Nhọc nhằn cõng chữ lên non

Thứ sáu, 02/10/2020 22:30

Khai giảng năm học 2020-2021 đã trôi qua được gần 1 tháng nhưng ánh mắt rạng ngời, háo hức của các em nhỏ nơi rẻo cao bản Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, H. Quế Phong (Nghệ An) vẫn còn hiện rõ. Năm nay cả thầy và trò điểm bản này đón nhận nhiều cái mới, cái đầu tiên, hứa hẹn một năm học gặt hái nhiều thành công.

Con đường mòn nhỏ dẫn vào điểm trường Huồi Mới.

Bỏ lại sau lưng những khó khăn, vất vả

Tháng 9 về, Huồi Mới sương vẫn giăng mù phủ kín lối đi, khi dân bản lên nương làm rẫy cũng là lúc các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 gánh gồng theo tư trang, nhu yếu phẩm cùng với trái tim và ngọn lửa yêu nghề đến điểm trường nơi mình cắm bản. Chỉ cần có học sinh đến trường đi học là mọi vất vả, nhọc nhằn trong suốt chặng đường đi của họ đều tan biến và bỏ lại sau lưng.

Bản Huồi Mới nằm tít trên đỉnh núi Pha Cà Tún, nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Đây là nơi 100% bà con dân tộc Mông sinh sống. Điểm trường Bản Huồi mới là một 4 điểm trường của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 với nhiều "không" nhất xứ Nghệ: Không điện, không đường, không chợ, không sóng liên lạc và không cô giáo. Để vào được những điểm trường này, các thầy giáo phải băng qua hơn 30km con đường rừng. Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa bùn đóng kín bánh xe.

Điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Năm học 2020-2021, điểm trường bản Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hoàn thành việc sáp nhập học sinh và trở thành điểm bản Huồi Mới với tổng số 86 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đây cũng là năm học điểm trường này chia tay với lớp học tạm được dựng bằng gỗ và lắp ghép đã gắn bó hàng chục năm qua để sử dụng 5 phòng học và nhà đa chức năng bằng bê-tông kiên cố. Cơ sở vật chất được cải thiện nên lần đầu tiên, thầy trò điểm bản Huồi Mới được tổ chức lễ khai giảng đón chào năm học mới.

Trong suốt thời gian nghỉ hè, Xồng Y Nu (bản Huồi Mới) theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Gia đình Nu có 3 anh em, trong đó Nu là con út, anh Xồng Bá Dinh (17 tuổi, anh trai Nu) chỉ học hết cấp 2 là phải nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ làm rẫy, đỡ đần kinh tế gia đình. Ngày hè, Nu và các bạn chỉ quanh quẩn chơi trong bản và chạy lên trường chơi đùa. Năm nay Nu học lớp 4, từ nhà Nu đến trường học phải băng qua hai con dốc nhỏ. Ngày nắng, con đường nhỏ phủ một lớp bụi mùn vàng chóe, ngày mưa Nu và các bạn phải lội bùn đến trường. Lúc con đường mòn ngang lưng núi rộn ràng những tiếng xe máy leo qua dốc hướng về cổng trường cũng là lúc các thầy đã quay lại để tiếp tục trồng người. Năm học mới đã bắt đầu được gần 1 tháng, giờ đây Nu và các bạn đã làm quen với chương trình học và sách giáo khoa mới, không còn cảm giác bỡ ngỡ như ban đầu.

Thầy Lỳ Bá Cự - giáo viên dạy tại điểm bản Huồi Mới cho biết, mấy năm trở lại đây, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ít, đầu năm học mới các thầy cũng không phải đi vận động nhiều nên đỡ vất vả hơn trước. Trong lớp, có em Xồng Y Nu là học sinh thông minh, học khá, 4 năm liền đều là lớp trưởng. Nu là một trong số những em đi học rất chuyên cần, và cũng giúp thầy nắm tình hình của các bạn trong lớp về lý do vắng học, đi muộn, gia đình có việc đột xuất...

Thầy giáo, cán bộ biên phòng đến thăm gia đình em Xồng Y Nu.

