Nhiều dự án “đánh thức” vùng Đông Duy Xuyên
Tiềm năng du lịch vùng Đông Duy Xuyên đang được “đánh thức” kể từ khi cầu Cửa Đại - đường dẫn nối liền Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình,Tam Kỳ đưa vào sử dụng và mới đây nhất là điểm đến Vinpearl Nam Hội An đón khách du lịch. Đây chính là tiền đề để H. Duy Xuyên phát huy lợi thế du lịch, thương mại - dịch vụ, tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Đông của địa phương...
Khách du lịch tham quan trải nghiệm làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu. |
Từ điểm nhấn Trà Nhiêu
Vùng Đông Duy Xuyên với phong cảnh hữu tình, hiền hòa, yên bình của làng quê, cuộc sống chân chất của người dân quê cùng những nghề truyền thống, món ăn dân dã, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... trở nên hấp dẫn với du khách, nhất là khách quốc tế. Tháng 7-2010, làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu là “điểm nhấn” vùng đất này được ngành du lịch Quảng Nam đầu tư xây dựng điểm đến và chính thức khai trương đón khách.
Làng Trà Nhiêu nằm ở hợp lưu hạ nguồn của các nhánh sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang trước khi đổ ra biển Cửa Đại. Với diện tích tự nhiên 60ha, làng Trà Nhiêu có trên 30 tộc họ sinh sống với các nghề truyền thống như đánh bắt hải sản, trồng lác dệt chiếu, chằm lá dừa nước... Đặc biệt, làng Trà Nhiêu vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ đặc trưng của một làng quê thanh bình, yên ả. Khách du lịch đến làng Trà Nhiêu thưởng ngoạn hoặc làm “cư dân bản địa” để cùng trải nghiệm với người dân nơi đây như dệt chiếu ở làng Bàn Thạch, đánh bắt hải sản, du thuyền câu cá trong vườn dừa nước, nghe hát hò khoan, đối đáp, hát bả trạo…
Ông Khương Hưu, Trưởng ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu cho biết: “Thời gian qua, nhiều tour du lịch đưa du khách trong nước và quốc tế đến làng. Cơ hội đã mở ra, nhưng Trà Nhiêu cần nhiều thứ để làm nên bản sắc và giữ chân du khách. Đó là cơ sở hạ tầng cần được đầu tư hơn nữa giữ nét duyên quê vùng sông nước. Du thuyền có thể đưa khách đến xã Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim (Hội An). Hơn nữa, việc hoàn thiện hệ thống nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi… thì chắc chắn sẽ thu hút khách nhiều hơn ngoài thiên nhiên sông nước hữu tình. Tuy nhiên, trong những năm qua, lượng khách đến đây còn thấp vì nhiều lý do, nhất là hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường đi từ Hội An qua khá gập ghềnh và dịch vụ chưa được đầu tư nhiều.
Ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên, cho biết: Bài học kinh nghiệm từ điểm đến này cần được tháo gỡ để mở ra một “tầm nhìn chiến lược” cho sự phát triển của làng sinh thái Trà Nhiêu, từ đó sẽ phát triển lan tỏa các điểm đến khác ở vùng Đông Duy Xuyên.
