Những đứa con Tam Mỹ

Thứ ba, 12/03/2019 12:21

Từ trái qua: Mai Bá Ấn, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nhã Tiên tại Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lưu Quang Vũ.  (ảnh từ fb NKH)

1. Đã từ lâu, hai tiếng Tam Mỹ như là một "thương hiệu" của vùng quê miền tây xứ Quảng nói chung, H. Núi Thành nói riêng. Tam Mỹ có nhiều con em trưởng thành trên con đường chữ nghĩa. Chẳng hạn như cái xóm Đông An nghèo khó, cuộc sống dân làng luôn thắc thỏm bên bờ sông Trầu. Anh Trần Thanh Nhung, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân H. Núi Thành, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Trung Thành, bồi hồi kể lại thời cơ cực của anh em nhà thơ Nguyễn Kim Huy, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng; nhà báo Nguyễn Kim Hải, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Thư ký tòa soạn Tạp chí Sinh hoạt Lý luận - Học viện chính trị Hồ Chí Minh khu vực 3. Hồi chiến tranh thì quá khổ, nhưng hòa bình rồi cái khổ vẫn chưa hết đeo bám cái xóm này. Hồi đó, anh chị em Huy-Hải mồ côi cha, vừa học  vừa giúp mẹ lo toan việc nhà. Hằng ngày, anh em vác chuối cây vườn nhà đi bộ xuống chợ huyện xa hàng cây số bán cho người nuôi heo, bán lá chuối cho người gói bánh. Bán một cây chuối chát to như cây cột nhà mua được hai lon rưỡi gạo. Ngày mưa gió nhiều khi suýt rớt xuống sông Trầu khi đi qua chiếc cầu khỉ . Bữa nào không đi bán chuối thì lên núi hái củi về bán kiếm thêm tiền nuôi năm, sáu miệng ăn trong nhà. Sinh thời cha của Huy-Hải làm thợ nề và thợ mộc, ban ngày đi làm, ban đêm về tự tay ông xây nhà, ráp cửa. Ngôi nhà ấy nay còn đó nhưng người thì đã đi xa. Người mẹ một mình chèo chống nuôi đàn con ăn học. Nguyễn Kim Hải nhớ hồi chiến tranh mẹ may cho mỗi đứa con một cái tay nãi đựng đầy gạo, phòng khi sơ tán đột xuất vì bom đạn thì có cái ăn qua ngày. Bây giờ lớn khôn, thành người, thành danh, tuy ở xa vì công việc, nhưng Huy-Hải vẫn nặng tình nặng nghĩa với nơi chôn nhau cắt rốn. Trong mỗi tác phẩm văn học, mỗi tác phẩm báo chí, hai anh luôn gửi gắm vào đó lời tri ân, nỗi nhớ thương: "Thứ lỗi cho anh hoa cà hoa cải/ Đã đơn sơ lại nở trái mùa/ Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua/ Cứ ngong ngóng vùng núi non xa lắc". (Bài thơ Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua của Nguyễn Kim Huy). Anh lại nói với con trong bài thơ Nói với con về khoảng trời ngày thơ: "… Là khoảng trời chớm đông giá lùa như cắt/ Bếp lửa bập bùng ấm sang cả nhà bên/ Khoảng trời tháng ba ngày tám chênh vênh/ Làng xóm nương nhau củ khoai củ sắn/ Đọt bí non ngọn rau già ngai ngái đắng/ Lúc gieo neo thơm thảo vị đồng quê…". Nguyễn Kim Huy đã từng chia sẻ với quê nhà rằng: "Ký ức về làng quê Tam Mỹ của tôi bao giờ cũng gắn liền với quãng đời tuổi thơ khắc nghiệt và nghèo khổ. Quê tôi anh hùng, nhưng quê tôi nghèo. Cái nghèo cố hữu của một vùng đất bán sơn địa cằn cỗi, nhiều đá sỏi hơn lúa gạo, dội thêm vào đó là sự tàn phá dữ dội đến mức tàn bạo của chiến tranh... Con đường của chiến tranh ác liệt bao nhiêu thì con đường hòa bình trên Tam Mỹ vẫn còn bấy nhiêu những vấp váp, những chông gai, những lỗi lầm xốn xang: "Ai về Tam Mỹ làm chi/ Nước uống thì đục đường đi thì bùn"... Nguyễn Kim Hải thì có một nỗi nhớ về những con cá quê nhà: "Cái xóm nhỏ vẫn trong veo, nằm bình lặng dưới chân núi Hòn Rơm, chứa chất trong nó bao nhiêu nỗi niềm tha hương. Về quê, loanh quanh qua nhà Tám Nhung ngồi nói chuyện đời và chuyện cá. Quê nhà hôm nay cái gì cũng có, có cả nhà máy công nghiệp nhưng hóa chất thì cứ chảy xuống ruộng đồng, chỉ có con cá là không còn nữa.  Tôi lại nhớ những ngày bắt cá giữa đường. Nhớ quá hình dáng cha tôi, những người nông dân chiều đông lạnh đi thăm đồng về đầu cán cuốc hồi mô cũng có một xâu cá tong chút huýt mà ấm nồng trên môi một nụ cười khi nghĩ về bữa cơm tối gia đình, vợ chồng, con cái quây quần bên nồi cơm lúa mới...". 

