Nhịp đời trên những chuyến xe

Thứ bảy, 11/02/2017 11:35

(Cadn.com.vn) - Nhiều người gọi những người bán hàng rong trên những chuyến xe đi-về trên các tuyến Đà Nẵng-Huế-Quảng Trị- Quảng Bình để mưu sinh là những "quán hàng di động". Không kể nắng mưa, những chuyến xe còn hoạt động là họ vẫn có mặt trên từng cung đường. Với họ, mỗi chuyến xe đi - về đều mang theo niềm hy vọng, hạnh phúc...

Bà H. với 15 năm gắn bó với nghề bán "bưng" trên xe.

Hiện nay, tại khu vực bến xe Đà Nẵng, số người bán hàng "bưng" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cơ chế mở, song quy định chặt chẽ hơn với người bán hàng rong, vì vậy không còn nhiều người đủ kiên nhẫn để "bám" nghề. Số còn lại đều là những người xa quê đến đây kiếm sống, công việc này thu nhập không đáng là bao song đó là lựa chọn cuối cùng nên họ vẫn theo nghề. Không được bán trong sân bãi, họ chỉ mong chờ vào sự cảm thông của các nhà xe cho "quá giang" một đoạn đường với mong muốn bán được thanh kẹo cao su, chai nước hay ổ bánh mì cho hành khách trên xe. Bà H. (Đà Nẵng), người có thâm niên hơn 15 năm gắn bó với nghề, tâm sự: "Hơn 15 năm nay tui vẫn với công việc bán hàng trên xe. Hàng cũng chỉ là vài ba thanh kẹo, mấy gói thuốc, nước, mấy ổ bánh mì... thu nhập không nhiều nên phải chắt bóp hết sức mà lo cho 3 đứa con ăn học. Giờ không bán hàng ở đây tui không biết mình làm được gì để kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng may, mấy xe mình đi riết thành quen nên họ cũng tạo điều kiện"... Theo bà H., bà bắt đầu lên xe bán hàng từ khi xe ở trong bến sau đó theo xe đi ra đến một đoạn ở đường Nguyễn Lương Bằng thì xuống xe, sau đó lại bắt xe đi vào tiếp tục bán cho khách chiều đi vào. Cũng có khi bà chỉ lên xe bán cho đến khi xe rời bến là bà xuống theo, qua bán cho xe khác. Công việc của bà như được mặc định, ngày nào cũng quy trình lên xuống nhịp nhàng. "Những ngày thường khách ít nên buôn bán cũng cầm chừng nhưng những ngày lễ tết khách đông, thu nhập khấm khá hơn, ngày cũng được vài ba trăm...", bà Hường cho biết thêm.

Rời cung đường Đà Nẵng chẳng mấy chốc hành khách được gặp  các chị, các O đậm "chất Huế" trong lời mời mua bánh bột lọc. Những gói bánh được để sẵn trong từng túi nilon và được đặt trong thùng cách nhiệt để giữ cho bánh luôn nóng. Tháng 30 ngày, ngày nào các chị cũng đều đặn lên, xuống xe ở một điểm cố định. Từng nhiều lần đi về trên những tuyến xe này, thấy bác tài như "đến hẹn lại lên", tới nơi là "tấp" xe vào lề để đón vị khách "đặc biệt" này, tôi thắc mắc thì được một bác tài vui tính, tốt bụng cho hay: "Mình có xe để chạy kiếm sống, họ không có điều kiện làm nghề khác mà chọn nghề bán hàng trên xe nên mình tạo điều kiện, không hề thu tiền gì hết. Hôm nào thấy người ta bán được hàng mình cũng vui. Riết thành quen, hôm nào người ta bận không lên xe bán hàng lại thấy thiếu thiếu. Ở đời giúp nhau được bao nhiêu hay bấy nhiêu, tính toán thiệt hơn làm gì". Nghe lời tâm sự của bác tài, không riêng gì tôi mà những người có mặt trên chuyến xe hôm ấy thấy ấm lòng. Không chỉ có các chị các o lấy việc bán hàng trên xe để kiếm sống mà đến những người đàn ông trụ cột trong gia đình cũng vì cuộc sống đã gắn chặt đời mình trên những chuyến xe để mưu sinh. Anh Lê Kim N. (1994) ở Phú Bài (TT-Huế) cho biết, gia đình khó khăn nên theo xe bán kẹo mè xửng làm quà cho khách. Anh N. bán trên xe từ thời "trai tân" cho đến nay đã lập gia đình. Lúc đầu anh nghĩ cũng chỉ bán tạm thời khi có vợ sẽ... đổi nghề nhưng bán riết rồi thành quen nên theo luôn. Mỗi ngày anh thu nhập từ 150 đến 300 ngàn đồng. "Trước mắt còn sức khỏe em theo xe rong ruổi trên từng cây số chứ về lâu về dài em cũng phải kiếm một công việc ổn định lo cho vợ con. Phải cảm ơn các nhà xe vì đã thương những người như  em mà tạo điều kiện cho đi nhờ để bán hàng", anh N. nói.

 Cuộc sống còn nhiều khó khăn song giữa "cánh nhà xe" và những người lao động đã tìm thấy ở nhau một sự cảm thông. Với ai đó, mỗi chuyến xe đến và đi thường mang theo nỗi buồn của sự chia ly... song với những người bán hàng trên những chuyến xe ấy, đó là niềm vui, là nguồn hy vọng lớn. Sau một ngày tất bật với công cuộc mưu sinh, họ lại ngóng chờ những chuyến xe của ngày hôm sau với một guồng quay mới, hy vọng mới.

Trang Trần