Nhật và nguy cơ bất ổn từ băng đảng Yakuza

Thứ ba, 01/12/2015 11:16

(Cadn.com.vn) - Ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, nạn khủng bố toàn cầu, Nhật còn đang "nín thở" trước  nạn "tắm máu" của các băng nhóm tội phạm Yakuza, đặc biệt là sau khi Yakuza mới đây đã tiến hành chia tách thành những nhóm nhỏ.

Nhật được biết đến là quốc gia có tỷ lệ tội phạm và tham nhũng thấp nhất thế giới.

Có một ngoại lệ ít biết, băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật lại có tên tuổi và có lịch sử phát triển hơn 100 năm, đó là băng Yakuza. Đây là băng nhóm đi lên từ nhóm thợ bốc vác, dưới trướng của ông trùm Harukichi Yamaguchi. Có nguồn tin cho rằng, Yakuza ra đời sớm hơn, từ thế kỷ XVIII và có mối liên kết chặt chẽ với giới chính trị. Theo tờ Economist, một số thành viên Yakuza còn có thẻ kinh doanh và lương hưu. Một vài thập kỷ gần đây, quân số Yakuza có giảm, nhưng hiện vẫn còn khoảng 53.500 thành viên.

Trùm băng đảng Yamaguchi-gumi Shinobu (đội mũ) trước sự kiện chia tách nhóm.

2 yếu tố hợp pháp của Yakuza

Mặc dù kinh tế phát triển, Nhật trở thành một trong những cường quốc, nhưng Yakuza vẫn hiện diện là tổ chức tội phạm lớn nhất ở quốc gia này. Mỗi băng nhóm đều có những công việc "đăng ký" khác nhau nhưng đằng sau đó, Yakuza làm ăn phi pháp như buôn ma túy, buôn người, tống tiền, giết người... Nhưng vì sao Yakuza vẫn tồn tại và lớn mạnh?

Thứ nhất, đây là tổ chức tội phạm có lịch sử lâu dài và có mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị và vươn tay mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế. Sau Thế chiến II, Yakuza tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn quy mô. Sức mạnh Yakuza đạt đỉnh điểm vào những năm 1960 với quân số lên 184.000 người. Thứ hai, một trong những lý do thường được dư luận nhắc đến - vì sao Nhật lại có rất ít tội phạm - đó chính là do ảnh hưởng của Yakuza.

Các gia đình tội phạm lớn duy trì việc buôn bán ma túy và biết điểm dừng để tránh đối đầu với cảnh sát. Chừng nào, các hoạt động của Yakuza không làm hại đến bất cứ ai bên ngoài thế giới ngầm tội phạm, họ vẫn được giới chính trị chống lưng. Theo tờ Economist, Nhật dùng mô hình tội phạm  có tổ chức để thay thế những kẻ vô tổ chức.

Về phần mình, các băng nhóm Yakuza cũng tự thân vận động, tiến hóa để tồn tại, tự quảng bá mình là một lực lượng quan trọng trong xã hội. Các băng nhóm Yakuza tham gia làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, thậm chí còn xây dựng cả các khu phố cho trẻ em vô gia cư. Yakuza đã từng tổ chức chiến dịch cứu trợ nhanh chóng sau thảm họa hạt nhân Fukushima, trong khi phản ứng chính phủ lại quá chậm chạp.

Nguy cơ thanh trừng giữa các nhóm Yakuza

Theo thống kê, Yakuza có đến 21 nhóm thống trị với 3 nhóm lớn là Yamaguchi-gumi, Inagawa-kai và Sumiyoshi-kai. Riêng Yamaguchi-gumi gần đây đã chia nhỏ, trong đó 13 bộ tộc tách khỏi nhóm do bất đồng về nhiều vấn đề. Tính đến cuối năm 2014, Yamaguchi-gumi có 10.400 thành viên rải rác ở 44 tỉnh. Con số này sẽ lớn hơn nếu tính cả 23.400 thành viên quasi (chưa chính thức), chiếm 43,7 % "thị phần" các tổ chức tội phạm ở Nhật. Sự chia tách này gây báo động trong chính phủ Nhật về nguy cơ thanh trừng lẫn nhau.

Theo tờ Asahi Shimbun, cả Yamaguchi-gumi và 13 nhóm chia tách hiện đang bận rộn mua sắm vũ khí và xếp hàng tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong thế giới ngầm. Vụ hỗn chiến mới đây diễn ra bên ngoài khu vực suối nước nóng ở Iida, quận Nagano là một ví dụ. Người đàn ông 43 tuổi bị bắn chết bên ngoài phòng tắm hôm 6-10, động thái được cho là vụ thanh trừng giữa các nhóm Yamaguchi-gumi, mở đầu cho kỷ nguyên mới không êm đềm trong nội bộ Yakuza.

Để trả đũa, một ông chủ của Yamaguchi-gumi đã bị giết vào giữa tháng 11. Nạn nhân là Tatsuyuki Hishida được tìm thấy trong tình trạng chân tay bị trói chặt và chết thảm hại bằng những cú đánh thâm tím bằng dùi cui. Cảnh sát Nhật nhận định đây có thể là cuộc thanh trừng nội bộ mà Yamaguchi-gumi đã thực hiện.

Việc chính phủ Nhật Bản "nín thở" lo sợ nguy cơ bùng nổ chiến tranh băng đảng hoàn toàn có cơ sở. Cách đây vài năm, 2 băng nhóm địch thủ Yakuza đã sử dụng súng máy và lựu đạn để thanh trừng nhau trên hòn đảo phía nam Kyushu, không khác gì chiến tranh đích thực.

Kim Hùng
(Theo Diplomat/CNN)