Nắm bắt được tiềm năng và thực tế tại Trà Nhiêu, năm 2017, Công ty TNHH Du lịch Hội An - Trà Nhiêu làm chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai thực hiện Dự án A Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu Xanh tại thôn Trà Đông, xã Duy Vinh. Dự án này xây dựng trên diện tích 25ha với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng theo hướng du lịch sinh thái với mô hình kinh doanh sản phẩm du lịch bền vững giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đến lan tỏa vùng Đông…
Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên chia sẻ: "Địa phương đang thực hiện quy hoạch, xây dựng các cụm du lịch ở các xã vùng Đông gồm 5 xã là Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Hải và Duy Vinh. Đây được xem là cơ sở để định hướng quy mô, mức độ phát triển du lịch gắn với nguồn lực, tiềm năng lợi thế của huyện". Theo đó, cụm du lịch vùng Đông sẽ có sản phẩm chính là các khu nghỉ dưỡng; cụm du lịch làng nghề gắn với sản phẩm chính là tham quan làng nghề dệt chiếu An Phước (Duy Phước), Bàn Thạch (Duy Vinh), làng nghề nước mắm An Lương (Duy Hải), làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu (Duy Vinh), nét văn hóa truyền thống đất và người xứ Quảng từ các chợ quê như Nồi Rang (Duy Nghĩa), chợ Bàn Thạch (Duy Vinh)… kết hợp với tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó, mở ra cơ hội để phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sản phẩm chính là du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng... Các tour du lịch này tổ chức kết nối với các địa phương khác như Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ sẽ tạo ra vệt du lịch ven biển, đánh thức tiềm năng du lịch vùng Đông của tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2017, công tác phát triển du lịch được chính quyền H. Duy Xuyên tập trung chỉ đạo, chú trọng đầu tư và HĐND huyện đã thông qua Đề án "Phát triển du lịch Duy Xuyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Việc quy hoạch phát triển du lịch vùng Đông của huyện đã được địa phương triển khai các dự án kết nối trục Đông -Tây dọc đường ĐT 610 lên đến Mỹ Sơn nhằm hình thành qua ngả Phường Rạnh đi Nông Sơn hay cầu Giao Thủy qua Đại Lộc xuống TP Đà Nẵng, từ đó hình thành những khu du lịch gắn với các điểm đến tham quan, thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế của huyện. Đối với các xã vùng Đông Duy Xuyên, ngoài những lợi thế về vị trí địa lý thì còn có diện tích khá rộng thuận tiện trong việc triển khai những dự án lớn, phát triển những điểm đến du lịch mới, để khi du khách tham quan và trải nghiệm vùng đất Duy Xuyên không chỉ dừng lại ở Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn…
Để có cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, hiện nay địa phương chú trọng vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cùng cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Dựa vào đặc điểm thế mạnh từng vùng địa lý, nguồn tài nguyên du lịch, huyện đã quy hoạch thành các vùng trọng điểm du lịch. Vùng Đông với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ven biển gắn với Hội An và Cù lao Chàm. Vùng Tây nơi tiếp giáp với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái Mỹ Sơn - Thạch Bàn là vệ tinh lan tỏa đến các vùng phụ cận. Trên hành trình đến Mỹ Sơn, vùng kinh đô cổ Trà Kiệu, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh hay các di tích lịch sử như lăng mộ Bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi, Đặc khu ủy Hòn Tàu - Quảng Đà và cùng các điểm đến khác như làng dệt tơ lụa Mã Châu, Đông Yên - Thi Lai, gốm sứ La Tháp, Thủy điện Duy Sơn 2... được huyện quy hoạch xây dựng thành các điểm du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, sinh thái. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn, lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Ngũ xã Trà Kiệu, lễ hội Cầu ngư... cũng đã được huyện xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị.
Cầu Cửa Đại nối con đường huyết mạch cho vùng Đông Duy Xuyên phát triển du lịch. Bên cạnh lợi thế về sinh thái nông thôn và du lịch cộng đồng, trong những năm đến không gian du lịch Duy Xuyên sẽ mở rộng biên độ theo trục từ vùng Đông với điểm nhấn là Trà Nhiêu lên vùng Tây. Trong đó, khu vực Đông Duy Xuyên sẽ được phát triển theo mô hình dịch vụ cao cấp và du lịch sinh thái, hình thành lên vệt du lịch ven biển kéo dài hơn 100km qua vùng Đông hai địa phương Duy Xuyên và Thăng Bình nối lại gần hơn với 2 trung tâm du lịch là Đà Nẵng và Hội An.
Ông Nguyễn Công Dũng – Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên khẳng định: Chiến lược phát triển du lịch muốn thành công phải nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm hướng đến mục tiêu khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch của vùng đất này, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Hy vọng du lịch vùng Đông Duy Xuyên đang mở ra những cơ hội mới.
AN NHIÊN