Nhức nhối câu chuyện tảo hôn trong học sinh miền núi

Thứ sáu, 19/01/2018 08:24

“Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, nhà trường phải lắp thêm camera, phân công canh gác khu nội trú của học sinh để đảm bảo các em sinh hoạt đúng nội quy cũng như ngăn chặn người ngoài vào. Lo nhất là sau mỗi kỳ nghỉ về nhà hoặc tiếp xúc với người làm công trình, dự án. Có em phải nghỉ học để cưới, có em phải vừa mang bầu vừa đi học. Công việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến, nhưng còn rất khó khăn”, một cán bộ trường Phổ thông Dân tộc nội trú H. Nam Trà My, Quảng Nam tâm sự. 

Một tiết học giáo dục giới tính tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My.

Mang bầu lên lớp

Thầy Hồ Văn Việt - Bí thư Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú H. Nam Trà My tâm sự, điều kiện sinh hoạt, dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa không đi học cũng là một điểm “bất lợi” nếu các em học sinh không được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính, hôn nhân. Đó cũng là mối lo lắng thường trực của các trường phổ thông khu vực miền núi nói chung bên cạnh tình trạng học sinh bỏ học. “Năm học trước có 16 em học sinh bỏ học, trường hợp tảo hôn cũng gần tương đương. Năm nay cũng vừa phát hiện một em mang bầu, nhà trường cũng để các em tự rút hồ sơ chứ không cho bảo lưu được”, thầy Việt cho hay.

Theo giáo viên của nhà trường, em học sinh từ các xã về học nội trú có chế độ sinh hoạt tốt hơn, ăn uống đầy đủ chất hơn nên thể chất cũng phát triển vượt trội hơn so với các bạn cùng trang lứa ở nhà đi làm. Khi đi học thì tạm yên tâm nhưng sau mỗi kỳ nghỉ cuối tuần, nghỉ hè, nghỉ Tết là nhà trường lại lo thon thót. Phát triển tâm sinh lý ở tuổi trưởng thành như các em là điều rất bình thường, nhưng khi về nhà gặp bạn bè, thậm chí cả thanh niên đi làm các công trình miền núi thì phát sinh tình cảm. Mình không theo dõi, giám sát được nên nhiều em sau kỳ nghỉ là nghỉ luôn để lập gia đình vì trót mang bầu.

Theo thầy Nguyễn Xuân Ảnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú H. Nam Trà My, năm học 2012-2013 lần đầu có một học sinh phải bỏ học giữa chừng do mang thai và phải kết hôn khi đang học lớp 9. Liên tiếp những năm sau đó xuất hiện ngày một nhiều các trường hợp nữ sinh mang thai khi còn đi học và phải nghỉ học để lập gia đình khi còn chưa đủ tuổi. “Có nhiều trường hợp rất nguy hiểm như giấu không để ai biết cho đến lúc chuyển dạ sinh, vừa đi học vừa làm mẹ, sinh non, trẻ sơ sinh chết, thai phụ tự tử. Riêng năm học 2016-2017, đến thời điểm này đã phát hiện 9 trường hợp học sinh mang thai”, thầy Ảnh cho biết.

Ngoài việc nhiều học sinh phải bỏ học vì phải làm cha, làm mẹ ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, hai ngôi trường cấp 3 ở thị trấn Tắk Pỏ còn chứng kiến một số trường hợp hai “vợ chồng” học chung một lớp hoặc thậm chí “chồng” học lớp 10, “vợ” học lớp 11. Thầy Nguyễn Đoàn – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My cho biết, năm học vừa qua trường cũng hết sức khó xử khi phát hiện một nữ sinh lớp 11 mang bầu. Hỏi ra mới biết bố của đứa bé là một nam sinh học lớp 10 cùng trường. “Phải vận động giáo viên kèm cặp, đoàn thanh niên hỗ trợ để em vừa mang bầu vừa đi học. Cũng may mắn là thi xong rồi em mới sinh chứ không thì cũng chẳng biết làm sao để vừa làm một lúc cả hai việc. Nhà trường tuyên truyền, giáo dục bằng mọi cách, nhưng lâu lâu cũng xảy ra trường hợp đáng tiếc”, thầy Đoàn nói.

Hệ lụy từ hủ tục 

Theo lý giải của đại diện Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và trường THPT Nam Trà My, vấn nạn học sinh tảo hôn là hệ lụy nặng nề từ tâm lý, tập tục lạc hậu từ bao đời của đồng bào miền núi Nam Trà My. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội đã như một cơn gió độc trong khi những đứa trẻ từ các xã về thị trấn học tập chưa đủ “sức đề kháng”. Chỉ cần mở điện thoại, máy tính là phim ảnh có tính chất đồi trụy, tin tức chưa được xác minh đã đập vào mắt của học sinh khiến các em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết cảm thấy sự tò mò, muốn sống thử.

Trong câu chuyện đau lòng này không thể không nói đến “lá chắn” từ gia đình và nhà trường. Một số gia đình, do bận việc làm ăn nên cha mẹ ít quan tâm giáo dục và quản lý con cái, thậm chí có gia đình chứng kiến con em mình ở chung với bạn khác giới mà không can ngăn vì sợ con tự tử. Nhà trường thiếu sự liên lạc thông tin với gia đình khi các em về nghỉ cuối tuần, nghỉ hè, nghỉ Tết. Có những thời điểm vào kỳ nghỉ, học sinh không có mặt ở trường nhưng cũng không về nhà, do địa hình cách trở nên thông tin liên lạc không được kịp thời. “Các trường hợp học sinh mang thai hoặc lập gia đình đang có xu hướng gia tăng so với các năm học trước. Các hoạt động ngoại khóa, hội thi, tư vấn được tổ chức nhiều nhưng hiệu quả chưa cao dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học do nạn tảo hôn tăng qua từng năm”, thầy Nguyễn Xuân Ảnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú H. Nam Trà My cho biết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Nam Trà My hiện là huyện có số vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao nhất tỉnh. Trong giai đoạn 2010-2015, toàn huyện có 277 trường hợp tảo hôn và 35 trường hợp hôn nhân cận huyết. Các xã Trà Vinh, Trà Cang, Trà Don và trường Phổ thông dân tộc nội trú là những “điểm nóng” về vấn nạn này. Chính quyền và ngành chức năng đang vào cuộc với nhiều biện pháp nhưng không thể một sớm một chiều để giảm thiểu, bài trừ được tình trạng này.

ĐÔNG A