Nhớ người bạn thơ già

Thứ ba, 19/02/2019 10:30

Nhà thơ Trương Đình Đăng quê gốc xã Triệu Đô, H. Triệu Phong, Quảng Trị. Thỉnh thoảng trên các báo, tạp chí trung ương hoặc địa phương anh xuất hiện ngoài cái tên còn có một bút danh khác là Đăng Sơn.  Báo Tiền Phong từng giới thiệu về anh trong các bài viết "Ông lão bảy mươi làm thơ World cup" và "Dịch thơ Tagore từ tiếng Việt sang... tiếng Việt". Tôi may mắn làm người thơ bạn vong niên của anh trong gần 20 năm qua khi chuyển về sống cùng phường với anh. Tuổi của anh đáng bậc cha chú, nhưng vì là "bạn" của nhau, nên tôi thường bảo đùa anh là người bạn thơ... già. Anh "già" về tuổi tác, nhờ thế mà "già" về kinh nghiệm sống. Anh lăn lộn nhiều trong trường đời và trải qua không biết bao nhiêu cung bậc thăng trầm nên tâm trạng luôn tĩnh tại và thản nhiên trước xô bồ cuộc sống. Hồi anh còn ở nhà cũ, lúc đó tôi cũng có nhiều thời gian rảnh nên thường ghé anh chơi. Một già một trẻ khi thì ra quán, lúc thì ngồi nhà chuyện trò về văn chương, cuộc sống, đôi lúc lạm bàn chuyện nhân tình thế thái tâm đầu ý hợp. Nhờ thế, nhiều bài thơ anh viết chưa ráo mực đã giúi cho tôi "đọc xem thế nào". Anh luôn lắng nghe và sẵn sàng sửa những chỗ được góp ý hợp lý. Thật ra thì tôi cũng ít có cơ hội để "chỉnh" anh. Vì chữ nghĩa anh luôn tròn trịa, chỉn chu. Dưới một góc độ nào đó, anh thông thái như một Thầy Đồ Nho bụng mang đầy bồ chữ.

Một tập sách của nhà thơ Trương Đình Đăng.

Thơ anh viết chạm đến nhiều đề tài trong cuộc sống nhưng tôi thích nhất là mảng thơ tình. Phải chăng, cái "nòi" thi sĩ khi chạm đến hai chữ Tình Yêu, chạm đến Nàng là trái tim run rẩy và bùng cháy hết mình. Nếu chỉ đọc thơ thì khó ai hình dung ra tuổi tác của người viết:

"Hoa anh trồng trước sân/Trắng mấy mùa chờ đợi

Lá úa vàng ngày xanh/Người đâu không thấy tới?"

                                  (Hoa trắng)

Người không thấy tới, vậy thì người đi về phương nào giữa cuộc sống xô bồ, gấp gáp này? Trong hoài niệm, biết tìm đâu một bóng dáng xa xưa duyên dáng, hiền lành và đoan trang:

"Vì sao em hỡi, vì sao?/Bước chân em lạc lối vào vườn tôi/Và tôi chừ lạc em rồi/Bài thơ tôi viết để hồi âm ai" (Em lạc tôi rồi). Thơ anh đa dạng thể loại. Mỗi một đứa con tinh thần anh chọn cho nó một chiếc áo mặc thích hợp. Anh cũng là người làm thơ Đường Luật khá nhanh và với kỹ thuật rất chắc. Khi tôi viết những bài thơ Đường Luật đầu tiên, tôi nhờ anh đọc, anh chỉ cho thấy vài khiếm khuyết mà người mới làm mắc phải. Từ đó tôi "tốt nghiệp" phương pháp làm thơ này! Còn nhớ, mùa World cup 2002, anh đã dùng thể thơ Đường Luật để viết Nhật ký cho từng trận đấu. Câu chữ dí dỏm, tung tẩy như những pha chuyền bóng, ở mỗi bài anh đều lột tả được hồn cốt của trận đấu. Tôi khâm phục anh điều này. Vì thế mà Báo Tiền Phong tìm nhà và lên bài "Ông lão bảy mươi làm thơ World cup". Tôi đã gõ vi tính giúp anh cả tập nhật ký này và nhân bản vài chục tập để anh tặng bàn bè yêu thích. Mở đầu "Nhật ký World cup 2002", anh có "Lời ngỏ":

"Đây nỗi đam mê tuổi xế chiều/Đây hồn khách bút phút tiêu diêu/Câu thơ theo bóng trời gieo nắng/Trái bóng vào thơ biển dậy triều/Năm vận Đường Thi ghi dấu ấn/Vài câu lục bát gởi tình yêu/Ai người tri kỷ, ai đồng điệu/Xin hãy là Kim đến với Kiều".

Tôi đã là "người tri kỷ", người "đồng điệu"-một chàng Kim và một nàng Kiều đến với nhau trong thi ca, nên trong quá trình gõ vi tính tập thơ đã viết tặng anh một bài "Cảm đề":

"World cup tình anh đắm đuối mê/Giao tranh từng trận bút thơ đề/Dô! Dô! Bóng hụt buồn ngơ ngẩn/Há! Há! Bàn ghi sướng hả hê/Trau chuốt đôi câu bình cuối trận/Lạm bàn mấy ý ngỏ lời quê/Tiếng còi chung cuộc từ lâu vãng/Sáu tám bài thơ hết chỗ chê!"...

Tôi và anh có một thời làm thơ xướng họa. Thú vui thi phú một trẻ, một già cùng nhau. Vậy mà, cũng tới lúc xếp vào ngăn kỷ niệm. Chiều mồng một Tết Kỷ Hợi- 2019, vợ chồng tôi ghé thăm anh. Anh bệnh nặng đang nằm bảo con trai đỡ dậy, tôi khoát tay nói anh nằm nghỉ. Mũi anh đang nối dây với máy thở oxy. Chân tay anh phù lớn. Anh có bệnh tim mạch đã lâu, bây chừ trầm trọng. Sáng mồng hai, cháu anh điện thoại: "Bác sĩ là bạn của ông con phải không? Ông con bây giờ nằm bất động rồi. Mời bác ra khám ông con và cho... một lời xác nhận". Tôi chạy xe xuyên qua đường xóm sang nhà anh. Anh nằm đó bất động. Đông đảo con cháu ngày Tết đang vây quanh. Tôi đặt ống nghe lên ngực anh. Nhịp tim anh đang thoi thóp, rời rạc, chậm dần rồi ngừng hẳn.... Vậy là vĩnh biệt anh - Người bạn thơ già kính mến và đáng yêu của tôi. Tôi nắm tay anh lần cuối. Bàn tay lạnh, nhưng những kỷ niệm về nhau vẫn ấm mãi trong lòng.

MAI HỮU PHƯỚC