Nhức nhối vấn nạn tự tử trong đồng bào miền núi

Thứ hai, 28/08/2017 11:20

Chỉ một chút giận hờn, mâu thuẫn giữa vợ chồng, anh em, bạn bè tức nhau qua vài câu nói…nhiều người lại tìm đến cái chết như cách giải quyết cuối cùng. Đó là vấn nạn đã và đang xảy ra tại các làng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai, để lại nhiều hệ lụy đến gia đình và tác động tiêu cực đến xã hội.

Chị Eo đau buồn khi kể chuyện về đứa con trai đã mất.

Tự tử vì cái gương xe... 45.000 đồng

Hơn 2 tháng sau cái chết đau lòng của Đinh Triêu, người con trai lớn trong gia đình, vợ chồng anh Đinh Bây (làng Tờ Nùng 2, xã Ya Ma, H. Kông Chro, Gia Lai) vẫn chưa hết đau buồn. Vợ chồng gần như ở hẳn trên nhà đầm (nhà tạm trên rẫy) bởi không chịu nổi cảnh u buồn khi trở về nhà. Hôm ấy, chúng tôi lên tận nhà đầm nằm heo hút nơi bìa rừng, gặp lúc vợ chồng anh Đinh Bây đang lầm lũi chuẩn bị bữa cơm tối. Trông họ gầy sọm và già đi nhiều sau mất mát lớn của gia đình. Đinh Bây bảo, suốt hơn 3 tháng nay, vợ anh tối nào cũng ngồi lặng bên bếp lửa đến tận khuya. Thương vợ nhưng anh cũng không biết nói gì để nguôi ngoai nỗi đau buồn.  Nói chuyện với chúng tôi, vợ chồng Đinh Bây cứ khắc khoải không hiểu vì sao con trai của mình lại suy nghĩ dại dột như vậy. Mới 14 tuổi nhưng Đinh Triêu đã biết làm việc nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Hôm ấy như thường lệ, sau buổi chiều đi làm rẫy, Triêu cùng bố mẹ trở về nhà ở làng Tờ Nùng 2. Một lát sau, nghe chuyện Triêu làm hỏng chiếc gương xe máy của người bà con, chị Eo mắng vài câu. Thế nhưng, chuyện không ai ngờ tới lại xảy ra... Bị mẹ mắng, Triêu lang thang cùng đám thanh niên trong làng uống rượu, chập choạng tối mới về nhà rồi lẳng lặng đi về phía cuối làng, trong túi em là chai thuốc diệt cỏ... Lát sau, tiếng bước chân rần rật trước nhà Đinh Bây, ai đó la lên thất thanh: "Thằng Đinh Triêu chết ngoài rừng rồi!". Người làng túa ra rừng, chạy về hướng có tiếng kêu. Vợ chồng anh Đinh Bây như chết lặng, bủn rủn đứng dựa vào bên gốc cây khi thấy Đinh Triêu tay chân mềm nhũn, miệng sùi bọt mép. Mùi thuốc cỏ cháy vẫn nồng nặc trên đôi môi trẻ thơ. Đám trai làng lầm lũi đưa xác Đinh Triêu về làng. Cậu bé mới 14 tuổi đã chọn cách về thế giới A tâu (thế giới người chết) một cách tiêu cực chỉ vì một câu mắng... Cái chết bất ngờ của em khiến gia đình nghèo này càng thêm suy kiệt, toàn bộ tích cóp vẫn không đủ lo hậu sự cho em...

 Chuyện tự tử vì những lý do đơn giản như vậy không còn lạ ở xã Ya Ma. Ông Đinh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Ya Ma cho biết: "Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có 19 người tự tử. Việc tìm đến cái chết thì muôn vàn lí do nhưng đáng buồn là chỉ vì những lí do nhỏ nhặt như: anh em tức nhau câu nói, vợ chồng giận nhau, con đòi mua xe máy, điện thoại nhưng bố mẹ không cho...

Tuyên chiến với vấn nạn

Nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai, H. Kông Chro là huyện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và một trong những địa phương có tỷ lệ người tự tử cao nhất tỉnh. Mỗi năm, có cả trăm người tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ. Theo thống kê, từ 2014 - 2016, toàn huyện đã có 380 trường hợp tự tử, riêng từ đầu năm 2017 đến nay có 69 trường hợp tìm đến cái chết. Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ người tự tử là người bản địa chiếm gần 90% và độ tuổi từ 16 - 60 chiếm gần 90%. Trong đó đa phần các trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Bác sĩ Phan Văn Chơi, Giám đốc Trung tâm y tế H. Kông Chro cho biết: "Hầu hết những trường hợp tự tử bằng cách uống thuốc cỏ cháy đều không qua khỏi vì loại thuốc này có lượng độc chất rất lớn. Thuốc khi uống vào phá hoại lục phủ ngũ tạng của người bệnh không còn cách nào cứu chữa". Ông Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng Ban dân vận Huyện ủy Kông Chro đánh giá: "Có thể nói, nạn tự tử  bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế của đồng bào DTTS còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu,  nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của người đồng bào còn hạn chế, bản lĩnh của các nạn nhân trước thử thách cuộc sống chưa vững vàng,  dẫn đến dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bộc phát". Không chỉ để lại nhiều hệ lụy cho gia đình mà vấn nạn tự tử còn tác động tiêu cực đến cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ, những người già không nơi nương tựa... "Nguy hại hơn là nạn tự tử đã đe dọa tính gắn kết cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội và là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... gây mất ổn định chính trị và làm ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội", ông Đại cho biết thêm.

Nhằm giúp người dân nhận thức rõ về những hệ lụy mà vấn nạn tự tử để lại, từ tháng 4-2014 đến nay, hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở của H. Kông Chro đã tích cực tuyên chiến với nạn tự tử trong cộng đồng bản địa. Công tác vận động, tuyên truyền đã được tổ chức tại các "điểm nóng" thường xuyên xảy ra nạn tự tử với 112 điểm làng của 14 xã, thị trấn. Đồng thời, cùng với các đề án, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ cho người dân đồng bào DTTS, hộ nghèo đã được H. Kông Chro triển khai kịp thời, nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong cộng đồng bản địa, biết yêu quý cuộc sống hơn. "Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều khó khăn khi các trường hợp tự tử đau lòng vẫn xảy ra. Chính vì vậy, đây là "cuộc chiến" thường xuyên, liên tục và lâu dài", ông Đại cho biết.

MINH TÂN