưng lo ngại vẫn gia tăng khi “người khổng lồ” Toyota cũng xác nhận, Kobe Steel cung cấp vật liệu cho một trong những nhà máy của họ ở Nhật.

Hủy hoại uy tín nước Nhật

Vụ bê bối của Kobe Steel bùng nổ hôm 8-10 khi tập đoan này lần đầu tiên thừa nhận giả mạo dữ liệu liên quan đến chất lượng các sản phẩm. Điều tra nội bộ cho thấy, dữ liệu được làm giả cho khoảng 19.300 tấn nhôm, 2.200 tấn đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2017.

Thậm chí, tập đoàn này cho biết, mọi việc có thể đã bắt đầu từ một thập kỷ trước, có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm được giao cho khoảng 200 Cty. Kobe Steel hiện đang phải xác nhận, những số liệu, bao gồm cả thông số về độ bền của sản phẩm bột sắt liệu có bị giả mạo hay không. Tập đoàn này cũng đang điều tra số liệu về các vật liệu khác có bị làm giả hay không.

Cuộc khủng hoảng của Kobe Steel là vụ việc mới nhất trong chuỗi các bê bối liên quan đến chất lượng sản phẩm trong các hoạt động kinh doanh chủ chốt của Nhật trong những năm gần đây, từng bước phá hoại danh tiếng của nước này. Nhật từng đau đầu khi Nissan thông báo thu hồi hơn 1 triệu xe trên thị trường nội địa do vấn đề kiểm tra an toàn trước khi được đăng ký và bán ở trong nước. Nhà sản xuất túi khí Takata bị phá sản sau khi các sản phẩm của họ bị lỗi, liên quan đến những vụ tai nạn khiến 16 người chết trên toàn thế giới. Năm ngoái, Mitsubishi Motors cũng thừa nhận đã gian lận kết quả mức độ tiêu hao năng lượng xe.

KHẢ ANH