Nhìn lại SEA Games 27: Hãy đánh thức tinh thần fair play!
(Cadn.com.vn) - Những ngày tranh tài ở Myanmar, có quá nhiều nước mắt VĐV rơi vì bị trọng tài xử ép để giúp chủ nhà “vét” huy chương. Thêm một lần nữa, người ta lại phải đặt vấn đề làm gì để đánh thức tinh thần fair play tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.
1. SEA Games có những quy định đúng nghĩa “ao làng”. Trong đó, việc nước chủ nhà được quyền quyết định số môn thi đấu đã vô hình trung làm giảm giá trị của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Tại SEA Games 27, trong số 31 môn được tổ chức thì có đến 1/3 các môn đặc thù khu vực. Nước chủ nhà Myanmar đã bỏ rơi rất nhiều môn Olympic. Trong số các môn đặc thù thì quốc gia đăng cai cố gắng vận động thêm 3 nước nữa tham gia để đủ điều kiện tổ chức. Tất nhiên, vận động đi đôi với thỏa thuận chia huy chương. Đó là lý do giải thích tại sao Myanmar tổ chức môn Chinlone và chia chác HCV với Thái Lan một cách lộ liễu.
Chúng ta đã lên án chủ nhà Myanmar về câu chuyện... Chinlone, nhưng trách họ sao được khi các kỳ SEA Games trước, Việt Nam có Đá cầu, Thái Lan có Muay, Philippines có Võ gậy, Indonesia có Đánh bài... Suy cho cùng, đó là một tiền lệ mà bất kỳ nước chủ nhà nào cũng cố gắng tận dụng tối đa “quyền năng” của mình để thâu tóm huy chương.
SEA Games vì thế muốn fair play thì trước tiên các nước chủ nhà phải dũng cảm phá bỏ tiền lệ này.
SEA Games nào cũng vậy, không thiếu những giọt nước mắt uất ức. (Trong ảnh, các võ sĩ kata Việt Nam bật khóc khi bị “cướp” HCV). |
2. Công tác trọng tài là vấn đề muôn thuở tại các kỳ SEA Games. Bất kỳ ở một kỳ đại hội nào, các VĐV nước chủ nhà đều được hưởng lợi (nhiều hay ít) từ các quyết định thiếu công tâm của đội ngũ “cầm cân nảy mực”. Đặc biệt ở các nội dung biểu diễn võ thuật hay đi bộ của điền kinh, các VĐV chủ nhà luôn được sự tiếp sức của trọng tài để giành HCV. Nhiều VĐV của Việt Nam cũng như những quốc gia khác đã phải chia tay trong uất ức và nước mắt.
Có ý kiến cho rằng, các quốc gia trong khu vực hãy đánh thức tinh thần fair play bằng cách không cử những VĐV đẳng cấp của mình dự SEA Games. Tuy nhiên, để thực hiện điều này là quá khó bởi một VĐV tập luyện quanh năm chỉ trông chờ vào ngày hội thể thao khu vực, còn lại các giải khác quá ít để họ được thi đấu cọ xát, lấy thành tích. Ví dụ như đi bộ chẳng hạn, có lần VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc tâm sự rằng, cô mong có nhiều giải để thi đấu. Như vậy mới có thành tích, có thưởng, có thu nhập...
Đặt vấn đề này ra để thấy, đánh thức tinh thần fair play ở SEA Games là vấn đề nan giải.
3. Có thể nói, đây là kỳ SEA Games quá nhiều áp lực với Đoàn TTVN cũng như những quốc gia khác vì chủ nhà Myanmar đã cố gắng thâu tóm huy chương. Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 27 Lâm Quang Thành chia sẻ, Đoàn TTVN đã có kiến nghị và sẽ đấu tranh để đưa nhiều môn thể thao Olympic, nhiều nội dung thi đấu Olympic hơn vào các kỳ SEA Games tới. Các môn thể thao này phải thể hiện được thế mạnh các nước ASEAN và tạo bệ phóng cho VĐV các nước ASEAN vươn đến thành tích châu lục.
Đó là điều cần phải làm ngay không chỉ với Đoàn TTVN mà cả với các quốc gia trong khu vực. Nhưng chắc chắn, đấu tranh là một chuyện còn các nước chủ nhà có chấp nhận hay không lại là một chuyện khác. Bởi nếu làm được điều này, không chỉ thể thao Việt Nam mà các nước trong khu vực phải cởi bỏ được căn bệnh thành tích. Có như vậy, những tấm huy chương SEA Games mới giá trị.
Cách này hay cách khác để đánh thức tinh thần fair play ở SEA Games chắc chắn là trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Người hâm mộ Đông Nam Á đang kỳ vọng những kỳ SEA Games tới, sẽ không còn quá nhiều nước mắt uất ức của các VĐV vì bị xử ép.
Quang Hải