Nhớ mãi chuyến đi ngày đầu giải phóng
(Cadn.com.vn) - Đầu năm 1975, tôi nhận quyết định về làm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 49 thông tin dây trần tải ba thuộc đoàn 559 (bộ đội Trường Sơn) đóng quân tại rừng núi Đắc Đoa thuộc tỉnh Gia Lai. Sau khi chuẩn bị xong mọi mặt để phục vụ cho chiến dịch Tây Nguyên, kiểm tra đường dây liên lạc thông suốt từ chiến trường ra trung ương, từ sở chỉ huy mặt trận xuống các binh đoàn chủ lực được bảo đảm, thì tiếng súng tấn công Buôn Ma Thuột cũng bắt đầu vào 2 giờ sáng ngày 10-3-1975. 11 giờ ngày 11-3 ta đã làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột và đến chiều 15-3, địch bắt đầu rút khỏi Tây Nguyên.
Lúc đó, tuyến quốc lộ 19 từ Gia Lai về Bình Định, có mấy đoạn bị lực lượng ta chiếm giữ nên địch chạy theo đường số 7 từ Gia Lai về Phú Yên, là con đường hiểm trở đã bỏ hoang từ lâu, nhưng là con đường gần nhất để chúng tháo lui. Qua thông báo của trên chúng tôi được biết, cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của địch là một cuộc rút quân chiến lược, nhưng trong đoàn quân vốn đã hỗn loạn còn kéo theo cả hàng chục vạn thường dân, trong đó quá nửa là gia đình các sĩ quan, binh sĩ và nhân viên dân sự nên nó trở thành một cuộc di tản khổng lồ và cực kỳ náo loạn và đã sập bẫy của quân ta tại cầu Cheo Reo.
Trung đoàn giao cho tôi chỉ huy một đoàn 6 người gồm: các trợ lý cùng trinh sát, nuôi quân, y tá... đi khảo sát thực địa tại cầu Cheo Reo. Lúc đó địch ở Kon Tum và Pleiku đã rút chạy hết, chúng tôi lấy một chiếc xe quân sự thu được của địch xuất phát xuôi theo đường số 7. Đường đi tương đối khó khăn vì có quá nhiều vật cản do đoàn di tản vứt lại trên đường, chủ yếu là xe hơi, xe máy dân sự cùng vô số quần áo, đồ đạc và cả súng đạn ngổn ngang...
Trưa hôm đó, khi chúng tôi xuống gần đến Cheo Reo thì không thể tiếp cận được vì đường bị kẹt cứng. Dưới trời nắng gắt, nhìn ngút tầm mắt thấy cảnh tượng thật hãi hùng: một bãi chiến trường mênh mông ngổn ngang xe cộ, đủ các loại các kiểu cả ngàn xe chồng chất cưỡi đè lên nhau lẫn lộn với xác chết đã bắt đầu bốc mùi. Có một đơn vị bộ đội cùng thanh niên xung phong đang thu dọn chiến trường, họ dùng một chiếc xe ủi đất cỡ lớn đẩy dạt mọi vật cản ra hai bên lề để giải phóng mặt đường. Chúng tôi xuống xe tìm hiểu tình hình và định kiếm đường đi tiếp, thấy một chiếc xe du lịch nằm bên vệ đường, sơn màu mận chín còn khá mới, đang nghĩ thầm nếu ở gần đơn vị thì đem về tập lái chơi, không ngờ cậu lái xe vừa giật cửa xe thì "xòa" một tiếng, đàn ruồi xanh bốc ào lên mang theo mùi tanh nồng của xác chết. Ngó vào tôi thấy một người mặc đồ nhà binh chết úp mặt trên tay lái cùng mấy tử thi khác. Chắc là một gia đình sĩ quan ngụy dùng xe riêng chạy nạn, đến đây bị trúng đạn tử vong.
Không tìm được đường đi nên cả đoàn lên xe định quay về thì đề hoài mà máy không nổ, anh em đề nghị chọn xe khác đi. Thế là có 2 cậu lái xe lội vào bãi, thấy xe quân sự nào còn mới là nhảy lên nổ máy, thử phanh. Có mấy chiếc ai cũng ưng ý, nhưng nằm kẹt không có đường ra, tiếc ngơ ngẩn nhưng đành chịu. Cuối cùng cũng chọn được một chiếc kha khá ở phía ngoài bìa, vậy là chúng tôi đổ thêm dầu rồi nổ máy lái đi bỏ xe hỏng lại. Lúc bấy giờ những thứ như xe cộ, xăng dầu, súng đạn, thuốc men... thì tha hồ lấy dùng nhưng đồ dùng cá nhân thì không một ai động đến vì phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách chiến lợi phẩm ở chiến trường.
Khi xe chúng tôi còn cách Kon Tum độ vài chục cây số thì thấy có một tốp người đi cùng chiều, có lẽ họ từ trong núi mới ra, áo quần nhếch nhác, mặt mày hốc hác. Chúng tôi dừng xe hỏi thăm mới biết đó là những tàn quân ngụy cùng gia đình. Khi xảy ra chiến sự, họ bỏ súng cởi đồ lính, chạy sâu vào núi tránh đạn, nhịn đói khát gần 2 ngày, nay thấy tình hình yên tĩnh định ra tìm đồ ăn, hoặc gặp xe xin về nhà. Lúc tiếp xúc thấy họ đều trong trạng thái lo lắng, sợ hãi. Chúng tôi ôn tồn giải thích sơ qua về chính sách của cách mạng đối với những người lầm lỗi nay biết hối cải quay về với chính nghĩa để họ yên tâm... Tuy xe còn rộng nhưng vì cảnh giác nên chúng tôi cho ít bánh lương khô với nước uống và động viên họ đi tiếp, khi gặp những đơn vị thu dung của quân giải phóng sẽ được giải quyết.
