Nhiều giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Ngày 5-1, Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng địa phương giáp ranh khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang biểu dương những kết quả mà thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã đạt được trong năm 2015. Đại tướng nhấn mạnh thêm một số vấn đề, trong đó cần chú trọng, đề xuất cơ chế đặc thù, nhằm huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng lân cận; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chủ trương về tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng và triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế, chính sách liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng trên địa bàn Tây Nguyên; tổ chức tổng kết, đánh giá các chính sách đã ban hành để làm căn cứ tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.
Đại tướng Trần Đại Quang tặng kỷ niệm chương của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho các cá nhân. Ảnh: M.T |
Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị các địa phương cần lựa chọn nhân rộng mô hình, ứng dụng công nghệ thích hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp và giám sát tài nguyên môi trường; tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ; tích cực triển khai thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 (2014-2019); tập trung chăm lo công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; quan tâm sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch...
Năm 2015, giá trị tổng sản phẩm toàn vùng Tây Nguyên ước đạt 140.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 36 triệu đồng/người/năm. Chính sách dân tộc, tôn giáo và an sinh xã hội trong vùng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo; công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được kết quả quan trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới tiếp tục được tăng cường... Các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hạ tầng giao thông vận tải trong năm 2015 tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong vùng... Những thành tựu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực Tây Nguyên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. |
Năm 2016, mục tiêu toàn vùng là giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2016, mở đầu thuận lợi cho giai đoạn phát triển 2016-2020 nhằm “Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc” theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị.
Dịp này, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên cho các cá nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển của toàn vùng.
M.T