2. Hôm tôi và anh Nhung ghé thăm nhà Nguyễn Nhạc, em nhà chú bác ruột với nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, chúng tôi may mắn được thưởng thức một bữa trà dư tửu hậu bằng mấy con cá lạt làm chả, vợ chồng Nguyễn Nhạc vừa bắt ở đồng về. Tình quê hương mỗi lúc càng lên men, Nguyễn Nhạc luôn nói về những điều sâu nặng với mảnh đất nuôi con em Tam Mỹ thành dũng sĩ, thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ,... và cho dù Tam Mỹ hôm nay có nhiều nhà ngói đỏ nhưng không thể nào mất đi trong ký ức những mái nhà tranh khói tỏa lam chiều. Con đường về Tam Mỹ hôm nay ít gập ghềnh hơn. Cho dẫu đến cả chục năm sau ngày giải phóng mới có được nhịp cầu bê-tông bắc qua sông Trầu bằng sự chắt chiu gom góp của 28 gia đình, bây giờ đã là 42 gia đình, kể cả một số gia đình nhập cư tự do từ khắp nơi trong xã, cũng giúp cho người Đông An yên tâm mỗi lần đi qua, không còn hứng chịu những nỗi đau vì Hà Bá. Người thiết kế cái cầu này không ai khác là một lão nông tri điền của xóm. Đến cả kỹ sư cầu cống của huyện cũng phải ngạc nhiên về độ chuẩn xác của các nguyên tắc khoa học, để các chân cầu trụ vững dưới đáy sông và sự tồn tại của nó với thời gian mấy chục năm nay. "Bản quyền" này là của ông Nguyễn Trinh, sinh năm 1926, chú ruột nhà văn, nhà báo Nguyễn Tam Mỹ, Phó Thư ký tòa soạn Báo Quảng Nam.

