Nhiều hứa hẹn từ vùng đất Hàm Thuận Nam
(Cadn.com.vn) - Cách Quốc lộ I khoảng 18 km về phía biển Thuận Quý thuộc H. Hàm Thuận Nam- Bình Thuận, trải dài hai bên đường xuôi về biển là những trang trại Thanh Long với hàng nghìn héc-ta của bà con nông dân đang vào mùa vụ, bộ mặt nông thôn mới Hàm Thuận Nam như thay đổi từng ngày theo chiều hướng phát triển và rất hiệu quả nhờ vào việc xuất khẩu trái Thanh Long. Nằm sát với vùng cây trái Thanh Long là bờ biển Thuận Quý với những bờ cát dài phẳng lặng còn nguyên sơ, nối tiếp những đồi thông như một nàng tiên đang còn ngủ quên trên bờ biển xinh đẹp này chưa được đánh thức, có người nói, đã “thức” rồi, nhưng lại “ngủ” tiếp từ mấy năm qua, do việc vùng đất này quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Kê Gà.
Theo đó, vào năm 2007, dự án cảng Kê Gà (H. Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) được xây dựng để phục vụ cho nhà máy bauxite ở tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã thu hồi giấy phép và đất đã cấp cho 12 nhà đầu tư du lịch, nhằm lấy mặt bằng giao cho Vinacomin xây dựng cảng Kê Gà, với chi phí lên tới 1 tỷ USD (20.000 tỷ đồng), nhưng cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đã cho dừng xây dựng cảng nước sâu Kê Gà, do phương án xây dựng cảng “không mang lại hiệu quả”. Việc làm tiền hậu bất nhất của địa phương Bình Thuận đã đẩy 12 nhà đầu tư du lịch đến chỗ... vô cùng khó khăn, khi vốn đầu tư của họ vào các dự án du lịch quá lớn (gần 1.000 tỷ đồng), chưa kịp đưa vào hoạt động, buộc phải đập bỏ, lãng phí để giao đất xây cảng Kê Gà.
Bản đồ quy hoạch khu bờ biển Thuận Quý – Hàm Thuận Nam |
Sau một thời gian dừng kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng Kê Gà, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, khắc phục một số vấn đề tồn tại, và có nhiều tác động tích cực tạo điều kiện cho các dự án du lịch tại đây bắt đầu chuyển động lại. Ông Đỗ Văn Hoàng, Phó Chủ tịch H. Hàm Thuận Nam, cho biết hiện có tổng cộng 82 dự án du lịch còn hiệu lực pháp luật, với tổng diện tích khoảng 800ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó 18 dự án đang hoạt động, 20 dự án đang đầu tư xây dựng, các dự án còn lại chủ yếu chậm triển khai. Năm 2014, toàn huyện đón hơn 400.000 lượt khách, khách quốc tế đạt gần 30.000 lượt. Lãnh đạo huyện đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch phục vụ cho nhà đầu tư. “Tôi tin tưởng, nếu các doanh nghiệp quyết tâm, đầu tư bài bản, chắc chắn du lịch Hàm Thuận Nam sẽ bừng sáng”-ông Hoàng chia sẻ.
Chúng tôi đi dọc theo bờ biển Thuận Quý nhìn thấy một số công trình còn dang dở, một số dự án đang bắt đầu khởi động, nhiều nhà đầu tư đang trở lại như là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đang còn khó khăn như hiện nay. H. Hàm Thuận Nam có một vị trí khá đặc biệt về du lịch có 3 xã nằm ven biển gồm Thuận Quý, Tân Thuận và Tân Thành, với bờ biển hoang sơ xanh biếc dài 23,5km, còn có các địa điểm du lịch nổi tiếng như khu du lịch Tà Cú (khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia rộng 11.000ha), khu du lịch Vườn Đá, khu du lịch Thuận Quý - Khe Gà, suối nước nóng Bưng Thị, suối Nhum, dinh Thầy Thiếm ở La Gi, khu núi Tà Cú với chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm dài 49m… và nhất là ngọn Hải đăng Kê Gà với độ cao 65m so với mặt biển, lâu nay vẫn là niềm tự hào của ngành du lịch địa phương. Đây là ngọn hải đăng được kiến trúc sư người Pháp Chnavat thiết kế, xây dựng từ năm 1899 bằng đá hoa cương, có 184 bậc thang xoắn ốc. Đặt chân lên hải đăng, du khách sẽ thu vào tầm mắt, một bên là núi Tà Cú với rừng cây trập trùng, một bên là vùng biển xanh ngắt.
Ông Đỗ Văn Hoàng-Phó Chủ tịch H. Hàm Thuận Nam trao đổi với các nhà báo. |
Mới đây, tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Việt Úc (Công ty Việt Úc) triển khai đầu tư dự án Aloha Beach Village trên địa bàn xã Thuận Quý. Dự án có quy mô trên 15ha, tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng, bao gồm phát triển 3.200 căn hộ khách sạn, 156 căn nhà liên kế và trung tâm thương mại dịch vụ rộng 27.000m2. Đây là một trong những dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư lớn nhất tại H. Hàm Thuận Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Từ Văn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Úc, một người con của quê hương Quảng Nam đang lập nghiệp ở TPHCM đang đầu tư vào dự án cho biết: “Hiện công ty đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, điều kiện tài chính để khởi công dự án trong tháng 7 tới. Aloha Beach Village là dự án du lịch hướng tới cộng đồng, trong đó đối tượng khách hàng chúng tôi nhắm đến là người lao động ở các công ty, tập đoàn. Chúng tôi muốn tạo ra một khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng ven biển khép kín với những khu căn hộ khách sạn, kết hợp hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ”.
Theo đó, trong giai đoạn 1, Aloha Beach Village tập trung đầu tư sản phẩm căn hộ khách sạn. Loại hình căn hộ khách sạn này người dân có thể đầu tư để ở lâu dài hoặc cho công ty thuê lại để kinh doanh dịch vụ khách sạn. Trong thời điểm này nhiều resort, khu nghỉ dưỡng đang khẩn trương tu bổ lại để đón khách mùa hè năm nay. Hy vọng một ngày không xa Hàm Thuận Nam vùng đất cực Nam Trung bộ của quê hương Bình Thuận sẽ khởi sắc với nhiều hứa hẹn về tiềm năng du lịch biển và nghỉ dưỡng.
Mai Phúc