Nhiều diễn biến mới liên quan đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Liên quan đến việc hư hỏng nhiều đoạn mặt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, ngày 15-10, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan đã tiến hành cắt bóc toàn bộ mặt đường thảm nhựa bê-tông bị hư hỏng, có đoạn dài 400 mét để tiến hành làm lại.
Khắc phục sự cố hư hỏng trên tuyến cao tốc ngày 15-10. |
Bên cạnh đó, liên quan đến dự án đang gây “tai tiếng” này đã xuất hiện nhiều “tình tiết” mới khiến dư luận đặc biệt quan tâm, cụ thể như xuất hiện nhiều vệt dầu loang bất thường trên cao tốc; nhà thầu Hàn Quốc tự ý bán gói thầu gần 1.400 tỷ đồng...
Cắt bóc đoạn hư hỏng lên làm lại
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GT-VT, từ cuối giờ chiều ngày 14-10, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan đã tiến hành cắt bóc toàn bộ mặt đường thảm nhựa bê-tông bị hư hỏng mà những ngày trước đây các nhà thầu đã vá tạm theo phương pháp thủ công gây phản cảm. Theo thông báo của Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thời gian bắt đầu thực hiện khắc phục hư hỏng từ 17 giờ ngày 14-10 và dự kiến kết thúc vào lúc 11 giờ ngày 17-10-2018. Địa điểm thực hiện, đoạn tuyến JICA (từ Km 0+00- Km65+00), các đoạn bị hư hỏng phải khắc phục ở Km 45+00, Km46+00 (bên phải tuyến), Km 46+00 và Km 27+00 (bên trái tuyến).
Nội dung của kết luận thanh tra Bộ GT-VT cho thấy nhà thầu Hàn Quốc bán 100% gói thầu A5 và Biên bản hiện trường phát hiện nhiều vệt dầu loang nghi vấn. |
Có mặt tại đoạn Km 27+00 trưa ngày 15-10, chúng tôi chứng kiến cảnh hối hả thi công của các phương tiện xe cơ giới phục vụ cho việc cắt vá đoạn hư hỏng trên. Hàng chục xe chuyên dụng các loại và gần 50 công nhân khẩn trương khắc phục sự cố. Đây được xem là đoạn hư hỏng chính, vì chiều dài tuyến đường bị bóc lên làm lại dài đến gần nửa ki-lô-mét. Để phục vụ cho việc khắc phục “sự cố” trên, ngoài đại diện chủ đầu tư còn sự có mặt của Thanh tra giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ CA) để phối hợp điều tiết giao thông...
Đại diện chủ đầu tư là Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng có mặt tại hiện trường giám sát thực hiện việc khắc phục. Giải thích cho P.V về việc cắt vá đoạn đường dài như trên, đại diện VEC cho rằng: “Những ngày qua sau khi xuất hiện những ổ gà, nhà thầu đã vá tạm bằng cách thủ công. Đó là biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên với cách vá vừa qua sẽ không bằng phẳng, đồng thời những mối vá gây phản cảm nên sau đó nhà thầu mới tư vấn chủ đầu tư thống nhất cắt vá cả làn xe chạy (ngang 3,5m, dài 400m, dày 80cm). Cách làm này được sự chấp nhận của VEC để đảm bảo tính lâu dài cho cả đoạn đường”…
Ngoài đoạn hư hỏng chính trên, các điểm còn lại như đoạn ở Km 45+00, Km46+00 cũng đang xuất hiện nhiều ổ gà và việc cắt vá cũng đang được tiến hành. Theo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì việc khắc phục hư hỏng trên sẽ kết thúc vào trưa 17-10-2018.
Chiều dài đoạn khắc phục lên đến 400 mét. |
Xuất hiện nhiều vệt dầu loang nghi vấn
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 15-10, đại diện BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xác nhận, vừa phát hiện vệt dầu loang bất thường trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận xã Duy Trung (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nên đã lập biên bản hiện trường và đã báo cho CA tỉnh Quảng Nam xác minh, điều tra làm rõ.
Theo biên bản được lập lúc 12 giờ 30 phút ngày 13-10 giữa các bên, gồm đại diện Ban điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, BQL dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công gói thầu số 4…, cho thấy trong quá trình kiểm tra phạm vi hư hỏng mặt đường Km28 trái tuyến để chuẩn bị công tác sửa chữa ổ gà, nhà thầu gói thầu số 4 và tư vấn giám sát OCG-KEC-SMEC phát hiện vệt dầu loang chảy dọc theo mép bỏ vỉa biên dọc đường sau đợt mưa lúc 10 giờ 50 phút cùng ngày. Có 6 vệt dầu loang, kích thước mỗi vệt khoảng 60x60cm trùng với vệt bánh xe chạy trên làn xe bên ngoài (sát làn dừng khẩn cấp) tại khoảng lý trình Km28+680 đến Km 27+700 (trái tuyến), các vệt dầu hiện rõ trên mặt đường.