Phấn đấu là những lá cờ đầu

Năm học 2020-2021 này cũng tròn 30 năm thầy Thò Bá Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 gắn bó với nghề giáo. Thầy chính là tấm gương suốt cả cuộc đời phấn đấu vì sự học, vượt mọi khó khăn, mặc cảm để có tri thức, có cuộc sống ấm no và trở thành người có uy tín của không chỉ bản Huồi Mới và cả xã biên giới Tri Lễ, H. Quế Phong.

Thầy Sinh chia sẻ: Sau lễ khai giảng năm học 2020-2021, có 3 em học sinh vắng học vì theo bố mẹ đi rẫy xa, không có sóng liên lạc nhưng hiện các em đã trở lại trường. Nhờ sự vận động, tuyên truyền của các nhà trường cũng như chính quyền địa phương nên trong những năm gần đây, Huồi Mới không còn tình trạng học sinh bỏ học. Mặc dù Trường Tiểu học Tri Lễ 4 là ngôi trường khó khăn về mọi mặt, trong suốt 40 năm qua chỉ có các thầy giáo cắm bản nhưng việc dạy học ở các điểm bản luôn được thực hiện quy củ, nghiêm túc và trở thành điểm sáng trong giáo dục của huyện miền núi Quế Phong.

Cũng như Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (H. Kỳ Sơn, Nghệ An) có hơn 400 học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái. Trong số 40 cán bộ, giáo viên của trường chỉ có 10 người bản địa, hoặc sinh sống gần xã Nậm Cắn còn lại đều là giáo viên ở các huyện miền xuôi lên công tác. Mặc dù là xã vùng biên xa xôi vất vả với nhiều khó khăn chồng chất nhưng thầy trò của trường đã nỗ lực hết mình để đưa trường vươn lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên ở H. Kỳ Sơn (Nghệ An)

Các em học trò hào hứng với sách giáo khoa lớp 1 mới.

Cô Đặng Thị Hải Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cho hay: Trước đây, trường chúng tôi thí điểm chương trình VNEN (mô hình trường học mới dạy các lớp ghép miền núi), vì vậy sách giáo khoa của học sinh được cấp miễn phí. Sau kết thúc thí điểm, nhà trường tận dụng sách giáo khoa cũ, ngoài ra kêu gọi các tổ chức tặng sách cho học sinh. Tuy nhiên, năm nay chương trình mới, phụ huynh phải tự mua sách giáo khoa. Hiện tại, sách giáo khoa đã về đủ cho toàn bộ học sinh lớp 1, nhưng việc thu tiền sách thì vẫn còn khó khăn. Nhà trường sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ sách cho những học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Năm học này, cô giáo Bùi Thị Thúy quyết định mang theo con trai Nguyễn Tiến Minh từ Diễn Châu lên Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, Kỳ Sơn để học. Khi so sánh về mọi điều kiện học tập, giao tiếp, sinh hoạt thì ở quê hơn hẳn ngôi trường biên giới này, cô Thúy cũng có nhiều đắn đo, do dự. Nhưng do điều kiện gia đình bố là bộ đội biên phòng ở cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, mẹ là giáo viên tại Trường Tiểu học Nậm Cắn thì việc đưa con lên học tại xã biên giới xa nhất Nghệ An là cơ hội cho cả gia đình gần nhau hơn. "Đối với tôi, giờ đây Nậm Cắn đã trở thành quê hương thứ 2 của mình. Chỉ cần được cống hiến sức khỏe và trí tuệ thì ở bất cứ đâu cũng góp một phần nhỏ xây dựng quê hương, đất nước" - cô Thúy chia sẻ.

Thêm một năm học sẽ có nhiều vất vả, cực nhọc khi ngày mưa con đường mòn vào các điểm bản xa xôi của xứ Nghệ trơn như đổ dầu, nước chảy xói theo khe rãnh, đỏ quạch. Chiếc xe máy chạy hàng chục ki-lô-mét vào trường của các thầy giáo đóng bùn dày đặc. Ngày nắng bụi bay lên mù mịt phủ bạc kín cả người lẫn xe. Tóc đã bạc, chân đã yếu, mắt đã mờ dần nhưng không thể ngăn nổi bước chân và tình yêu thương của các thầy cô giáo khi mang con chữ đến với rẻo cao này...

Dương Hóa