Nhọc nhằn cõng chữ lên non

Thứ ba, 19/11/2019 12:04

Gần 2 giờ đồng hồ băng qua con đường đầy đất đỏ, chúng tôi mới đến được với làng Khe Chữ, xã vùng cao Trà Vân, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngôi làng hiện ra trước mắt với những ngôi nhà vững chãi mọc san sát nhau. Đặc biệt nhất là ngôi trường dành cho các em học sinh nơi đây, giờ đã được xây mới, khang trang, đẹp đẽ hơn trước rất nhiều. Ngôi trường ấy có một cô giáo không ngại gian khó, đã 10 năm miệt mài đem con chữ đến cho trẻ em vùng cao.

Đường đến làng Khe Chữ đầy gian nan, nhưng cô giáo Võ Thị Kinh vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường.

Gian nan thử sức

Chúng tôi tìm đến ngôi trường ấy và bắt gặp cô giáo Võ Thị Kinh (42 tuổi, ở H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang dạy cho học trò viết nắn nót từng chữ. Bên ngoài trông mảnh khảnh, nhỏ bé nhưng khi tiếp xúc chúng tôi nhận thấy bên trong cô giáo nhỏ nhắn ấy lại tràn đầy nhiệt huyết.

Năm 2009, cô giáo Võ Thị Kinh được ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam phân công đến với điểm trường Khe Chữ dạy học - một điểm trường dành cho học sinh Mầm non và Tiểu học ở vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Nam Trà My. Lúc ấy, tâm trạng của cô vui buồn lẫn lộn. Cô Võ Thị Kinh nhớ lại: “Thời gian đầu đi dạy, cô phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, từ trung tâm xã Trà Vân, đi bộ băng qua con đường mòn gồ ghề, đầy sỏi đá, mới có thể đến được điểm trường nơi đây. Ngoài ra, việc phải mang vác hơn 40kg thực phẩm và nước uống để bám trường thực sự là một thách thức lớn đối với một cô giáo trẻ. Không những thế, có lúc phải hết một học kỳ, cô mới có thể trở về miền xuôi thăm gia đình”. Ngoài những khó khăn về địa hình đồi núi, cô còn gặp phải muôn vàn khó khăn trong việc giảng dạy, vì 100% học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, để giảng cho các em hiểu được bài học là việc làm rất khó. Và việc vận động các đến trường còn là một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa.

Thời gian cứ thế trôi qua, nhiều lúc, cô đã nản chí, muốn từ bỏ tất cả để trở về miền xuôi, tìm kiếm một công việc nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn. Mỗi lần như vậy, cô lại dằn vặt suy nghĩ, phần vì nỗi nhớ nhà, phần vì không nỡ xa đám trẻ. Cô Võ Thị Kinh quyết tâm học tiếng đồng bào để có thể gần gũi và truyền đạt kiến thức dễ dàng hơn cho các em học sinh. Và cô cũng dần thay đổi đi cách dạy thông thường.

10 năm gieo mầm ước mơ

Trải qua khoảng thời gian hơn 10 năm dành cho sự nghiệp “trồng người”, đối với cô Võ Thị Kinh khoảng thời gian ấy đã hằn sâu vào trong tâm trí với đầy ắp những kỷ niệm mà có lẽ cô sẽ không bao giờ quên. Hình ảnh cô trò cùng nhau quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, hay một bữa ăn chỉ có măng rừng và ốc cũng thật gần gũi và đáng quý biết bao.

Từ sau đợt sạt lở kinh hoàng tại làng Khe Chữ cũ vào năm 2017, nỗi đau thương, mất mát ngày nào của người dân nơi đây đang dần nguôi ngoai. Thay vào đó, họ luôn có niềm tin, niềm khát khao mãnh liệt về một cuộc sống tốt đẹp. Giờ đây, tại ngôi làng mới, tiếng đánh vần, đọc bài ê a từ ngôi trường vang lên vọng khắp cả núi đồi. Điều đó như báo hiệu rằng một cuộc sống tươi mới đang đến với những người dân nơi đây. “Dù có cơ hội để chuyển về miền xuôi công tác, nhưng sau thời gian dài bám bản, tôi cảm thấy như mình cần phải ở lại đây, phải có trách nhiệm hơn đối với các em học sinh, bởi bọn trẻ còn nhiều thiếu thốn, chúng cần phải được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tiếp tục ở lại đây, đem hết công sức, quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao”, cô Võ Thị Kinh chia sẻ.

Chuyện học ở vùng cao là vậy, các thầy, cô giáo đã cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân của mình để tình nguyện gắn bó với vùng cao, làm công việc “cõng chữ lên non”, cứ như một chữ duyên vậy. Cũng từ những ngôi trường trên vùng cao này, bao nhiêu thế hệ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nay đã trưởng thành, một số đi làm ăn xa, một số đã có công việc ổn định...

T.TĨNH – K.CHƯƠNG