Qua xác minh thông tin của đội vận hành tuần tra trên tuyến đường và đường dây hotline của VECS thì vào thời điểm trước đó không có phương tiện hư hỏng tại vị trí này. “Các bên sau khi kiểm tra thống nhất ghi nhận sự việc thực tế có các vệt dầu đã thấm sâu vào các lớp bê-tông nhựa và đang chảy ra bên ngoài theo nước mưa qua đáy lớp BTN tạo nhám mặt đường”- kết luận nêu rõ.
Vệt dầu loang nghi vấn phát hiện trên tuyến cao tốc. |
Về tác hại của vệt dầu loang, đại diện BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho rằng, dầu diesel sẽ làm biến đổi thành phần bê-tông nhựa, vì vậy trước sau gì đoạn đường cao tốc này cũng sẽ bị hỏng. Nên khả năng trong đợt này, đơn vị sẽ yêu cầu nhà thầu sửa lại cùng đợt với những khu vực xuất hiện ổ gà trước đó.
Trước sự việc trên, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết đã thông báo sự việc cho Cục Cảnh sát giao thông (Bộ CA)- đơn vị tuần tra, kiểm soát giao thông trên tuyến cao tốc này và Phòng An ninh kinh tế CA tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên đến cuối giờ chiều 15-10, trao đổi với P.V, Đại tá Phan Văn Tri - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn CA tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại CA tỉnh chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến vụ việc nêu trên.
Cục CSGT tham gia điều tiết giao thông trên tuyến cao tốc trưa 15-10. |
Tự ý bán gói thầu gần 1.400 tỷ
Ngoài ra, trong những ngày qua cũng xuất hiện thông tin nhà thầu Hàn Quốc sau khi trúng gói thầu A5 (đoạn Km 131+700 và Km 131+500 - Km 139+204) không trực tiếp thi công mà tự ý bán 100% giá trị hợp đồng cho 17 nhà thầu phụ trong nước khi chưa được phê chuẩn của Chủ đầu tư.
Trước đó ngày 11-5-2016, Bộ trưởng Bộ GT-VT có Quyết định số 1434/QĐ-BGTVT về việc thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 12-4-2017, Đoàn thanh tra của Bộ GT-VT đã lập Biên bản thanh tra Cty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc)- là nhà thầu chính thực hiện gói thầu số A5 thuộc nguồn vốn WB.
Kết quả thanh tra cho thấy, ngày 16-7-2014, chủ đầu tư là VEC ký hợp đồng với Cty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd về việc thực hiện gói thầu xây lắp số A5. Giá trị hợp đồng xây lắp gần 1.400 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là hơn 1.100 tỷ đồng, Thuế VAT hơn 110 tỷ đồng, dự phòng 15% hơn 181 tỷ đồng. Thế nhưng sau đó nhà thầu chính là Cty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd đã bán toàn bộ 100% giá trị xây lắp gói thầu số A5 cho các nhà thầu phụ tại Việt Nam. Tiến trình bán thầu được thực hiện từ ngày 8-4-2015 đến ngày 29-2-2016.
Biên bản thanh tra của Bộ GT-VT nhận xét: “Sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư, Cty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd không thực hiện thi công mà ký hợp đồng thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Cty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd ký hợp đồng thuê thầu phụ với các đơn vị, đã có thư đề nghị của tư vấn giám sát nhưng chưa có thư trả lời của Chủ đầu tư”.
Theo đó, chất lượng công trình gói thầu số A5 được Đoàn thanh tra Bộ GT-VT nhận xét: “Nhật ký thi công ghi chưa đầy đủ (thiếu nhiệt độ, thời gian…). Vật liệu cho công tác bê-tông: nhà thầu chỉ thí nghiệm chỉ tiêu: hàm lượng CL-(tan trong axit) trong cấp phối thô không quá 0,01%, phản ứng alkali-silic đối với cốt liệu hạt thô trong thí nghiệm nguồn. Thiếu một số thí nghiệm tần suất cát, đá dùng cho bê-tông xi măng…
Như vậy, với những gì đang diễn ra liên quan đến dự án cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng này cho thấy có khá nhiều vấn đề cần được làm rõ. Có hay không việc kẻ xấu phá hoại công trình hoặc một đơn vị liên quan nào đó tạo nên những vết dầu loang để chối bỏ trách nhiệm; có hay không nhà thầu phụ không đủ năng lực dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo?... Những vấn đề trên dư luận đang cần các ngành chức năng vào cuộc thanh tra, điều tra, xác minh làm rõ.
TRẦN TÂN