Nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai chương trình giáo dục mới!

Thứ ba, 10/12/2019 12:42

Hôm qua (9-12), UBND TP tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 & Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học (sau đây gọi chung là CTGDPTM) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh và Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận. Nhiều ý kiến, kiến nghị được các đại biểu nêu ra cho thấy, khó khăn, thách thức mà ngành GD-ĐT TP sẽ phải đối mặt khi triển khai thực hiện CTGDPTM là rất lớn!

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh và Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Thị Bích Thuận lắng nghe ý kiến của các đại biểu.  Ảnh: P.T

Ngổn ngang băn khoăn

Trong nhiều nội dung được lãnh đạo Sở triển khai tại hội nghị, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề về đội ngũ giáo viên (GV), mạng lưới trường lớp phục vụ việc dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học (TH) và kinh phí để triển khai thực hiện CTGDPTM, cụ thể là đối với lớp 1.

Liên quan đến đội ngũ GV, ông Võ Trung Minh- Trưởng phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà- cho biết, với tỷ lệ GV/lớp là 1,45, ngành GD-ĐT Q.Sơn Trà hiện còn thiếu 15 GV. Ngành GD-ĐT Q.Sơn Trà cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tổ chức tuyển dụng nhiều lần, nhưng đến nay vẫn không đảm bảo đủ số lượng GV do vướng tiêu chí tuyển dụng của TP. Trong khi nguồn tuyển GV có hộ khẩu tại Đà Nẵng không đủ để tuyển dụng, TP lại đưa ra tiêu chí tuyển đối với GV ngoại tỉnh xuất sắc hoặc giỏi thì khó tuyển đủ GV. Ông Võ Trung Minh đề nghị, nên chăng TP  hạ tiêu chuẩn này xuống khá hoặc có bằng ĐH phù hợp đúng chuyên ngành. Đồng tình ý kiến này, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang- cho biết thêm, do không đủ nguồn tuyển nên năm học vừa qua ngành GD-ĐT của huyện này thiếu GV rất nhiều, phải hợp đồng gần 90 GV dạy TH, trong đó có không ít GV chỉ có bằng Trung cấp.  

Trước những ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, tình huống nào cũng có giải pháp cả. Điều quan trọng là hiệu quả đạt được như thế nào mà thôi. Phó Chủ tịch TP đồng tình với ý kiến nên xem xét điều GV THCS có bằng CĐ xuống dạy bậc TH. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ được tính đến khi thiếu GV thực sự. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện ngay từ giờ phải chuẩn bị có phương án về đội ngũ GV, cố gắng tổ chức thi sớm. Đối với một số tiêu chuẩn cao, khác quy định T.Ư thì điều chỉnh gấp. Sở Nội vụ chủ động trong vấn đề này.

Bàn thêm về giải pháp đưa GV THCS xuống dạy TH, Phó Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho rằng, trước đây Đà Nẵng từng 2 lần thực hiện phương án này rồi. Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, việc đưa GV THCS xuống dạy TH sẽ góp phần làm cân đối đội ngũ GV nam ở bậc học này. Bởi hiện nay, bậc TH có quá nhiều GV nữ, trong khi đó GV nam lại quá ít.

Liên quan đến vấn đề về kinh phí để bổ sung trang thiết bị phục vụ cho CTGDPTM triển khai trong năm học 2020-2021 cũng như kinh phí để tổ chức tập huấn cho GV về CTGDPTM được các đại biểu nêu ra tại hội nghị, bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đối với những đề án lớn do  TP giao cho Sở và Sở sẽ làm hết trách nhiệm. Còn lại thì UBND các quận, huyện dựa vào nguồn kinh phí chung của toàn quận để cân đối bố trí ngân sách cho các lĩnh vực, trong đó có GD, ưu tiên việc gì cần thiết nhất để bố trí kinh phí trước...

Về kinh phí để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS, bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành (Q.Hải Châu)- cho hay, từ trước đến nay, phải được sự tài trợ tự nguyện từ phụ huynh (PH) thì nhà trường mới tổ chức cho HS đi hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, không phải PH nào cũng đồng tình với hoạt động này. Trong khi đó, với CTGDPTM thì bắt buộc 100%  HS phải tham gia hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, theo bà Thu Nguyệt, cần có chế độ mở trong vấn đề kinh phí trên lĩnh vực hoạt động này để các trường có hành lang pháp lý thực hiện. Ghi nhận kiến nghị trên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sẽ nghiên cứu và đề xuất trong các phiên họp với các sở, ban, ngành liên quan để cùng trao đổi trước khi báo cáo lên UBND TP xin ý kiến.

Chọn sách giáo khoa- thẩm quyền thuộc về các trường tiểu học

Theo lộ trình của GD-ĐT, năm học 2020-2021 sẽ tiến hành triển khai thực hiện CTGDPTM với lớp 1. Thẩm quyền chọn bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ thuộc về các đơn vị trường học (chỉ trong năm học 2020-2021). Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho hiệu trưởng các trường TH.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành lấy làm lo âu, bởi đến nay, bản thân bà dù đã tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin nhưng vẫn chưa có bộ sách cụ thể để đọc, để tìm hiểu trước khi tổ chức lựa chọn bộ SGK cho trường mình. "Tuy nói 5 bộ với 32 đầu sách nhưng đến nay chúng tôi  chưa có bộ sách cụ thể nào trên tay để đọc nghiên cứu trước cả"- bà Thu Nguyệt bộc bạch. Cũng theo bà Thu Nguyệt, Sở GD-ĐT nên có kinh phí trong việc cung cấp các bộ SGK cho các trường có sách nghiên cứu trước khi tổ chức chọn bộ SGK để dạy học của trường mình...

Trước những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, chắc chắn trong quá trình chọn SGK sẽ có sự va chạm, khó khăn. Tuy nhiên, trên cơ sở hướng dẫn quy trình chọn SGK của Sở, các trường cứ "thực hiện công tâm, khách quan thì khó khăn sẽ vượt qua". Cũng theo Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh, trước đây, quan niệm SGK là pháp lệnh thì với CTGDPTM, SGK không còn là pháp lệnh mà chương trình mới là pháp lệnh. Theo đó, SGK chỉ là tài liệu tham khảo mà thôi. Vì thế, các trường có thể sử dụng nhiều bộ SGK kể cả những bộ sách nằm ngoài sách do Bộ GD-ĐT giới thiệu, miễn sao đưa vào dạy hiệu quả là được. Với CTGDPTM, yêu cầu bám vào khung năng lực là chính, chứ không phải là SGK. Ngay như việc phân phối chương trình cũng không phải là pháp lệnh mà có thể linh động, điều chỉnh làm sao để trong tuần đó, tháng đó hoàn thành chương trình là được. Tùy theo đối tượng HS để phân phối chương trình cho hợp lý. "Trường học là nơi triển khai CT SGK mới nên từ Hiệu trưởng đến GV phải xác định trách nhiệm của mình là cao nhất trong việc triển khai CTGDPTM. Đừng chủ quan, ỉ lại vào Phòng, Sở... Và hiệu trưởng chịu trách nhiệm rất cao trong vấn đề này. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc thì mạnh dạn trao đổi để có sự phản hồi, giải đáp thích đáng. Thầy cô phải là kênh thông tin đầy đủ đến PH và cộng đồng xã hội để người dân hiểu thêm"- Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

P.THỦY