Nhức nhối nạn mua bán bào thai ở vùng cao xứ Nghệ (Kỳ cuối: Kiên quyết xử lý tội phạm mua bán bào thai)
Những giọt nước mắt muộn màng lăn dài trên gò má của những người mẹ khi đã trót bán đi “giọt máu” của mình khiến ai chứng kiến cũng đau lòng. Hầu hết các đối tượng buôn bán bào thai đều nhắm đến những gia đình người dân tộc có nhận thức hiểu biết hạn chế, đặc biệt là những gia đình nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn nợ nần chồng chất. Khi “con mồi” đã lọt vào tầm nhìn thì các đối tượng liên tục tiếp cận, lựa chọn thời điểm kỹ lưỡng để đặt vấn đề bán bào thai.
Mẹ mất khi đang đi Trung Quốc bán bào thai, 4 chị em Lương Thị D. phải nương tựa vào nhau. |
Hệ lụy khôn lường
Chuyện những người phụ nữ bỗng dưng mất tích ở địa phương một thời gian đã không còn xa lạ với huyện biên giới Kỳ Sơn. Một phần do công việc nương rẫy nên có thời điểm họ phải rời nhà cả tháng trời. Thậm chí, có lúc họ phải đi làm ăn ở những địa phương khác mà không hề khai báo với chính quyền địa phương. Chính vì vậy, công tác quản lý người dân trên địa bàn còn nhiều bất cập.
Trong khi đó, những đối tượng mua bán người nói chung, mua bán bào thai nói riêng luôn tìm cách tiếp cận người dân, đặc biệt tìm hiểu về những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bằng những lời lẽ dụ dỗ ngon ngọt rằng người dân sẽ nhận được một khoản tiền lớn mà không cần lao động vất vả, khiến những người dân nghèo dễ dàng nghe theo.
Năm 2017, chị Lữ Thị Th. (trú xã Hữu Kiệm) mới có bầu được 4 tháng, nói với chồng là anh Mạc Văn X. qua Trung Quốc thăm người em gái đang sinh sống bên đó. Nửa năm sau, chị Th. mang theo khoản tiền 20 triệu đồng trở về và kể với chồng rằng mình đã trót bán đứa con khi mới sinh. Đến nay, khi nhắc lại chuyện cũ, hai vợ chồng buồn bã, hối hận. “Lúc đó cứ có tiền là gật đầu đồng ý chứ không biết được bán con là vi phạm pháp luật. Nếu biết như thế thì tôi đã không làm rồi”, chị Th. nói.
Cuối tháng 9-2018, 4 người phụ nữ mang thai ở H. Kỳ Sơn trên chiếc xe sang Trung Quốc để bán bào thai nhưng không may xảy ra tai nạn tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trong đó, chị Moong Thị L. (1991, trú bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, H. Kỳ Sơn) tử vong tại chỗ. Sự ra đi của chị L. đã khiến cho gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ về kinh tế, suy sụp về tinh thần. Hiện 4 đứa con của chị L., đứa lớn nhất 14 tuổi, bé nhất 3 tuổi đang vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Cháu đầu con gái của vợ chồng chị L. hiện mới 14 tuổi đã phải nghỉ học để chăm sóc các em thay mẹ, còn anh Lương Văn H. (chồng chị L.) đang quần quật làm việc trong nương rẫy.
“Mẹ bị tai nạn mất rồi, giờ cháu không đủ sức theo bạn đến trường nữa mà phải ở nhà để chăm các em. Ngày mẹ ở nhà, mấy chị em còn có con cá bắt được dưới suối về nấu ăn. Giờ mẹ mất, lâu lâu bố mới mua ít cá thôi. Mẹ mất hơn 2 tháng rồi mà em út của cháu cứ nghĩ mẹ đi rẫy với bố” –cháu Lương Thị D. bật khóc.
Trong chuyến xe định mệnh ấy, ngoài chị L. không may tử vong, 3 người còn lại đều bị thương. Riêng chị Moong Thị M. (bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm) đã may mắn sinh con và trở về nhà. Còn 2 người phụ nữ kia vẫn còn “bặt vô âm tín”.
Hai đối tượng Moong Thị Oanh và Moong Thị Lý |
Kiên quyết trong xử lý
Sau khi Bộ Công an ban hành Công điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các hành vi, vi phạm liên quan đến mua bán bào thai, CA tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát các đường dây, đối tượng mua bán người, mua bán bào thai, đặc biệt tại địa bàn các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông...
Sau khi nhận thông tin về vụ tai nạn xảy ra tại xã Dương Cao, H. Lâm Chương, Hà Bắc, Trung Quốc, khiến một nạn nhân thuộc địa bàn xã Chiêu Lưu tử vong, CAH Kỳ Sơn đã cử lực lượng xác minh thông tin từ phía gia đình bị hại. Đang trong quá trình điều tra thì cuối tháng 1-2019, CAH Kỳ Sơn tiếp nhận 3 đối tượng Xeo Thị Tiến (1982, trú bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu), Moong Thị Lý (1983, trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm) và Moong Thị Oanh (1987, trú bản Chà Lắn, xã Hữu Lập) từ Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An và tổ chức Rồng Xanh bàn giao và nạn nhân Moong Thị M. (1994, trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm) cùng đứa con 3 tháng tuổi của chị M.
Theo thông tin từ CAH Kỳ Sơn, vào khoảng tháng 9-2018, Moong Thị Oanh móc nối với Moong Thị Lý để tìm người đang mang thai để đưa sang Trung Quốc sinh con bán. Theo lời Oanh, nếu tìm được “con mồi”, Lý sẽ được hưởng một khoản hoa hồng hậu hĩnh. Với những lời dụ dỗ ngon ngọt, chị Moong Thị M. đã đồng ý sang Trung Quốc khi đang mang thai tháng thứ 8. Sau khi hướng dẫn chị M. bắt xe ra Móng Cái, Lý đưa chị M. vượt biên sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và được Moong Thị Oanh đón về nhà chồng Oanh ở tỉnh Hà Bắc. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Xeo Thị Tiến đã đưa Moong Thị L. (1990, đang mang thai tháng thứ 8, trú tại xã Chiêu Lưu, H. Kỳ Sơn) sang Trung Quốc giao cho Oanh. Tuy nhiên, trong lúc vợ chồng Moong Thị Oanh dẫn theo nhóm phụ nữ đang mang thai từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 8 cùng quê Kỳ Sơn đi trên ô-tô do chồng Oanh cầm lái thì xảy ra tai nạn tại khu vực xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Hiện Moong Thị Oanh và Moong Thị Lý bị khởi tố về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Nạn mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai ở Nghệ An xảy ra khá rầm rộ. Chính vì vậy, ngoài công tác rà soát, kiên quyết xử lý tội phạm này, chính quyền các cấp cần có sự đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người nói chung và mua bán bào thai nói riêng cho người dân để góp phần giảm thiểu tình trạng này.
DƯƠNG HÓA