Nhìn lại thất bại của đội tuyển Việt Nam trước tuyển Trung Quốc: Khi đối thủ là chính mình

Thứ năm, 12/10/2023 08:37
Có cảm giác, đội tuyển Trung Quốc và tuyển Việt Nam “đổi vai” so với trận đấu trên sân Mỹ Đình mồng Một Tết Nhân Dần, cả về kết quả lẫn lối chơi. Thông số chuyên môn, tỷ số chung cuộc cũng có cái gì đó trùng hợp khiến người ta nghĩ rằng tuyển Việt Nam đã để đối thủ áp dụng thành công chiêu “gậy ông đập lưng ông”. 
Tuấn Anh (áo trắng) trong trận đấu với tuyển Trung Quốc.
Tuấn Anh (áo trắng) trong trận đấu với tuyển Trung Quốc.

Những sai số

Kết thúc trận đấu, nhiều người ngạc nhiên khi đội tuyển Trung Quốc phải dùng cách chơi phòng ngự phản công để thắng đội tuyển Việt Nam, giống như tuyển Việt Nam từng thắng họ ở sân Mỹ Đình 1 gần năm trước. Nhưng đấy mới là bóng đá, đội tấn công nhiều hơn chưa hẳn đã thắng.

Sau trận đấu, HLV Philippe Troussier có phát biểu gây chú ý: “Kẻ thù của đội tuyển Việt Nam là chính các cầu thủ của tôi”. Không sai. Hàng thủ mắc sai lầm ở phút 55, tấm thẻ đỏ của Tiến Linh ở phút 86 và đường chuyền hỏng của Hoàng Đức ở phút bù giờ thứ 6 của trận đấu rõ ràng chỉ đích danh “thủ phạm” trong cả 2 lần để thủng lưới.

Nhưng đâu chỉ có thế, việc Tuấn Hải, Văn Toàn, Hùng Dũng không thể ghi bàn trong 4 cơ hội có được cũng là nguyên nhân đẩy đến kết cục thua trắng trước tuyển Trung Quốc. HLV còn “mất trắng” Đình Bắc và Hồ Văn Cường khi tạo cơ hội cho 2 gương mặt trẻ này có lần đầu tiên ra sân chơi quốc tế, một xông xáo đến mức rối ren, một chấn thương bởi non kinh nghiệm tranh chấp.

Đáng trách nhất vẫn là Tiến Linh, pha “đánh nóng” lẽ ra không đáng có ở một cầu thủ thâm niên trên sân đấu quốc tế, trong tình thế mà tuyển Việt Nam cần đầy đủ quân số nhất để tìm bàn gỡ khi trận đấu chỉ còn 12 phút kể cả bù giờ.

Kiểm soát bóng, rồi sao nữa?

Ban huấn luyện tuyển Việt Nam rõ ràng làm không tốt trong các bước chuẩn bị trận đấu, trước mặt cỏ dày và mềm như sân Đại Liên. Bởi không chỉ có sai lầm ở 2 bàn thua, cầu thủ Việt Nam không dưới 5 lần trượt ngã, hoặc không thể vững chân trụ để dứt điểm chính xác. Thể lực cũng là một vấn đề, khiến điểm cuối quyết định các pha tấn công không mang lại hiệu quả. Các tuyển thủ Việt Nam cũng sớm nhận ra đối thủ dùng “chiêu” của chính thời HLV Park Hang-seo áp dụng trên sân Mỹ Đình để phá lối chơi, nhưng không có phương án đủ tốt để phòng bị. Thông số trận đấu tốt (kiểm soát 63% (so với 37% của đối thủ), thực hiện 604 đường chuyền (so với 346), sút trúng đích 3/9 lần (so với 3/13), nhưng bàn thắng vẫn là con số 0. Vấn đề nằm ở đó, kiểm soát bóng làm gì, nếu như không đạt được mục tiêu cốt lõi của mọi trận đấu là đưa được bóng vào lưới đối phương?

Muốn thắng đối thủ, trước tiên phải thắng chính mình

Tùy mục tiêu theo đuổi, kết quả trận đấu được đánh giá ở các góc độ khác nhau. Với HLV Trousiser trong trận giao hữu với tuyển Trung Quốc ông nhìn nhận “về mục tiêu của đội tuyển Việt Nam thì trận đấu này vẫn được coi là thành công”. Bởi theo chiến lược gia người Pháp, 6 tháng qua, ông đã cố gắng thay đổi triết lý của bóng đá Việt Nam về tâm lý ngại cầm bóng. Và, các học trò đã làm được, thêm vào đó là sự hài lòng từ màn trình diễn, thái độ, sự đoàn kết… Ngay cả những sai lầm, HLV Troussier cũng cho “được phép”, để “kịp thời sửa chữa để chơi tốt hơn trong tương lai”.

Muốn thắng đối thủ, trước tiên phải thắng chính mình. Trong khuôn khổ của một trận giao hữu, đặc biệt ở giai đoạn tái thiết như đội tuyển Việt Nam, trừ bàn thắng và vài hành vi xấu xí, màn trình diễn của các học trò HLV Troussier ở trận giao hữu đầu tiên dịp FIFA Days tháng 10-2023 có thể tạm chấp nhận, để trông chờ những bước hoàn thiện tiếp theo. Có thể nói, đây là giai đoạn “say sóng” của đội tuyển Việt Nam khi vươn ra biển lớn, HLV Troussier lẫn các tuyển thủ cần thêm thời gian để thích nghi và chống chịu, trước khi có thể thắng được sóng cả.

Sai sót chỉ được gọi là bài học và bổ ích không phải lúc nhận ra, mà là khi nó được tiếp thu, sửa chữa đúng cách.

T.S