Nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin tăng mạnh
Thị trường nhân lực nóng lên từng ngày
Ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ công nghệ tin học HPT (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chia sẻ, các xu hướng như chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và Internet vạn vật không chỉ mang lại cho nhân sự CNTT cơ hội việc làm đa dạng tại các doanh nghiệp công nghệ mà còn mở ra khả năng làm việc từ xa cho các công ty và dự án từ nước ngoài. Đứng trước nhu cầu cạnh tranh từ các doanh nghiệp, vấn đề tuyển dụng nhân lực CNTT chất lượng cao ngày càng được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương và các chế độ phúc lợi hấp dẫn, tuy nhiên vẫn không khỏi lo bài toán thiếu hụt nhân sự khi tuyển những ứng viên có chuyên môn cao. “Doanh nghiệp chúng tôi sau khi tái cơ cấu, phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường dự kiến tăng nguồn nhân lực thêm 30%. Để đáp ứng những mục tiêu đặt ra trong năm 2023, từ cuối năm 2022 đơn vị đã tuyển dụng thêm 20 vị trí, trong đó chủ yếu là các kỹ sư kỹ thuật phần mềm, lập trình viên”, ông Linh trao đổi.
Ông Nguyễn Thái Quang, Giám đốc Công ty CP giải pháp IOT Việt Nam (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho biết, những biến động của năm 2022 khiến doanh nghiệp chưa cởi mở trong việc mở rộng cấu trúc, quy mô, trong đó có việc mở rộng nguồn nhân lực. Năm 2023 chính là một cơ hội tốt để những doanh nghiệp công nghệ phát triển khi thành phố đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, liên kết với các quỹ đầu tư trong nước cũng như nước ngoài nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Với những điều kiện về vay, tiếp nhận vốn và sự cởi mở trong những chính sách đó nên doanh nghiệp của ông đã bắt đầu tuyển dụng thêm nguồn nhân lực từ thời điểm cuối năm.
Ông Trần Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng (IID) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, vị thế của chuyển đổi số đã được nâng cao trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đang có nhu cầu khôi phục, từ đó mở rộng hoạt động trong nửa cuối năm 2022, cũng như có một số doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư CNTTđể thúc đẩy quá trình số hóa doanh nghiệp nhanh hơn. Những điều kiện đó đã tạo nên sức “nóng và hấp dẫn” đối với thị trường nhân lực khi các doanh nghiệp đang đặt ra các kế hoạch ngắn, dài hạn nhằm ổn định và phát triển trong thời gian tới. Những kế hoạch này thường hướng tới nhiệm vụ mở rộng quy mô, định hướng doanh nghiệp theo hướng hiện đại nên sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những nhân tố quyết định là các kỹ sư, lập trình viên, nhân viên kỹ thuật mảng công nghệ.
Nhiều cơ hội cho nhân lực công nghệ thông tin
Không chỉ những doanh nghiệp thuộc khối tư nhân và nước ngoài cần tuyển thêm nguồn nhân lực CNTT để tái cấu trúc, hiện nay, nhiều tập đoàn lớn cũng đang gấp rút tuyển dụng nhằm bổ sung nguồn nhân lực đang trống. Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty dịch vụ MobiFone khu vực 3 (chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) cho hay, trong quý IV-2022, đơn vị ông đã mở đợt tuyển dụng lớn, chủ yếu là các vị trí kỹ thuật, phần mềm như lập trình viên, chuyên viên kiểm thử phần mềm, chuyên viên phân tích nghiệp vụ... để xây dựng những kế hoạch lâu dài sắp tới. “Những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ như MobiFone luôn có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vì chúng tôi biết, nếu không giữ chân được nhân lực thì doanh nghiệp CNTT sẽ thua trong cuộc đua toàn cầu hóa. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo ra nhiều cơ hội về chế độ đãi ngộ, lộ trình phát triển tương lai nhằm thu hút những ứng viên chất lượng. Khát vọng của doanh nghiệp nhằm tạo ra được những sản phẩm của Việt Nam và do người Việt tạo ra, góp phần tạo nên thành công cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp nói riêng và nước ta nói chung”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ngành công nghệ chính là yếu tố quan trọng, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố. Mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin là ở trí tuệ chứ không phải phần cứng, nên trong lĩnh vực này, nhân lực là “chìa khóa” quyết định thành công của doanh nghiệp. Điểm hạn chế của nguồn nhân lực công nghệ đang gặp phải là lao động đang thiếu sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, khoảng 2-3 năm nên doanh nghiệp gặp khó khi muốn tăng quy mô, mở rộng công ty. Đây là bài toán nan giải cho doanh nghiệp công nghệ thông tin. Chưa kể, Đà Nẵng không phải là nơi hấp dẫn để thu hút lao động CNTT so sánh với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh nên các doanh nghiệp công nghệ đang cố gắng tạo ra nhiều sự hấp dẫn để thu hút người lao động.
MỸ HẠNH