Như dòng sông chảy mãi...
(Cadn.com.vn) - Tấm gương ngời sáng của những nữ du kích Nam Phú đã lay động, lan tỏa khí thế chiến đấu đến lớp lớp thanh niên Vĩnh Linh trong những năm trường kỳ giải phóng dân tộc. Và cho đến hôm nay, câu chuyện về tập thể 10 nữ du kích Nam Phú được Bác Hồ tặng Huy hiệu vẫn là nguồn tự hào bất tận của người dân nơi đây.
Hình ảnh bà Hiệt những năm tham gia du kích. |
Ngày 20-7-1954, theo Hiệp định Genève, nước ta tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17, chạy dọc theo sông Bến Hải làm đường ranh giới quân sự. Từ một phần của tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh trở thành Đặc khu trực thuộc Trung ương, là "tuyến đầu", "tiền đồn" của miền Bắc XHCN. Trong sứ mệnh ấy, xã Vĩnh Nam được chọn là hậu cứ cơ bản, là nơi đặt Sở chỉ huy của Khu ủy và Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh, Ban chỉ huy Khu đội, Ty Công an, Ban chỉ huy Trung đoàn 270 để lãnh đạo nhân dân Vĩnh Linh trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, người dân Vĩnh Nam luôn sát cánh cùng với các lực lượng bám trụ chiến đấu, làm nên những chiến công lẫy lừng. Trong đó, có đội nữ du kích thôn Nam Phú kiên cường, băng qua từng trận địa, chiến hào dưới làn mưa bom bão đạn, sáng ngời khí phách anh hùng.
Nghe chúng tôi bày tỏ về tìm hiểu những ngày tháng ác liệt ấy, bà Nguyễn Thị Hiệt (75 tuổi) càng xúc động, bởi mỗi sự gợi nhắc đều đưa bà trở lại thời vào sinh ra tử cùng những cô gái Nam Phú thuở ấy gồm Nguyễn Thị Xu, Nguyễn Thị Vòng, Nguyễn Thị Hòe, Lê Thị Hớn, Nguyễn Thị Lanh, Lê Thị Thẻo, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thỉ và Đoàn Thị Đỉu chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. "Đa phần tuổi 19, đôi mươi, trẻ trung, gan dạ", bà Hiệt tự hào. Trong các năm 1964, 1965... rồi tiếp sau đó, Mỹ điên cuồng bắn phá Vĩnh Linh, nữ du kích Vĩnh Nam không chỉ chắc tay súng, xông pha tải thương, tải đạn mà còn tham gia sản xuất giỏi, đảm bảo lúa gạo, lương thực chi viện cho chiến trường. "Có hôm địch bắn phá ngày đêm, bom đạn xé trời. Cũng nhờ có hầm, địa đạo mà sống sót", bà Hiệt nhớ lại. Vĩnh Nam có hệ thống hầm, địa đạo nhiều nhất trên cả địa bàn Vĩnh Linh. Với tinh thần "hầm là nhà" để bảo toàn lực lượng, đến cuối năm 1965, Vĩnh Nam có 3.700 hầm chữ A. Nhân dân cũng đã bỏ ra hàng vạn ngày công để làm giao thông, hầm hào, công sự ẩn nấp và giúp đỡ bộ đội làm công sự chiến đấu. Trên mọi mặt trận ấy, những nữ du kích Nam Phú đều tích cực, hăng hái.
