Những điểm sáng trong sản xuất công nghiệp Đà Nẵng

Thứ sáu, 08/12/2023 09:15
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP trong 11 tháng đầu năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022 và dự báo cả năm 2023 sẽ không đạt chỉ tiêu đã đề ra và sụt giảm so với năm trước. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của TP năm nay vẫn có những "điểm sáng" khi có nhiều doanh nghiệp vượt khó, sẽ "về đích" đảm bảo, thậm chí vượt kế hoạch năm.
Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.
Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.

Đây là các doanh nghiệp trong năm nay đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới và trang bị máy móc thiết bị sản xuất hiện đại mà chúng tôi ghi nhận được trong đợt nghiệm thu chuyển giao công nghệ và bàn giao máy móc thiết bị có nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của Nhà nước vào tháng 11-2023. Đầu tiên phải kể đến là Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất U&I Phương Quân tại KCN Hòa Khánh mở rộng (phường Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) - một doanh nghiệp cơ khí chế tạo với sản phẩm chính là dây chuyền sản xuất viên nén mùn cưa, phân bón, tinh chế gỗ, v.v…

Ông Phan Duy Phương - Phó Giám đốc công ty này chia sẻ, năm 2023 là một năm khó khăn đối với Công ty khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm so với các năm trước. Dù vậy, trong năm nay, Công ty vẫn duy trì được việc làm cho 100% lao động và đến thời điểm này đã ký được nhiều đơn hàng cho năm 2024. "Trước tình hình đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, chúng tôi đã đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng tại thị trường trong nước, đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ và đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nội địa. Chúng tôi kỳ vọng thị trường nội địa của Công ty sẽ tiếp tục phát triển tốt trong năm 2024 để chúng tôi tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất", ông Phan Duy Phương chia sẻ thêm.

Cùng bị ảnh hưởng bởi đơn hàng xuất khẩu tụt giảm nhưng Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc tại KCN Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đặt ra trong năm nay nhờ áp dụng quyết liệt các giải pháp, trong đó, có giải pháp khai thác tốt thị trường nội địa. Ông Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, từ đầu năm đến nay, mảng xuất khẩu của đơn vị gặp khó khăn do các đối tác nước ngoài đều giảm đơn hàng. Để bù đắp đơn hàng tiêu thụ sụt giảm do ảnh hưởng của xuất khẩu, Công ty đã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của đơn vị ở khách hàng nội địa không chỉ tại TP Đà Nẵng, khu vực miền Trung mà còn mở rộng ra cả miền Bắc và miền Nam. "Nhờ đó, dù có ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng đến hiện tại, chúng tôi vẫn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm nay. Không những thế, chúng tôi còn vừa đầu tư một hệ thống sản xuất khép kín để đón đầu cơ hội khi thị trường năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi", ông Nguyễn Thanh Phước thông tin thêm.

Một doanh nghiệp khác vẫn duy trì được đơn hàng trong năm nay, đảm bảo đạt kế hạch sản xuất kinh doanh đã đề ra và công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động là Công ty CP Thiết kế mỹ thuật P.A.D ở H.Hòa Vang. Chia sẻ tại buổi nghiệm thu và nhận bàn giao dây chuyền sản xuất mới với công nghệ và máy móc hiện đại từ nguồn vốn tự có của đơn vị và nguồn vốn khuyến công hỗ trợ của Nhà nước vào tháng 11-2023, ông Huỳnh Văn Thi - Giám đốc Công ty cho biết: "Đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian sản xuất, nhất là thời điểm hiện tại đang vào mùa cho đơn hàng năm 2024. Đầu tư công nghệ, máy móc ở thời điểm này rất kịp thời, giúp chúng tôi tăng sản lượng và kịp tiến độ theo đơn đặt hàng của các đối tác, khách hàng. Bên cạnh đó, công nghệ, máy móc mới cũng làm ra sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn".

Với các doanh nghiệp ngành giấy, năm 2023 được đánh giá là năm gặp nhiều khó khăn nhất. Tuy nhiên, Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình tại KCN Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ) vẫn duy trì được đà tăng trưởng và sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v... "Trong năm 2023, dù là năm "thấm đòn" của doanh nghiệp nhưng Công ty vẫn chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm và tăng trưởng ít nhất 7 - 10% so với năm 2022", ông Võ Thành Sơn - Giám đốc công ty này cho biết. Cũng theo ông Võ Thành Sơn, ngành sản xuất bao bì đòi hỏi phải luôn đổi mới, đa dạng mẫu mã bao bì, bên cạnh đó, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính nên đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại cũng khốc liệt hơn. Do vậy, để giữ uy tín với khách hàng, qua đó, đảm bảo đơn hàng, Công ty luôn chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ mới và máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất. "Đầu tư trong thời điểm này gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu không đầu tư thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại và sẽ bị đào thải. Chúng tôi đã đạt các chứng chỉ ISO, FSC cho ngành sản xuất bao bì và sẽ liên tục đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để chủ động đáp ứng yêu cầu của khách hàng", ông Võ Thành Sơn chia sẻ thêm.

Điểm chung của các doanh nghiệp "về đích" và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 như kể trên đều là chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các đối tác, khách hàng cũng như tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; đồng thời, năng động khai thác hiệu quả thị trường nội địa nhiều tiềm năng.

PHÚ NAM