Những bài học về lòng yêu nước…

Thứ sáu, 03/08/2018 09:42

Giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những chuyên đề công tác trọng tâm của Hội Cựu chiến binh (CCB) H. Hòa Vang (Đà Nẵng) nhiều năm qua. Ngoài việc, hằng tháng vào các đêm 14 và cuối tháng âm lịch thực hiện nghi lễ "Thắp nến tri ân" tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã, các cấp Hội cơ sở còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Ban LĐ-TB&XH xã tổ chức lễ "Dâng hương và học tập, nêu gương các anh hùng liệt sĩ" theo định kỳ 3 tháng/1 lần… "Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất để thế hệ trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh xương máu đổi lấy độc lập, tự do cho đất nước; sẵn sàng tiếp bước cha ông kế tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau" - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Hữu Tính cho biết.

Lễ Dâng hương tại NTLS xã Hòa Phong.

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Tiến Trần Đình Thuyên, NTLS Hòa Tiến hiện có hơn 1.100 phần mộ. Để có thông tin về liệt sĩ (LS), ngoài việc tìm kiếm tài liệu ở cơ quan chức năng, bộ phận tổ chức còn phải về tận gia đình các LS để xin tư liệu hoặc nhờ thân nhân kể lại. Từ đó, đối chiếu và biên tập lại thành một câu chuyện chân thật về cuộc đời và chiến công của các LS. Thông qua các câu chuyện, người dân địa phương biết thêm về những chiến công anh dũng mà các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh như: LS Nguyễn Bá Tùng (thôn Dương Sơn), Nguyễn Đình Tranh (thôn La Bông), Nguyễn Phú Hường, Nguyễn Văn Mai (Yến Nê)… trong kháng chiến chống Mỹ hay trận đánh tiêu diệt đồn Lệ Sơn (kháng chiến chống Pháp) vào năm 1952 của bộ đội chủ lực có sự hỗ trợ của du kích địa phương. Cũng có những câu chuyện mà nhân vật chính là các CCB, họ kể về mình, về các trận chiến mà họ từng trải qua…

Tương tự, tại xã Hòa Phong, phần kể về các chiến công tiêu biểu liên quan đến các LS Lâm Quang Tiếu, Đặng Ngọ, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Thị Xuyến, Lê Đình Thanh… cũng được thực hiện hết sức chu đáo, công phu. Trước mỗi lần tổ chức, Hội CCB xã chọn lựa, phân công hội viên cùng những nhân chứng lịch sử chuẩn bị nội dung thật tỉ mỉ với tinh thần "chọn mặt gửi vàng". Mỗi câu chuyện kể, mỗi chiến công đem lại cho người tham dự niềm tự hào về truyền thống đấu tranh quật cường của quê hương, đất nước. Bí thư Đoàn xã Hòa Phong Đặng Công Quang chân tình bộc bạch: "Qua những câu chuyện mà các bác, các chú CCB sưu tầm kể lại, chúng tôi càng tự hào thêm về những trang sử hào hùng của quê hương mình. Cho nên, việc phối hợp tổ chức các hoạt động chỉ là một trong những phần việc nhỏ mà thế hệ trẻ có thể làm để tri ân công lao với thế hệ cha ông đi trước. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng tuyên truyền, đưa vào các tiêu chí thi đua công tác Đoàn hàng năm để thu hút nhiều thanh niên tham gia hơn nữa, xây dựng chương trình hoạt động "Dâng hương và học tập, nêu gương các anh hùng liệt sĩ" tại địa phương ngày càng thiết thực". 

Có thể nói, với những người lính được trở về từ chiến trường lửa đạn năm xưa là một đặc ân của số mệnh. Và đặc ân ấy đã nung nấu tâm can, ngày ngày thúc giục các CCB không ngừng phấn đấu, nỗ lực không chỉ cho bản thân, gia đình, xã hội mà còn cho những đồng chí, đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại để đất nước được đơm hoa, kết trái. Lễ "Dâng hương và học tập, nêu gương các anh hùng liệt sĩ" là một hoạt động nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; đồng thời bày tỏ lòng tri ân và biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, qua đó vun đắp lòng yêu nước, niềm tự hào về quê hương xứ sở.

VY HẬU