Bà Hiệt xúc động nhớ về ngày tháng chiến đấu trên lũy thép anh hùng. |
Năm 1966, bà Hiệt cùng 9 nữ du kích trên đã vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Sự kiện này không chỉ làm làm nức lòng người dân Vĩnh Nam mà cả lũy thép Vĩnh Linh, trở thành động lực lớn lao. Bỗng bà Hiệt chùng giọng xuống, thẳm sâu nỗi nhớ về người đồng đội Nguyễn Thị Thỉ. "Nhằm kịp thời động viên bộ đội, o Thỉ cùng một số người được giao nhiệm vụ mang quà kỷ niệm ngày thành lập QĐNĐ Việt Nam ra tận trận địa cho anh em thì bị trúng rốc - két và hy sinh. Ngót ngét rứa mà 50 năm rồi", bà Hiệt rưng rưng. Người hy sinh vẫn tiếp lửa cho người ở lại, chiến đấu kiên cường hơn. Bà Hiệt sau đó trở thành lãnh đạo xã, cống hiến cùng với quân và dân Vĩnh Nam tiếp tục làm nên những chiến công vẻ vang. Trong bất tận câu chuyện của bà, chúng tôi bất ngờ biết được bà Hiệt chính là người đã mở đầu phong trào viết đơn tình nguyện cho chồng vào Nam chiến đấu. Thời điểm 1972, khi cuộc chiến tại Quảng Trị ở chặng khốc liệt nhất, lớp lớp từ miền Bắc vào Nam chiến đấu với bừng bừng khí thế. Chồng bà Hiệt, là CA vũ trang cũng đã lên đường đi B với sự ủng hộ tích cực từ người vợ dũng cảm. Sau ngày miền Nam được giải phóng, vẫn bặt tin chồng, bà đã nghĩ đến điều xấu nhất là ông đã hy sinh, phải lặn lội ngược xuôi tìm kiếm thông tin. Với sự trợ giúp của Bộ Nội vụ (lúc bấy giờ), bà biết được ông đang công tác tại 1 tỉnh ở miền Đông Nam Bộ. "Mừng nhất là ông ấy vẫn bình an", bà chia sẻ thật lòng. Bà kể lần gặp trước khi chồng đi B, bà mang thai đứa thứ 2. Bà sinh con nhưng không báo tin được cho ông biết. Rồi đến khi ông về năm 1976, bà mang thai lần 3. Tuy nhiên, cuộc đời éo le, sau bao chờ đợi, khát khao, hôn nhân của bà đứt đoạn với nhiều nỗi niềm khó giãi bày. Một mình nuôi con, trải qua bao cơ cực, bà lại nghĩ đến người đồng đội đã ngã xuống, quyết tâm sống và làm việc tốt hơn. Rồi bà lên nhận công tác tại cơ quan của huyện, một đời tận tụy, cống hiến. Tấm gương người phụ nữ nhân hậu, đảm đang ấy khiến mọi người đều nể phục, học tập.
Chia sẻ về hoàn cảnh đội nữ du kích Nam Phú năm nào, bà Hiệt cũng giục chúng tôi về thăm bà Xu. "Mệ Xu đã chịu nhiều mất mát, chừ sống neo đơn, ốm đau nhiều", bà Hiệt cho biết. Tiễn chồng ra mặt trận khi hai người chưa có mụn con nào, bà Xu lại nhận được tin dữ chồng hy sinh. Tháng năm đằng đẵng, tuổi già của bà đã được sưởi ấm bởi tấm lòng của những người con quê hương Vĩnh Nam, trong đó có chị Đoàn Thị Nhung, hiện là Phó trạm y tế xã Vĩnh Nam nhận đỡ đầu, chăm sóc bà. Bao năm qua, chị Nhung thương yêu bà Xu như mẹ, không quản sớm trưa, đêm tối lo lắng cho bà. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Nam Phùng Thị Thủy cho biết gia đình chị Nhung có hoàn cảnh cũng rất khó khăn, chồng và mẹ già đều ốm đau, trọng bệnh nhưng chị Nhung đã nỗ lực hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và làm công tác thiện nguyện cảm động như trên. Khi được hỏi, chị Nhung bày tỏ về sự ngưỡng mộ, khâm phục về những người con quê hương như liệt sĩ Thỉ, bà Xu, bà Hiệt... đã đóng góp không nhỏ cho hòa bình hôm nay. Những anh hùng đó vẫn từng ngày tỏa sáng trong tâm khảm chị, là động lực để chị sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn...
Bảo Hà