Nhọc nhằn đời hát rong

Thứ ba, 02/01/2018 11:25

Thời gian gần đây, người dân Đà Nẵng không còn xa lạ với hình ảnh những người mưu sinh bằng  hình thức "nghệ sĩ đường phố" mà trong đó nổi bật là đi hát với chiếc loa kéo.

Không qua trường lớp đào tạo, không sân khấu biểu diễn, cũng chẳng cần phụ kiện đắt tiền hay thời trang hợp "mốt", lòe loẹt, họ hát bằng cả tấm lòng, bằng những đắng, cay, chua, chát... mà số phận đã an bài. Sân khấu của họ là vỉa hè bên đường, hay những quán nhậu vang tiếng cụng ly chúc tụng mỗi đêm. Với chiếc loa thùng, chiếc micro và xe máy làm hành trang, họ rong ruổi khắp các đường phố Đà Nẵng, dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình. Đối với dân nhậu ở Đà Nẵng, không ai còn lạ gì những người hát rong chuyên bán kẹo kéo, kẹo mút, kẹo cao su, trái cây, bánh, bút bi, tăm hay một số mặt hàng cá nhân,... có mặt ở hầu hết các quán xá. Đến từ những vùng miền khác nhau, họ đã bươn chải đủ nghề để kiếm sống và cuối cùng "trụ lại" với nghề hát rong vừa để mua vui cho thiên hạ vừa mưu sinh.



Nhọc nhằn đời hát rong.

Chúng tôi gặp Huỳnh Tấn Sang (1994, quê Quảng Ngãi) khi Sang đang hát trong một quán nhậu ở đường Thăng Long (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Nhìn cách biểu diễn tự tin, giọng hát được nhấn nhá khá hay của anh ít ai nghĩ Sang chỉ mới có "thâm niên" trong giới hát rong được vài năm. Dứt câu hát, anh cầm một bọc kẹo kéo đến từng bàn chào mời khách. Có bàn ủng hộ, cũng có bàn không nhưng Sang vẫn cười tươi cảm ơn sau đó tiếp tục bài hát. Khi những chiếc kẹo trên tay vơi dần, anh thu dọn đồ nghề di chuyển đến quán nhậu kế bên. Hỏi vì sao không chọn nghề nào cho đỡ vất vả, Sang cười nhẹ chia sẻ: "Ở quê không có việc làm nên tôi lặn lội ra Đà Nẵng kiếm sống, tôi làm đủ thứ nghề rồi, nhưng bản thân sức khỏe không tốt nên nghề mô cũng không trụ lâu được nên không đủ sống, gửi về quê. Vì cũng biết hát với thấy họ đi hát bán kẹo kéo cũng có lời nên tôi mua dàn loa về làm theo thôi. Chỉ cần chịu khó là sẽ làm được".

Chúng tôi tò mò, tại sao đa số các "ca sĩ không chuyên" dùng giọng ca của mình để đi bán kẹo kéo, kẹo cao su, bút viết... Sang cho biết, các mặt hàng này dễ bán, để lâu không hư hỏng, mua vào thì rẻ và bán ra dễ kiếm lời với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần ở quầy tạp hóa và còn một điều nữa là bán như vậy "không đụng hàng" những món khác để "nhường sân" cho những người bán hàng rong kiếm sống như mình. Họ hoạt động chủ yếu là ở các quán nhậu, nhiều vị khách vì thấy hát hay mà mua kẹo, thậm chí còn "bo" thêm tiền, cũng có nhiều người mua vì cảm thấy thương, nhưng cũng không ít lần họ phải chịu những cái nhìn khó chịu của khách kiểu như bị làm phiền hoặc có khi bị "thượng đế" giật micro "giành" hát... Với nghề này, các "ca sĩ kẹo kéo" phải hát liên tục trong nhiều giờ liền nên chất giọng của họ phải thật tốt, khỏe. "Để làm nghề này cũng đâu phải dễ, nhiều quán xá từ chối không cho hát, cũng không ít lần bị công an "hỏi thăm" vì tội làm ồn ào, gây mất trật tự. Đối với con gái thì dễ bị khách nhậu chọc ghẹo, còn đàn ông thì dễ bị gây gổ vì hát to, hát dở, nài nỉ mọi người mua hàng. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, chán nản muốn bỏ, nhưng rồi lại cố gượng. Công việc hát rong không chỉ để kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày, mà còn là quá trình theo đuổi hai chữ đam mê", một người làm nghề hát rong bán các loại vật dụng cá nhân trên đường Ông Ích Đường (Q. Cẩm Lệ) trầm ngâm chia sẻ.

Nghề nào cũng vậy, cũng có những thăng trầm khác nhau, nhưng miễn sao họ dùng chính sức lao động của mình để kiếm ra tiền. Mỗi con người là một số phận, nhiều người bươn chải với đời, cố gắng quên đi cái hoàn cảnh khó khăn của mình để vươn lên bằng nhiều công việc khác nhau, như chính cái nghề dùng giọng hát để mưu sinh. Họ đi hát để kiếm sống nhưng ngoài điều ấy, những người hát rong này còn đam mê và rất yêu công việc của mình. Những mảnh đời như thế dần trở thành một phần quen thuộc trong "văn hóa nhậu" giữa đất Đà thành nhộn nhịp, xô bồ...

THANH HOA