Những con dốc chùng khói sương
Bây giờ đã là những ngày cuối năm, Đà Lạt đang lạnh, cái lạnh không thấm sâu vào da thịt như ở Hà Nội, mà là cái lạnh để người tìm đến lựa mua cho mình một chiếc áo khoác đẹp, mặc vào, cùng người mình yêu dấu nắm tay nhau đi qua những con phố chùng khói sương.
Đến Đà Lạt, dẫu bao năm trước hay bây giờ đã 130 năm, vẫn là con dốc Hòa Bình xoải xuống ra Hồ Xuân Hương, là chạm vào mùa hoa Mai Anh Đào vào những ngày cuối năm ân sủng bung những cánh hoa hồng cho đất trời chao nỗi nhớ. Là đi dọc theo đường Lê Thị Hồng Gấm, nơi giờ được xếp đặt cho các gánh hàng rong bán trong đêm. Là trái bắp nướng, củ khoai nướng hoặc bánh tráng nướng Đà Lạt, và không thể thiếu ly sữa đậu nành bốc khói. Ở Đà Lạt không dành cho những đớn đau, chẳng dành cho những ganh tị, bởi chính cái lạnh của phố để cho người gần nhau và mãi gần nhau.
Tôi đã qua bao nhiêu con phố Đà Lạt, đã đến Đà Lạt bao nhiêu mùa, đã cả trăm lần chạm đến. Và vẫn là ra ngoại ô, đến một ngọn đồi với những ngàn thông xanh, bên dưới mình là những trái thông già đang nằm đợi nước mưa cuốn mình đến một nơi cho cuộc tái sinh. Là mùi nhựa thông, mùi gió, mùi sương mù, cả mùi hoa tạo nên mùi hương Đà Lạt- cả 130 năm, mùi hương ấy vẫn ở đây.
Năm đó, lần đầu tiên tôi lên Đà Lạt để học đại học. Khi đó, con đường đi là từ Nha Trang đến Ninh Thuận rồi qua đèo Ngoạn Mục… Lần đầu tiên đến Đà Lạt là nao nức khi xe qua đèo, khi đôi mắt chạm vào những hàng thông xanh ven đường. Cái cảm giác chạm gặp Đà Lạt lần đầu của mấy mươi năm về trước là cảm giác vô cùng tuyệt vời, để rồi sau đó tôi có 5 năm ở Đà Lạt, để nếm trải cùng thành phố này bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, để nếm trải những con dốc mà dẫu Vũ Hữu Định làm những câu thơ này cho Pleiku, lại giống như làm cho Đà Lạt: "Phố núi cao phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật buồn". Và đôi khi nhớ đến câu thơ: "Ở Đà lạt có những ngày như thế đó/ Anh co ro xuống phố một mình/ Ngó quanh quất ngó lui ngó tới/ Ngó đã rồi anh lại ngó anh".
Những ngày của những năm 1970 và những năm sau đó, Đà Lặt vắng, thức dậy trễ và ngủ sớm. Đôi chân của tôi đi khắp cùng những dốc ở Đà Lạt, những con dốc rất vắng xe cộ, chẳng kẹt xe và chẳng có khách du lịch. Khi đó Đà Lạt chẳng bán vé vào cổng, chẳng chợ đêm, và quấn quít cùng thành phố là những buổi sáng Hồ Xuân Hương thức dậy mờ ảo cùng sương mù, là đồi Cù với những cái nắm tay tìm lên, ngồi ở một góc cây thông nào đó thỏ thẻ chuyện đất trời. Là những cơn mưa rơi vội, ở những góc phố là những mái hiên nhà để trú ẩn, bên dưới chân mình đôi khi rực rỡ hoa.
