Nhớ Trường Sa
"Thật trùng hợp là đúng 30 năm, những người đồng đội của chúng tôi ngã xuống khi giữ đảo, ngày giỗ các anh em theo âm lịch cũng trùng vào ngày 14-3. Thân nhân của 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma, những người lính Trường Sa năm xưa và các thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ và sống xứng đáng với sự hy sinh ấy", anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 tâm sự.
Anh Trần Mạnh Dũng bên di ảnh em trai-liệt sĩ Trần Văn Việt. Ảnh: Công Khanh |
Hằng năm cứ đến dịp này, anh Trần Mạnh Dũng (trú trong một con hẻm 67 đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng) lại bồi hồi khi nhớ về người em trai Trần Mạnh Việt có dáng người cao to vạm vỡ nhưng nụ cười hiền khô, cả xóm ai cũng mến. Vì chỉ cách nhau một tuổi nên thời đi học, hai anh em thân nhau đến mức hàng xóm hay gọi nhầm tên. "Tôi đi bộ đội ở Gia Lai một năm thì Việt cũng nhập ngũ làm lính công binh ở Trường Sa. Việt sống chân tình, thật thà và coi trọng tình anh em lắm. Xuống phà đi Trường Sa mà quên mất cái chén ăn cơm tôi mua tặng làm kỷ niệm, Việt chạy bộ về lấy cho bằng được", anh Dũng kể về người em trai hy sinh cùng 63 đồng đội khác trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Tỉ mẩn lau tấm ảnh của người em trai, anh Trần Mạnh Dũng tâm sự, cứ đến đầu tháng 3 hàng năm, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng, các ban ngành, đoàn thể lại tới thăm hỏi khiến gia đình anh cũng ấm lòng. Anh cũng đã được thông báo và mời dự lễ cầu siêu tâm linh cho các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và các chương trình gặp mặt, lễ tưởng nhớ 30 năm trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma được Ban Liên lạc tổ chức vào các ngày 13 và 14-3 tới.
Dù đã 97 tuổi nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Huỹnh-cha của liệt sỹ Trần Tài vẫn hết sức minh mẫn. "Trước khi xung phong đi bộ đội, nó tham gia vào đội xung kích tuyên truyền các ca khúc cách mạng của thành phố. Ba đứa con nhập ngũ thì tôi nhớ nó nhất, đàn hát hay lắm, sống khẳng khái lắm", ông Huỹnh kể chuyện sang sảng. Là người trực tiếp tiễn em trai mình lên đường, cũng là người đầu tiên nghe loa phóng thanh trong đơn vị công tác thông báo danh sách các liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, cựu binh Trần Trọng vẫn nhớ như in khoảng thời gian quý giá 2 anh em ở bên nhau sau một lần về phép. Đó là đầu năm 1988, sau khi nhập ngũ 1 năm, được giải quyết phép về ăn Tết, anh Tài chở anh trai đi uống cà phê rồi tâm sự muốn đăng ký đi đảo. Anh Trọng nói thời gian làm nhiệm vụ ở Trường Sa thường là rất lâu nhưng cậu em trai tài hoa và rắn rỏi ấy cương quyết phải đi đảo cho biết. "Tôi làm nghĩa vụ tại Bộ Tham mưu Quân khu, thấy thương và phục nó vô cùng. Hai anh em chở nhau đi mua một vài vật dụng cần thiết, tôi tặng nó một bộ đồ mới. Đó hình như cũng là bộ đồ Tài mặc khi hi sinh giữ đảo", anh Trọng nhớ lại.
Ông Trần Huỹnh (phải) kể lại những câu chuyện về con trai, liệt sĩ Trần Tài. |
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Tấn cùng đồng đội trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 tất bật làm công tác chuẩn bị cho buổi gặp mặt truyền thống của những người lính Trường Sa năm xưa. Anh Tấn cho biết, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể tại Đà Nẵng, cuộc hội ngộ sau 30 năm là nguyện vọng của CBCS Hải quân thuộc Lữ đoàn 83 Công binh đã từng công tác, chiến đấu trong chiến dịch CQ88 tại Quần đảo Trường Sa, hiện nay có 85 đồng chí đã về hưu, phục viên, xuất ngũ sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch ngày 13-3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 sẽ tổ chức lễ cầu siêu tâm linh cho 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma cũng như các liệt sĩ khác đã hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Trong ngày 14-3, sau khi tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm trận hải chiến tại Gạc Ma, các thế hệ CBCS bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 sẽ có cuộc gặp gỡ thân mật ôn lại truyền thống của Lữ đoàn 83 Công binh. "Nguyện vọng của toàn thể anh em đã được Hội Cựu chiến binh, lãnh đạo thành phố và các ban ngành hết sức ủng hộ và tạo điều kiện. Bên cạnh việc nhắc nhớ, tri ân những người đồng đội đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đây cũng là dịp để những người lính đã cùng nhau sát cánh năm xưa có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi và động viên nhau trong cuộc sống. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi được biết đa số anh em đã vươn lên và khẳng định bản lĩnh của người lính bộ đội cụ Hồ", anh Tấn cho hay.
Đông A