Nhiều ý kiến băn khoăn về chuyên đề du lịch

Thứ tư, 08/07/2015 14:44

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, sáng ngày 8-7, các tổ đại biểu HĐND TP tiến hành thảo luận báo cáo chuyên đề “Sản phẩm và chất lượng dịch vụ - Yếu tố hàng đầu để thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng”.

Chuyên đề chưa ổn, quá dàn trải, còn chung chung

Đó là ý kiến các ĐB Vũ Hùng, Lương Nguyễn Minh Triết. Các ĐB này băn khoăn việc thực hiện ra sao? giám sát như thế nào? Chẳng hạn, chuyên đề nói đến việc xây dựng và đưa vào hoạt động Công viên Đại Dương Sơn Trà với vốn đầu tư 300 triệu USD, phát triển khu Công viên Bách thảo với diện tích 200ha… nhưng không thấy nói đến việc ai đầu tư, quy mô thế nào, quy hoạch ra sao? Việc nâng cấp cảng biển Tiên Sa phục vụ du lịch thì liên quan đến cảng Đà Nẵng như thế nào? Các ĐB cũng băn khoăn về nguồn kinh phí đầu tư cho chuyên đề này là bao nhiêu, trong đó ngân sách đầu tư bao nhiêu phần trăm, kêu gọi nhà đầu tư bao nhiêu, lĩnh vực nào TP phải đầu tư bằng nguồn vốn của mình, còn lĩnh vực nào thì xã hội hoá? 5 năm đến làm được gì?... ĐB Triết đề nghị TP quan tâm một số địa điểm du lịch ở Q Liên Chiểu như: Khu du lịch Làng Vân, vệt du lịch Xuân Thiều, Cu Đê, Suối Lương, đỉnh Hải Vân… tất cả hiện còn ở dạng tiềm năng, chưa khai thác được nhiều.

ĐB Lương Nguyệt Thu nhận xét du lịch TP Đà Nẵng bước đầu đã tạo được thương hiệu, lượng khách và doanh thu ngày càng tăng, nhất là du lịch biển đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực; có nhiều nội dung đáng ghi nhận nhưng cũng còn nhiều hạn chế như: Các nhà hàng, khách sạn ven biển cần được quy hoạch tập trung, hiện nay có nơi quá nhiều; nhất là quá sát biển, rồi tình trạng các cống hở ven biển gây ô nhiễm dẫn đến môi trường, vệ sinh đáng lo mà báo chí, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến. ĐB Thu cũng lo lắng tình trạng  dùng tàu đánh cá chuyển sang làm du lịch rất nguy hiểm, trên các tàu việc phục vụ và các dịch vụ không  chuyên nghiệp, không có tính thống nhất, nếu có tai nạn xảy ra sẽ ảnh hưởng du lịch TP.





Các đại biểu đóng góp ý kiến vào chuyên đề du lịch.

Cần có sản phẩm du lịch đặc trưng và đảm bảo về môi trường

ĐB Huỳnh Phước cho rằng, xây dựng chuyên đề du lịch quan trọng là phải đánh giá đúng và dựa vào thế mạnh của Đà Nẵng như: Du lịch sinh thái Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà; du lịch biển, du lịch sông nước; du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn; du lịch gắn với văn hóa, văn minh trong lối sống, cần bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho đội ngũ lễ tân, taxi, xích lô. Tình trạng  khách sạn sử dụng nước ngầm, bỏ rác bừa bãi, tăng giá dịch vụ vào lúc cao điểm thì xử lý thế nào? ĐB Nguyễn Hoàng Sơn đề nghị cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa nghề cá và phát triển du lịch, trong đó phải đảm bảo về môi trường, không để nước thải chảy ra biển. Cần có tuyến xe buýt từ ga về điểm du lịch, từ trung tâm thành phố tỏa đi các điểm du lịch, các khu mua sắm...

ĐB Hoàng Giang Yên Thủy đề xuất nên có nhạc hiệu đặc trưng trước khi Rồng phun nước ở Cầu Rồng, tạo điểm nhấn về du lịch và đề nghị sớm quy hoạch các tuyến phố đi bộ đặc trưng về kiến trúc như xây dựng đường Phạm Phú Thứ kiến trúc đi bộ đặc trưng, vì tuyến đường này có  6 khách sạn, 1 thương xá, khách tây rất nhiều nhưng hiện đang vướng các hộ kinh doanh hoa, nên bố trí chuyển các hộ kinh doanh này đến đường Như Nguyệt hoặc chợ đầu mối.

Theo ĐB Lê Kim Hùng cần đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch, dịch vụ lành nghề, có tính chuyên nghiệp; cần hình thành các điểm vui chơi, giải trí về buổi tối và đêm, thời gian qua chủ yếu mới dừng lại phục vụ khách địa phương, cần tận dụng khu vực dọc bờ sông Bạch Đằng, quy hoạch và huy động các lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia. Về chất lượng đào tạo gắn với ngành du lịch cần có chiến lược đào tạo, gắn kết giữa đào tạo và việc làm để đảm bảo hài hoà vì hiện nay mới chủ yếu phát triển ngành quản lý du lịch mà chưa phát triển các nghề trực tiếp phục vụ. ĐB Hồ Kỳ Minh đề nghị bên cạnh các điểm văn hoá đã có sẵn như: Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng…cần bổ sung thêm địa chỉ là Nghĩa trũng Hòa Vang vào.

Về khai thác nước ngầm để phục vụ du lịch tại các khách sạn ven biển, ĐB đề nghị có biện pháp để kiểm soát chất lượng nguồn nước và đề nghị niêm yết công khai giá của các dịch vụ, khách sạn…và đưa lên trên các trang mạng, website của DN, KS đó. Một số ĐB cho rằng hiện Đà Nẵng chưa có sản phẩm gì đặc trưng để làm lưu niệm trong khi các loại vỏ ốc ở nhà hàng thì bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, tại sao không xây dựng các cơ sở làm sản phẩm mỹ nghệ ngay tại chỗ, vừa có sản phầm, vừa tạo việc làm, vừa chống lãng phí. Một tồn tại khác là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch về ngoại ngữ nhất là các tiếng Thái, Lào, Campuchia.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại buổi thảo luận.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VHTTDL hoan nghênh ý kiến đóng góp của các ĐB và thừa nhận thời gian chuẩn bị chuyên đề quá gấp, chỉ làm trong vòng hơn 10 ngày nên còn nhiều vấn đề cần bổ sung. Ông mong rằng trong kỳ họp này, HĐND TP  và UBND TP cho chủ trương để sang năm sẽ thuê chuyên gia làm đề án mang tầm cỡ hơn. Ông cũng đề nghị TP cần sớm ban hành bộ tiêu chí về chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường và cho răng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch, trong đó vai trò của Nhà nước là đảm bảo về ANTT, vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng, còn việc quản lý kinh doanh dịch vụ hãy giao cho tư nhân.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP cũng tiếp thu và cơ bản thống nhất với ý kiến các đại biểu góp ý và khẳng định Đà Nẵng đã phát triển du lịch đúng hướng, phù hợp với Nghị quyết 33 và Kết luận số 75 của Trung ương. Ông khẳng định sản phẩm du lịch Đà Nẵng không thiếu, đã xây dựng nhiều điểm đến để du khách mua sắm, vấn đề còn lại là tính quảng bá còn giới hạn, bên cạnh việc giới thiệu của các cơ quan báo chí địa phương, TP nên lựa chọn một số kênh truyền hình lớn để quảng bá các điểm nhấn du lịch như: Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Khu du lịch Bà Nà… để thu hút khách du lịch.

K.T (T.H)