Nhật và cuộc khủng hoảng di cư

Thứ hai, 14/09/2015 08:53

(Cadn.com.vn) - Nhật Bản đã nhanh chóng gửi tiền viện trợ giúp đỡ người di cư nhưng không nói gì về việc sẽ chào đón họ đến tị nạn.

Xứ sở Mặt trời mọc "nổi tiếng" là rất khó khăn trong việc chấp nhận người tị nạn. Điều này thể hiện rõ trong chính sách tị nạn của Tokyo. Trong khi khó có thể bắt lỗi Nhật về khả năng viện trợ nhân đạo, việc chỉ chấp nhận 11 người trong số khoảng 5.000 đơn xin tị nạn vào năm 2014 của nước này là "không có gì để tự hào".

Năm ngoái, Nhật chi 181,6 triệu USD cho Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), khiến nước này trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Trong nửa đầu năm nay, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe chi 167 triệu USD cho UNHCR, một lần nữa, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai cho tổ chức này. Ngoài ra, hồi tháng 1, khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Ai Cập, ông cam kết viện trợ đặc biệt 200 triệu USD cho những người tị nạn từ Iraq và Syria do làn sóng gia tăng mạnh mẽ của nhóm Hồi giáo IS.

Tuy nhiên, hành động tài chính hào phóng này không đồng nghĩa với việc Nhật sẵn sàng chào đón những người tị nạn. Nước này nhận thức rất rõ mối nguy hiểm hiện nay của cuộc khủng hoảng người tị nạn đang nhấn chìm Châu Âu khi UNHCR ước tính gần 1 triệu người phải di cư do cuộc nội chiến Syria trong năm nay. Ngay lập tức, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết, "Tokyo sẽ xem xét đóng góp xứng đáng...". Tuyên bố này cho thấy, Nhật sẵn sàng chi thêm tiền cho người tị nạn  - nhưng không sẵn sàng chấp nhận thêm người tị nạn.

Trên thực tế, Bộ Tư pháp Nhật đang xem xét những thay đổi về chính sách người tị nạn, trong đó đề ra những quy định khó khăn hơn như sẽ xử lý nghiêm khắc hơn những cá nhân vì mục đích muốn tiếp tục làm việc tại Nhật, chứ không phải vì lo ngại vấn đề an toàn khi trở về nhà. UNHCR, Liên đoàn luật sư Nhật Bản, và nhà hoạt động chỉ trích các đề xuất này vì nó không cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho những người tị nạn mà thậm chí còn khiến việc xin tị nạn khó khăn hơn.

Hiroaki Sato, một quan chức của Bộ Tư pháp Nhật tuyên bố, "chúng tôi không tìm cách tăng hoặc giảm số lượng người tị nạn đến Nhật, nhưng đảm bảo những người tị nạn thực sự được đánh giá một cách nhanh chóng và công bằng". Và quả thực, rất khó để đánh giá các tác động trong những đề xuất thay đổi - vốn cũng bao gồm việc mở rộng định nghĩa về một người tị nạn.

Hiện nay, Nhật công nhận người tị nạn là những người lo sợ cuộc khủng bố tại đất nước của họ vì lý do sắc tộc, tôn giáo, chính trị. Sợ bị lạm dụng thân thể có thể là lý do chính đáng để được công nhận tị nạn. Nhưng theo ông Sato, những người đang chạy trốn khỏi cuộc xung đột sẽ tiếp tục không được công nhận.

Có lẽ sự trớ trêu lớn nhất trong tất cả điều này là Nhật đang thực sự cần người lao động khi dân số đang già đi và giảm dần. Nhưng buộc phải dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn - và cho họ tái định cư ở Nhật - không phải là việc dễ dàng. Nền kinh tế thứ 3 thế giới vẫn phải đấu tranh để phục hồi từ thập kỷ giảm phát và quan liêu. Và việc chấp nhận và đồng hóa người tị nạn vào xã hội Nhật cũng đòi hỏi một chính sách nhiều sáng tạo hơn so với hiện nay.

Thanh Văn