Những bài học kỹ năng đáng yêu
1. Kể từ khi chuyển con về học tại Trường mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), bạn tôi thường đưa cho xem những hình ảnh về hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống của nhà trường dành cho trẻ với vẻ rất háo hức. Nhất là hoạt động ngoại khóa tổ chức cho trẻ đi siêu thị, đi chợ nhằm dạy trẻ tập quan sát, tìm hiểu môi trường sống xung quanh, nhận biết các loại thức ăn, hình thành những kỹ năng cơ bản trong giao tiếp như chào thưa… Nhìn những cô bé, cậu bé đứng trước các gian hàng la-gim ở chợ gần trường học, tự tay chọn mua bó rau muống, trái dưa chuột, củ cà rốt, quả cà chua, rồi lễ phép đưa tiền cho người lớn bằng hai tay mà thấy vui vui... Bạn tôi cho biết, những thức ăn mà các cháu mua về đều được đóng gói, ghi rõ họ tên, cuối giờ học thì mang về nhà. Bởi đây là số tiền các cháu "xin" bố mẹ đi chợ, mỗi cháu không được quá 10.000 đồng.
Bé đi chợ trong một buổi học ngoại khóa, dạy kỹ năng sống cho các cháu mẫu giáo của Trường mầm non Bình Minh. Ảnh: B.M |
Trao đổi với bà Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh, được biết hoạt động ngoại khóa này được nhà trường thực hiện 3-4 năm nay. Đây là chương trình dạy học lấy trẻ làm trung tâm, dạy cho trẻ các kỹ năng sống. Đi chợ hay đi siêu thị là một trong những hoạt động ngoại khóa đó. Tùy theo độ tuổi, các cháu sẽ được nhà trường tổ chức cho đi chợ hay đi siêu thị. Đối với các cháu 2-3 tuổi thì được tổ chức đi siêu thị; các cháu 4-5 tuổi thì đi chợ ở gần trường. Mỗi lớp tự đăng ký thời gian để nhà trường phân bổ lịch, luân phiên lớp này rồi đến lớp khác đi. Ngoài các giáo viên phụ trách lớp, đối với các cháu ở độ 2-3 tuổi thì nhà trường bố trí thêm một lãnh đạo trong ban giám hiệu cùng nhân viên y tế và bảo vệ đi theo; đối với các cháu 4-5 tuổi thì ngoài các cô giáo phụ trách lớp có thêm nhân viên y tế.
"Qua tương tác, nhiều phụ huynh cho biết, những thực phẩm do cháu tự tay chọn mua, khi cha mẹ nấu đều phấn khởi, hồ hởi ăn. Có cháu trước đây không chịu ăn rau, nhưng sau khi được tập đi chợ về, mẹ nấu lại ăn rất hào hứng", bà Thư Trâm phấn khởi chia sẻ. Cũng theo bà Trâm, việc tổ chức cho các cháu đi chợ hay đi siêu thị tuy vất vả cho nhà trường, nhất là giáo viên phụ trách các lớp, nhưng bù lại mang nhiều ý nghĩa bổ ích khi dạy được cho trẻ nhiều kỹ năng, giúp trẻ tự tin, dạn dĩ trong giao tiếp, ngôn ngữ nhờ thế mà cũng phong phú hơn. Ngoài ra, giúp cho các cháu biết thêm nhiều loại thực phẩm, hình thành cho các cháu kỹ năng sinh hoạt tập thể như đi đúng hàng lối, đi trên vỉa hè, nghe lời sự hướng dẫn của người lớn…
2. Không hiểu sao, chứng kiến những hình ảnh của các cháu ở Trường mầm non Bình Minh tập đi chợ, tôi chợt nhớ đến bài tập đọc lúc còn học tiểu học. Bài tập đọc đó kể về bé gái tên Mai tầm 6-7 tuổi luôn khát khao được trở thành người lớn. Để làm người lớn, bé lấy guốc mẹ mang, lấy ống lô của mẹ để uốn tóc, lấy đồ trang điểm của mẹ để làm đẹp... Vậy nhưng, sau khi tập làm thử tất cả những điều này, bé vô cùng thất vọng khi thấy người lớn phì cười, chẳng ai khen bé là người lớn cả. Chỉ đến khi bé cầm chổi quét nhà thì từ ông bà, đến cha mẹ ai cũng xoa đầu khen bé lớn thật rồi vì biết chia sẻ, làm việc nhà giúp bố mẹ. Đến lúc đó, cô bé mới hiểu được ý nghĩa này. Bé chợt thấy vui và hạnh phúc vì đã giúp đỡ được mọi người trong gia đình, hiểu được ý nghĩa của câu "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình"!
3. Không ít bố mẹ trẻ hôm nay vô cùng sung sướng khi "tung" hình ảnh con mình đang vào bếp phụ giúp cha mẹ rửa chén với lời bình rất tự hào: "Hai nhóc đã biết sẻ chia việc nhà cùng bố mẹ!". Thiết nghĩ, cái gì cũng phải có sự khởi đầu. Sự khởi đầu nào cũng vụng về, đôi chút khó khăn, nhưng nếu cha mẹ kiên trì trong việc cùng với nhà trường dạy cho con trẻ các kỹ năng sống khi chúng còn rất bé, thì chắc chắn sẽ gặt hái những quả ngọt trong tương lai. Đừng quên, ông cha ta từng có câu "dạy con từ thuở lên ba".
4. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giáo dục dạy người, rèn trẻ khi còn nhỏ. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã chưa thật sự chú trọng toàn diện đến công tác dạy người. Theo Phó Thủ tướng, cần chú ý đến vấn đề này ở tất cả các cấp bậc học, trong đó đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Cũng theo Phó Thủ tướng, công tác giáo dục dạy người phải được thực hiện mạnh mẽ và thực chất, thiết thực hơn, đừng mang tính triết lý.
Phải dạy cho trẻ trở thành những con người nhân văn, dạy những điều hết sức thiết thực như rèn cho HS biết trực nhật, dọn trong lớp, dọn sân trường để các em biết yêu lao động, biết trân trọng những người lao động. Phải giáo dục cho trẻ những điều cần thiết như yêu cha mẹ, người thân, hàng xóm, sống có tấm lòng, yêu nước thương nòi... Công tác này phải rèn dạy từ bé. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kêu gọi các phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con bậc tiểu học nên tăng cường tham gia cùng với GV, nhà trường trong chăm sóc, giáo dục con cái.
KHÁNH YÊN