KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO (1-8-1930 - 1-8-2015):

Nhớ một thời làm tuyên huấn

Thứ bảy, 01/08/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Trong chiến tranh, vũ khí chính yếu của họ không phải là súng đạn mà là những bài báo, những thông tin nơi chiến trường, đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với nhân dân: Họ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của ngành Tuyên huấn Quảng Đà.

Một lần, tôi theo chân những cựu chiến sĩ tuyên huấn Quảng Đà tìm về căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên, Quảng Nam). Đây là nơi đứng chân của cơ quan tuyên huấn trong chiến tranh và cũng là nơi để xác định, tìm lại hài cốt đồng đội hy sinh. Chúng tôi phải băng rừng, leo dốc gần 2 giờ đồng hồ, thế mà những bước chân của cựu chiến sĩ tuyên huấn vẫn dẻo dai, khỏe khoắn. Ông Phan Minh Lượng (xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) tâm sự: "Thời ấy, anh em chúng tôi phải đi nhiều gấp trăm lần như thế này, quãng đường này có sá chi". Thời chiến, để phát đi một thông tin, một bài báo là không hề đơn giản với người chiến sĩ tuyên huấn bởi luôn phải đối mặt với máy bay B52 quần thảo, ném bom, dưới đất thì biệt kích lùng sục. Mà đâu chỉ thế, họ phải thường xuyên "đói cơm lạt muối", trải qua những cơn sốt rét rừng. Gian khổ là vậy, nhưng chưa bao giờ người chiến sĩ tuyên huấn lại để chậm trễ phát hành một kỳ báo.

Lúc bấy giờ, được cầm trên tay những tờ báo cách mạng có chủ trương của Đảng, thông tin về "thắng trận tin vui" là niềm vui để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. "Lúc ấy công nghệ in thô sơ lắm, in bằng chữ rời ghép lại với nhau. Hai tờ Cờ giải phóng và Giải phóng mỗi tháng ra một số, mỗi số từ 6 đến 8 trang, chừng đó thôi nhưng phải mất nhiều thời gian mới xong. Thế nhưng anh em chúng tôi luôn cố gắng để báo ra đều. Bởi tờ báo là sự hiện diện của cách mạng, thể hiện sức sống của Mặt trận dân tộc giải phóng. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, để phục vụ thông tin tuyên truyền cho trận tổng tấn công, chúng tôi phải chuyển từ căn cứ Hòn Tàu về Gò Nổi để kịp in báo, tài liệu tuyên truyền"-ông Lượng kể.



Đưa hài cốt những chiến sĩ Tuyên huấn hy sinh ở Hòn Tàu về an táng
ở nghĩa trang thị xã Điện Bàn.

Ông Nguyễn Đình An-nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn nhớ như in những câu chuyện vui buồn của mình và đồng đội. Ông kể, những năm đầu việc in ấn rất khó khăn, giấy in là loại giấy cúng (vàng mã) phải nhờ người dân mua giúp. Trước khi chưa có Đài minh ngữ, những chiến sĩ tuyên huấn phân công một người theo dõi ghi lại bản tin đọc chậm của Đài Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên nhiều lúc nghe không rõ ghi sai đến tức cười. Như hồi chép bài thơ "Theo chân Bác" của Tố Hữu có câu "con cá rô ơi chớ có buồn" lại được chép là "con cháu thơ ơi chớ có buồn".

Sau này Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà được cấp cho Đài minh ngữ nên rất thuận lợi cho việc truyền thông tin. "Có Đài minh ngữ nên không phải qua 2 lần dịch ra mật mã ở 2 đầu đi và đến nữa. Ở chiến trường chúng tôi cố gắng biên tập cho tốt thế là tổng xã chỉ cần chỉnh sửa chút đỉnh cho phát ngay. Có khi tin vừa phát ra cho tổng xã buổi sáng, buổi trưa Đài Giải phóng đã đọc. Với Đài minh ngữ, việc đưa tin bài của chúng tôi như có thêm sức mạnh. Ví như một trận diệt ác ở Hòa Vang. Một cơ sở binh vận làm một tàu Mỹ nổ rồi chìm ở gần cầu Trịnh Minh Thế. Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng đã tập hợp được cả ngàn bạn trẻ và nhân dân chống trò hề độc diễn của Thiệu... đều được phát đi kịp thời.

Trên mỗi bản tin chúng tôi để hiện tinh thần quyết đánh và đánh thắng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Tôi nhớ lúc đó vẫn thường in câu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" cho chiến sĩ và người dân để trong túi áo. Có lần đồng chí Trần Văn Đán - Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Trưởng ban Tuyên huấn đến thăm và chúc Tết người dân ở vùng Gò Nổi, ông hỏi "Tết nay bà con muốn tặng quà gì?", người dân nói "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Nghe như thế tôi rất vui, bởi công tác tuyên huấn đã đến được với nhân dân"-ông An nhớ lại.

Đoàn Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và cựu chiến sĩ Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tìm về căn cứ Hòn Tàu thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận bom B 52 năm 1972.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng phát hành nhiều tờ báo như: Cứu Quốc, Chiến Thắng (thời chống Pháp), Giải Phóng, Cờ Giải Phóng. Chính những tờ báo như thế đã góp phần không nhỏ cho việc tranh đấu với địch. Dù công việc chủ yếu là tuyên truyền, không trực tiếp cầm súng đối đầu với địch thế nhưng những người lính tuyên huấn cũng chịu sự hy sinh không kém những cánh quân khác. Kể về sự hy sinh của chiến sĩ tuyên huấn, ông Nguyễn Đình An không thể quên trận bom B52 vào đêm 21-5-1972 ở căn cứ Hòn Tàu. "Hôm ấy, là hội nghị ngành Tuyên huấn của tỉnh Quảng Đà, mọi người đang xem phim thì  thấy B52 xuất hiện nên phải dừng lại, sau đó mọi người móc võng lên cây mà ngủ, số khác thì ngủ trong hang. Không ngờ, B52 quay lại ném bom rải thảm, làm chết nhiều người, có 5 đồng chí ngủ trong hang bị một tảng đá lớp sập lấp cửa hang, trong đó có phóng viên báo Cờ Giải phóng. Sau này, chúng tôi định dùng mìn phá dỡ tảng đá hoặc tính dùng cả cần cẩu lớn để tìm đồng đội nhưng đều vô vọng. Sau giải phóng, mãi đến năm 2011 chúng tôi mới đưa được những đồng đội mắc  kẹt trong hang đá về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn" - ông An bồi hồi kể về đồng đội.

Nhắc lại những câu chuyện gian khó của Tuyên huấn Quảng Đà ngày trước, để thấy rằng công tác tuyên giáo có ý nghĩa như thế nào cho trước đây và cả bây giờ. Và, cũng để tri ân những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã ngã xuống cho ngày đất nước thống nhất.

Hoàng Anh