Hoa là đặc trưng của Đà Lạt. Khi đó chẳng nhà kính, những thung lũng trủng sâu nhường cho hoa dã quỳ vào mùa vàng cả đất trời, là những con dốc hoa mai Mai Anh Đào nở hoa. Bao quanh Hồ Xuân Hương rất nhiều Mai Anh Đào, nở hồng trong đất trời mùa xuân. Đôi khi bây giờ, nghe tin hoa nở khách tìm đến, để cảm nhận vẻ đẹp của hoa. Còn tôi, mỗi ngày lên con dốc Nguyễn Chí Thanh (Ban đầu, đường mang tên vua Đồng Khánh, năm 1953 đổi là Thành Thái và thuộc khu phố I. Từ năm 1976 đổi là Nguyễn Chí Thanh), nơi này ngày cũ có mấy cây Mai Anh Đào cổ thụ, nhìn thấy cây ra hoa, ra lá non và khi cây ra trái là dự báo mùa xuân đã cạn. Đà Lạt của tôi những ngày đó là dãy nhà gỗ trên đường Bà Triệu. Ngôi nhà nào cũng cửa kính, vì khi mùa đông về Đà Lạt lạnh lắm. Là sáng sớm đi qua những con dốc trong buổi sáng của núi đồi để đến Đại học Đà Lạt. Là giờ nghĩ tìm chỗ nắng rọi mà đứng để sưởi ấm, là những vạt hoa marguerite trước thư viện nở trắng ngần, và cả mùi trắc bá diệp ngai ngái trộn cùng mù sương.
Là tôi cảm nhận được Đà Lạt có một mùi rất riêng, khi thoát ra khỏi thành phố, chỉ đến đường Trần Hưng Đạo, đèo Prenn, mùi không khí rất lạ, đó là mùi của lá, của nhựa thông và của sương mù trộn cùng mùi hương hoa nở - tôi gọi đó là mùi Đà Lạt. Những du khách đến Đà Lạt, nếu ngồi trong ô tô khó cảm nhận được mùi Đà Lạt này. Để mỗi khi trở về Đà Lạt, tôi vẫn thường phóng xe máy ra ngoại ô, để rồi đôi khi đi bộ xuống những lũng sâu, trộn mình cùng với không khí đặc trưng của Đà Lạt.
Đà Lạt sau 130 năm đã thay đổi. Con đường Bùi Thị Xuân một thời lãng mạn với vườn cây, với những cánh cổng gỗ sơn trắng, với những vạt hoa For get me not, hoa hồng, hoa Marguerite và có cả hoa Violet đã không còn. Nhưng con phố còn đó, nhưng xe cộ và quán ăn đã dành phần của hoa cỏ. Sương mù còn đó, may mà còn có sương mù để đứng ở trong căn phòng của khách sạn, sáng sớm nhìn những giọt sương đọng mờ, phía xa là hư ảo. Đà Lạt ngày xưa lặng lẽ lắm, có những cái Tết tôi ở lại cùng Đà Lạt, cùng bạn bè ra phố, ngồi ở những quán cà phê rất đặc trưng ở nơi này là ghế xếp dài để người ủ ấm cho nhau, là ly cà phê sữa pha rất đặc, lấy bàn tay ủ vào tìm chút hơi ấm sớm mai.
Tôi đã đi qua bao nhiêu con đường ở Đà Lạt, tôi đã leo lên bao lần ở những bậc cấp của Đà Lạt? Chắc chắn là không đếm được. Cũng như tôi không nhớ bao lần mình vội tìm đến thành phố thân quen của tuổi trẻ, chỉ để ngắm một mùa hoa nở.
Bây giờ Đà Lạt đã đông, và đã là mùa hoa Mai Anh Đào nở. Bây giờ Đà Lạt có những vạt cỏ xanh ven đường cho lứa đôi tạm nghỉ trong cuộc hành trình của yêu. Và dẫu tháng năm trôi qua, dẫu những mùa hoa nở và lại tiếp những mùa hoa. Đà Lạt vẫn mãi là nơi chốn tìm đến, chỉ là tìm đến trong phố ấy là đã đủ những ngày yêu.
Khuê Việt Trường