Nhìn từ scandal sữa bẩn ở Trung Quốc

Thứ sáu, 19/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Việc sữa bột Tam Lộc (Sanlu) ở Trung Quốc trong tuần này bị phát hiện có chứa hóa chất gây bệnh sỏi thận cho trẻ em chỉ là một biểu hiện của sự phát triển không kiểm soát được trong ngành công nghiệp bơ sữa, lĩnh vực mà vấn đề tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm thường không được chú trọng đúng mức.

Một siêu thị ở Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc cho loại bỏ những loại sữa có chứa chất melamine. Ảnh: AFP

Các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh kiểm tra toàn bộ sản phẩm bơ sữa và cam kết sẽ đẩy mạnh tiêu chuẩn chất lượng sau khi 4 trẻ em ở nước này tử vong và hơn 6.200 trẻ bị ốm vì dùng sữa Sanlu có chứa chất melamine. Khi mở rộng kiểm tra, các ngành chức năng còn phát hiện hóa chất trong sữa của 22 Cty khác. Ngày 18-9, các sản phẩm sữa nước của 3 Cty sữa hàng đầu Trung Quốc là Cty Mông Ngưu, Y Lợi và Quang Minh cũng bị phát hiện có chứa chất melamine.

Mặc dù Tổng cục Thanh tra, Giám sát và Kiểm định chất lượng quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) cho rằng, mức độ hóa chất trong sữa nước không gây nguy hại lớn đến sức khỏe con người nhưng cũng làm dấy lên những lo ngại cho người tiêu dùng nước này. Thêm vào đó, AQSIQ cho biết, gần 10% số mẫu sữa lấy từ các Cty sản xuất bơ sữa Trung Quốc bị nhiễm melamine. Theo thông báo của chính quyền Hồng Kông, chất melamine cũng được tìm thấy trong các loại thức uống, kem và sữa do Tập đoàn Y Lợi sản xuất và có 8/30 sản phẩm của tập đoàn này bán tại Hồng Kông bị nhiễm độc.

Tuyên bố của CHÍNH phủ Trung Quốc sau cuộc họp nội các do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì ngày 18-9 cho rằng, vụ scandal chất melamine "phản ánh sự lộn xộn trong thị trường sản xuất bơ sữa và nhiều kẽ hở trong việc giám sát và quản lý”. Không những Tập đoàn Tam Lộc không phát hiện được chất melamine trong sữa bột mà còn giấu nhẹm sự việc cho đến ngày 11-9 mới công bố mặc dù đã nhận được đơn khiếu nại từ tháng 3 và biết về việc sữa bị nhiễm độc vào ngày 6-8. Vụ việc được đưa ra ánh sáng chỉ sau khi Fonterra, đốëi tác New Zealand của Cty Tam Lộc, thông báo sự việc cho các nhà ngoại giao nước này và sau đó chuyển thông tin lên Chính phủ Trung Quốc.

Một em nhỏ bị sỏi thận do dùng sữa Sanlu được điều trị tại bệnh viện ở Lan Châu,
phía tây bắc tỉnh Cam Túc. Ảnh: China Daily

Theo giới phân tích, ngành công nghiệp bơ sữa Trung Quốc phát triển quá nhanh chóng. Các nhà sản xuất sữa biết cách tạo ra những sản phẩm sữa mới nhưng họ lại phớt lờ vấn đề chất lượng của các nguyên vật liệu. Đây không phải là vụ scandal đầu tiên về sản phẩm sữa của Trung Quốc. Năm 2004, ít nhất 12 trẻ em Trung Quốc tử vong và hơn 200 em bị “hội chứng đầu to” vì uống sữa kém chất lượng, có chứa ít hoặc không có chứa chất dinh dưỡng. Năm 2007, tại Trung Quốc cũng xảy ra hàng loạt bê bối về an toàn thực phẩm liên quan đến đồ chơi, kem đánh răng...

Vụ bê bối lần này cũng làm dấy lên những nghi ngờ về hiệu quả của việc cải tiến các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm và dược phẩm. Các nhà điều tra cho biết, những người cung cấp nguyên liệu sữa với hy vọng thu được nhiều lợi nhuận và muốn gia tăng số lượng nên đã cho thêm hóa chất melamine, vốn có hàm lượng Nitơ cao và làm gia tăng hàm lượng protein. Melamine là loại hóa chất dùng trong sản xuất vải, keo dán, đồ dùng gia đình...

Việc sản xuất sữa ở Trung Quốc gia tăng gấp 4 lần so với thập niên trước đây, hơn 22 triệu tấn/năm, và các nông trại phải chạy đua để đáp ứng kịp yêu cầu sản xuất. Trung Quốc có khoảng 15 triệu con bò sữa và là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về sản xuất sữa. Các báo cáo của ngành công nghiệp cho biết, khoảng 80% sữa do những nông dân nhỏ sản xuất - những người thiếu các thiết bị hiện đại và kiến thức về ngành công nghiệp bơ sữa. Cỏ khan hiếm, thức ăn cho gia súc kém chất lượng và điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Ngoài ra, tại Trung Quốc có hàng loạt cơ sở sản xuất tư nhân mà chính phủ không thể kiểm soát hết được. Các chuyên gia của ngành công nghiệp cho rằng, Trung Quốc cần có các thiết bị kiểm tra cùng các quy định chi tiết và nghiêm khắc hơn cũng như có kỹ thuật tốt hơn, trong đó bao gồm các điều kiện về vệ sinh cơ bản để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thảo Phương