Nhiều Trung tâm Giáo dục thường xuyên trước nguy cơ “khai tử ”

Thứ năm, 14/08/2014 09:13

(Cadn.com.vn) - Không tuyển được học sinh hệ bổ túc THPT, số lượng đăng ký học nghề cũng giảm nên giáo viên không thể lên lớp thường xuyên; phòng ốc cửa đóng then cài im ỉm... Đó là thực trạng chung của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp và Dạy nghề (GDTX-HN&DN) ở Quảng Nam.

SỐNG DỞ, CHẾT DỞ

Tỉnh Quảng Nam hiện có 3 trung tâm GDTX, 5 trung tâm GDTX-HN và 7 trung tâm GDTX-HN&DN. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, hầu hết các trung tâm hoạt động theo kiểu cầm chừng và không còn hiệu quả.

Trung tâm GDTX-HN&DN H. Núi Thành có 2 cơ sở, nhưng 2 năm học qua cũng không tổ chức được lớp học hay lớp dạy nghề nào; cơ sở vật chất của trung tâm cho Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam thuê làm cư xá cho sinh viên và cho giáo viên mở lớp luyện thi.

Ông Trương Quang Thạnh - Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN H. Núi Thành cho biết: “Từ năm học 2012-2013 đến nay, trung tâm chúng tôi chỉ tuyển được 1 lớp. Trung tâm có muốn hoạt động cũng không có nguồn tuyển sinh, bởi đầu vào từ lớp 10 hệ bổ túc THPT hay đầu vào các lớp dạy nghề không có”.

Sống dở, chết dở cũng là tình cảnh của Trung tâm GDTX-HN&DN H.Tiên Phước mấy năm qua. Do không hoạt động nên phòng ốc cửa đóng then cài, bụi và mạng nhện bao phủ bàn ghế; cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa. Hiện nay, trung tâm chỉ tập trung vào “cái đuôi”, tức là dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Lê Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN H. Tiên Phước không khỏi băn khoăn khi đề xuất: “Lâu nay, việc quản lý các trung tâm GDTX-HN&DN đan xen giữa Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB&XH nên không biết cái chính là ở chỗ nào. Theo tôi, nên chuyển trung tâm về cho huyện quản lý. Bởi hiện nay nhu cầu đào tạo nghề lao động nông thôn rất cao. Có như vậy trung tâm mới gắn kết và được huyện đầu tư kinh phí để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ”.

Theo lãnh đạo các trung tâm GDTX-HN&DN ở Quảng Nam, nguyên nhân tình trạng thiếu học sinh trước hết là do tỉnh quy định tỷ lệ học sinh vào lớp 10 THPT cao đến 95%, số còn lại 5% không phải đều đi học bổ túc.

Các trường THPT công lập cũng có chức năng dạy nghề phổ thông cho học sinh lớp 12, nên trường nào không có điều kiện dạy nghề tại chỗ mới “buông”. Bên cạnh đó các trường trung cấp nghề mọc lên như nấm. Còn đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì tùy vào thực tiễn từng địa phương, không phải ở đâu cũng giao cho GDTX-HN&DN.

Một cơ sở của Trung tâm GDTX-HN&DN H. Núi Thành lâu nay không hoạt động.

GIẢI THỂ HAY TỒN TẠI?

Thực tế cho thấy, những thay đổi về cơ chế tuyển sinh, việc mở nhiều trường nghề trên cùng địa phương, cùng với sự thiếu quan tâm của ngành GD-ĐT, LĐ-TB&XH đã đưa các trung tâm GDTX-HN&DN rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Tồn tại như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là điều không hề dễ đối với những trung tâm GDTX-HN&DN trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Luận, Phó phòng GDTX và chuyên nghiệp (Sở GD- ĐT Quảng Nam) cho biết: “Sở GD-ĐT và các phòng chức năng của Sở nhiều lần tổ chức giao ban với giám đốc các trung tâm GDTX-HN&DN ở các địa phương trong tỉnh để gợi mở cách thức cho các trung tâm thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định của UBND tỉnh.

Cạnh đó, yêu cầu các trung tâm đẩy mạnh các hình thức đào tạo đáp ứng yêu cầu của người học, như các lớp tin học, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - sinh viên và hỗ trợ cho các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn đóng chân”.  

Trước hoạt động theo kiểu cầm chừng của các trung tâm GDTX-HN&DN, đã có nhiều biện pháp được đưa ra như mở các lớp ngoại ngữ, tin học nhằm nâng cao nguồn thu nhưng tình hình cũng không mấy khả quan khi nhu cầu học các lớp này gần như đã bão hòa. Thời gian qua, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đã nhiều lần giám sát hoạt động của các trung tâm trên địa bàn tỉnh để tìm ra hướng đi thích hợp nhất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tâm, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra các giải pháp: “Cần phải chuyển đổi các trung tâm GDTX-HN&DN trên địa bàn tỉnh theo 3 cách thức sau. Một là, nếu xã hội thấy không cần thiết tồn tại trung tâm này nữa thì giải thể. Hướng thứ hai là, chuyển các trung tâm này về các địa phương để thực hiện chức năng đa nhiệm vụ, tức là GDTX, HN và DN và giao UBND cấp huyện quản lý.

Và hướng thứ ba, có thể đưa ra HĐND tỉnh xem xét cho tổ chức thí điểm. Nếu địa phương nào thấy cần thiết tồn tại trung tâm này thì giao cho huyện tổ chức thí điểm hoạt động, Sở GD-ĐT hay Sở LĐ-TB&XH thấy cần tổ chức hoạt động gì phù hợp thì cũng tổ chức mô hình thí điểm. Sau đó họp sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm xem mô hình thí điểm nào phù hợp để triển khai nhân rộng”.

Xây dựng xã hội học tập suốt đời là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Mong rằng những trung tâm GDTX-HN&DN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tìm được con đường phù hợp với xã hội hiện nay đồng thời đáp ứng được những nhu cầu đào tạo của địa phương, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Thạch Hà