Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Nhiều tranh luận về Điều 43 dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Thứ ba, 18/08/2015 08:12

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật tạm giữ, tạm giam. Điều 43 của dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an được tranh luận sôi nổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị rà soát, xem xét lại Điều 43 dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an (Điều 43 của dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong nội dung thảo luận về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, hoạt động của công an xã, phường, thị trấn là hoạt động tiền tố tụng chứ không phải là hoạt động trong tố tụng.

* Chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước Viên năm 1980. Nội dung quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4) của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị dự thảo Luật cần phải có quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng khẳng định cần thiết phải quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thẩm tra dự thảo bộ luật có quan điểm khác. Theo đó, chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Hoạt động điều tra chỉ được coi là hoạt động trong tố tụng từ khi khởi tố vụ án. Thời điểm đó mới được coi là hoạt động điều tra hình sự. Ông Khánh lập luận, nếu quy định như Điều 43 của dự thảo Luật, sẽ có nhiều nội dung thuộc hoạt động điều tra, chứ không phải là hoạt động hỗ trợ điều tra. Vì vậy, không nên quy định Điều 43 trong dự thảo Luật này vì cơ quan xã, phường, thị trấn không phải là cơ quan điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, quy định này cần phải rà soát, xem xét lại. Điều 43 được xếp trong Chương 6 của dự thảo Luật, tức là quan hệ phân công, phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự, chứ không phải quy định về chủ thể điều tra hình sự, hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan điều tra hình sự. Chủ nhiệm Phan Trung Lý lập luận: “Sẽ không hiểu được chúng ta quy định về sự phối hợp hay quy định về thẩm quyền trách nhiệm cho công an xã. Quy định không rõ, khi thực hiện sẽ có vấn đề, sẽ vi phạm pháp luật, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp”. Theo ông Phan Trung Lý, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định công an xã tham gia hoạt động điều tra và trách nhiệm điều tra của công an xã, “do đó, công an xã thực hiện quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật dựa trên cơ sở nào?”.

Đánh giá đây là một vấn đề lớn cần thận trọng xem xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, một số ý kiến đề nghị Điều 43 không nên để ở dự thảo Luật. “Vậy, không để ở Luật này thì để ở luật nào”, đây là vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật cần nghiên cứu, đề xuất để báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quy định tại Điều 43 nên đưa vào luật nào hoặc có sửa ngay Pháp lệnh công an xã thành Luật Công an xã để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp ngay không?

Mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Trên thực tế, tội phạm xảy ra ở địa bàn nội địa hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia. Tán thành mở rộng phạm vi điều tra, tuy nhiên đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đề nghị chỉ nên nghiên cứu, mở rộng phạm vi điều tra ở đồn biên phòng đóng tại địa bàn xa xôi, hẻo lánh, chứ không nên mở rộng đại trà.

Cùng ngày, thảo luận về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9 dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam), nhiều ý kiến cho rằng việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung. Dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất, trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn một số quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.

B.T