Những câu thơ rất thật! (*)

Thứ tư, 03/02/2016 11:23

(Cadn.com.vn) - Sáng nay, trong một quán cà-phê nhỏ trên đường Lê Lợi, tôi được đọc bản thảo tập thơ Bờ lau bạc tóc của Trương Công Mùi, một người bạn thân thiết, cùng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vu Gia. Trương Công Mùi làm thơ như để lưu dấu kỷ niệm và những cảm xúc của mình về một thời tuổi trẻ trên đất bạn Campuchia, về mẹ, về quê hương, về tình yêu... Mỗi bài thơ của anh là một bài tự sự, giãi bày, rất thật, như là hạt gạo vừa tách khỏi lớp vỏ trấu, còn nguyên áo lụa, chưa bị mài mòn để trở thành hạt gạo trắng tinh song lại mất đi biết bao nguồn dinh dưỡng quý báu.

Bờ lau bạc tóc gồm hai phần. Phần 1: Khúc hát lên đường, gồm 11 bài thơ, là những tự sự, cảm xúc trên đất bạn  Campuchia, về tình yêu đất nước và về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu. Phần 2: Đoản khúc xuân, gồm 16 bài, là một tích hợp những tình cảm đời thường nhưng rất vĩnh cửu của con người, đó là những bài thơ viết về mẹ, quê hương, bãi dâu, chiếc nón lá, hoa quỳnh và em... Song, dù ở đề tài chiến tranh hay hòa bình, dù phải úp mặt xuống đất, đối diện với cơn khát dày vò trong mùa khô hay cắn răng trong cái lạnh thấu xương giữa mùa mưa nơi nước bạn, dù đêm một mình đứng gác hay lúc khóc vĩnh biệt đồng đội... ta vẫn thấy hiện lên trong thơ của Trương Công Mùi tình yêu nước nồng nàn, niềm tin, đức hy sinh và những nghĩa cử cao đẹp. Anh có bài thơ tuổi trẻ và Tổ quốc với nhan đề "Tổ quốc gọi tên mình", viết từ tháng 6-1979, nghĩa là trước bài thơ và bản nhạc cùng tên "Tổ quốc gọi tên mình" đang phổ biến hiện nay gần 30 năm:

Lời Tổ quốc vọng ra khắp nước

Rầm rập quân đi hò reo phía trước

Ta bên ta. Tổ quốc gọi tên mình

Đứng trên nước bạn vừa thoát khỏi họa diệt chủng, Trương Công Mùi cũng như bao đồng đội của mình mơ ước cho đất nước Ăng-co yêu thương phải giàu phải đẹp, cho điệu lăm-vông quyện tròn điệu múa, để Campuchia mãi mãi là đất nước bình yên. Thương đồng đội hy sinh, với lời lẽ thật chân tình và sử dụng phương ngữ Quảng Nam, Trương Công Mùi đã viết bài thơ Khóc đồng đội, rất cảm động.

 

Trong Phần 2: Đoản khúc xuân, lời thơ của Trương Công Mùi phần nhiều là lắng dịu, êm đềm. Một không gian thanh bình của quê hương được trải rộng, ở đó có bóng dáng mẹ hiền, có trời quê, có chiếc nón lá, có bãi dâu, hoa muống biển, hoa quỳnh và em. Tất nhiên trong hòa bình không phải bao giờ cũng an bình, vẫn có "hắn và tôi", hai đứa bạn thời trẻ nhỏ, giờ đã khác xưa, vẫn có những con người đánh rơi niềm tin để "Ông lái đò" từng ngày, từng ngày vớt lên khâu vá lại, nhưng vượt lên trên hết của những ngày hôm nay là một khúc xuân:

Ta như nghe

tình xuân thầm thì trong nách lá

Gió leo pheo ru nhẹ tóc em bay...

                     (Đoản khúc xuân)

Trương Công Mùi chuẩn bị cho tuổi 60 của mình bằng tập thơ Bờ lau bạc tóc. Không rõ mùa này những bờ lau ven sông Vu Gia đã chín hay chưa, nhưng tôi tin rằng, dù tóc đã bạc, Trương Công Mùi vẫn còn trẻ trung lắm, vì vậy, anh cứ yên tâm mà làm thơ, mặc kệ bờ lau trắng muốt...

Bùi Xuân

(*) Đọc "Bờ lau bạc tóc" của Trương Công Mùi