Gần đến ngoại ô Kon Tum, chúng tôi thấy một phụ nữ trạc ba mươi tuổi mang bầu lặc lè có lẽ gần sinh, áo quần tơi tả, mặt mày nhem nhuốc, sợ hãi, thấy xe chúng tôi đi qua thì quỳ lạy xin đi nhờ. Bước lên xe chị òa lên nức nở không nói được câu nào. Sau một lúc bình tĩnh chị mới kể tên là Hường, bán tạp hóa tại thị xã Kon Tum. Khi chiến sự xảy ra, vợ chồng và hai con chất đồ lên chiếc xe nhà do chồng chị lái chạy lánh nạn xuống đường số 7 theo mọi người, vì nghe chính quyền Ngụy nói phải để trống thị xã cho Việt cộng vào chiếm sau đó sẽ dùng oanh tạc cơ ném bom hủy diệt hết. Xe đang đi rề rề theo đoàn di tản suốt nửa ngày trời thì nghe súng nổ râm ran phía trước, xe bị kẹt cứng không tiến mà cũng chẳng lui được, hai vợ chồng quyết định chị cùng hai con theo đoàn người đang tản vào hai bên núi để tránh đạn còn chồng chị ở lại giữ xe cùng tài sản.
Qua hai ngày lúc nào cũng nghe ì oàng tiếng súng, tiếng bom và cái chính là nhịn đói khát và sợ hãi, đứa con đầu 6 tuổi bị bệnh suyễn chịu không nổi nên chết, còn con bé hơn 3 tuổi mới chết lúc gần sáng nay, chị bẻ lá đậy mặt con gửi chúng lại cho núi rừng. Nói đến đây chị ngất xỉu, cô y tá tiêm cho chị mũi thuốc trợ lực cấp cứu thì tỉnh. Sau đó chúng tôi đưa về tận nhà đúng tại địa chỉ chị nói ở gần trung tâm thị xã. Về đến nơi thấy nhà cửa tan hoang chị lại ngất xỉu, lại cấp cứu. Có mấy người cùng phố chạy đến hỏi thăm, nhân đó chúng tôi bàn giao nhờ bà con chăm sóc chị để tiếp tục đi theo kế hoạch.
Mấy tháng sau, có dịp qua Kon Tum chúng tôi ghé thăm chị, được người dân ở đây cho biết chị đã sinh con trai, mẹ tròn con vuông, dọn về ở với mẹ đẻ trong làng, còn chồng chị vẫn biệt tăm, cửa hàng trống huơ khóa cửa bỏ đó. Trời dần tối, ở một đoạn đường ven thị xã, chúng tôi thấy một căn nhà khá lớn xây tương đối chắc chắn, phía trước có sân rộng đậu được xe, hy vọng kiếm được chỗ nghỉ qua đêm an toàn. Bước vào, thì ra là một kho thuốc tây đầy ắp thùng giấy, chai lọ, thuốc men, bông băng...nằm ngổn ngang. Do nhãn mác toàn là chữ nước ngoài không ai biết đọc nên sợ đụng nhằm thuốc độc. Cô y tá thấy tiếc cũng chỉ chọn một vài thứ quen dùng như bông băng, cồn sát trùng, thuốc đỏ và vài lọ thuốc B1. Chúng tôi định bày cơm nắm với lương khô ra để ăn thì nghe có tiếng gọi ì ới ngoài sân.
Thì ra là cụ Qua cụt- một cơ sở trung kiên tin cậy của ta và cụ nằng nặc yêu cầu chúng tôi về nhà cụ ở gần đó nghỉ ngơi vì khu cụ ở hầu hết là cơ sở cách mạng. Tối đó chúng tôi ngủ một giấc ngon lành không lo lắng giữa sự đùm bọc của đồng bào. Sáng hôm sau thức dậy ra cái giếng công cộng ngay trước nhà để đánh răng rửa mặt. Một người đàn ông cởi trần đang giặt đồ, hai cánh tay xăm trổ đầy những hình thù kỳ dị, cặp mắt láo liên nhìn trộm chúng tôi.
Cùng lúc, cụ Qua trong nhà cũng ra giếng rửa mặt, vừa nhìn thấy, cụ nói ngay: Ủa chú Minh còn ở đó à? Bữa trước chú hò hét bảo chúng tôi chạy bỏ Kon Tum vì Mỹ sẽ ném bom hủy diệt thị xã, chú còn nói Việt cộng tên nào cũng ốm nhách đen thui, bảy tên đu một cọng đu đủ không gãy và họ tàn ác lắm vào đây sẽ chặt đầu, lột da không chừa một ai. Vậy chú xem mấy ông Việt cộng đây có đúng như chú nói không?". Người đàn ông tái mặt, tuy giặt chưa xong nhưng cũng vội vàng thu xếp thau đồ ra về. Cụ Qua cho biết tên Minh này là một tay chiêu hồi, tuy chưa gây tội ác nhiều nhưng thường khua môi múa mép nịnh bợ bọn Mỹ - ngụy để kiếm ăn, địa phương đã lên danh sách cho đi cải tạo.
Trưa hôm đó chúng tôi về tới đơn vị, lo tắm giặt, cơm nước xong, ai nấy tranh nhau kể lại chuyến đi "khảo sát chiến trường" vỏn vẹn chưa đến hai ngày mà thật thú vị với đầy ấn tượng sâu sắc khó quên của những ngày đầu giải phóng.
(Cựu chiến binh LÊ NGỌC TRÂN-
nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 49, Đoàn 559, kể)