Nằm hẻo lánh ở một góc rừng và được bao bọc bởi sông Trầu và sông Cái, trong chiến tranh xóm Đông An (thôn 4, xã Tam Mỹ, H. Núi Thành) là căn cứ địa cách mạng. Điều mà người dân Đông An lo lắng nhất là cầu đường và điện thắp sáng. Bàn tính mãi, cuối cùng Đông An đã có điện có đường do nhà nước đầu tư xây dựng. Riêng chiếc cầu Ngân bắc qua sông Trầu, dài 21 m, rộng 2 m với tổng kinh phí 18 triệu đồng là do dân đóng góp, trong đó có cả con em Đông An trưởng thành. Do kinh phí hạn hẹp, nên số tiền góp được chỉ đủ đổ bê-tông cốt thép trụ cầu và dầm cầu. Còn mặt cầu được lát bằng bê-tông. Chiếc cầu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 53 năm Quốc Khánh 2-9. Ông Nguyễn Thẩn, tổ phó tổ đoàn kết Đông An cho biết: "Chiếc cầu này ngày xưa làm bằng tre nứa, đi lại rất khó, thế nhưng lại rất quan trọng với cách mạng. Chiếc cầu giúp cán bộ, bộ đội, dân quân vận chuyển đạn dược, lương thực phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây cầu được làm bằng bê-tông cốt thép, một công trình tình nghĩa".

Anh Nhung cho biết, Đông An hiện có 19 con em là cử nhân các ngành, 16 cao đẳng, 13 trung cấp. Để tiếp sức cho con cháu học hành, từ năm 1988 đến nay, quỹ khuyến học của xóm luôn duy trì ít nhất 100 triệu đồng, có thời điểm cao nhất là 500-600 triệu đồng.

Trò chuyện về nhà báo, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tam Mỹ, chị Nguyễn Thị Minh, vợ anh Nhung, từng làm công tác phụ nữ thôn kể, hồi nhỏ anh em Nguyễn Tam Mỹ rất hiếu động nhưng ai cũng học giỏi. Chiều chiều lùa trâu về qua nổng qua đồng, anh em  Nguyễn Tam văn hay chữ tốt đã "xuất khẩu thành thơ" trêu chọc "đồng nghiệp" xóm Khương Thọ Tam Hiệp: Đông An ăn cá bỏ đầu/ Khương Thọ lượm mót xỏ xâu đem về. Thế là một cuộc "thi đấu" xảy ra đến khi u đầu sứt trán mới lùa trâu về chuồng. Lúc bé, Nguyễn Tam Mỹ hay đau ốm nên việc học thường xuyên gián đoạn. Vì vậy từ lớp 1 đến lớp 5, anh tự học ở nhà nhưng khi thi vào lớp sáu, đệ nhị cấp, anh là học sinh duy nhất đỗ điểm cao nhất H. Núi Thành lúc bấy giờ. Những năm tháng đi bộ đội ở Campuchia, Nguyễn Tam Mỹ "không được ra chiến trường"  là nhờ văn tốt chữ hay, bài thơ đầu tiên của anh đăng ở tạp chí Đất Quảng năm 1981 là bài "Ở rừng", bút ký đầu tay đoạt giải Ba cuộc thi viết truyện ký do Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1989 là "Hoàng hôn quê ngoại". Nguyễn Tam Mỹ đã xuất bản 8 cuốn sách, trong đó cuốn Tiểu thuyết Sấp ngửa bàn tay 2 tập để lại dấu ấn khó quên trong đời văn của mình.

Nhà văn Mai Bá Ấn (trái) trả lời báo chí tại Hội thảo về nhà báo nhà văn Nguyễn Vỹ tổ chức tại Quảng Ngãi năm 2017.   Ảnh: Huỳnh Trương Phát

3. Dừng chân ở chân cầu Bà Dày để thăm nhà Mai Bá Ấn, tiếp tôi là anh Mai Bá Tuấn, em trai của anh. Mai Bá Ấn cũng là một cây bút sung sức trên văn đàn Quảng Ngãi vì anh chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Hồi tôi làm trưởng đài Đài Truyền thanh Núi Thành, anh là cộng tác viên nhiệt tình nhất với chuyên mục VHNT thứ Bảy mặc dù anh đang bận rộn với công việc một trưởng phòng tổ chức ở trường trung cấp sau đó là cao đẳng kế toán-tài chính trung ương 3 của Bộ Tài chính đóng ở Quảng Ngãi. Hiện trường đã nâng lên thành trường đại học và Mai Bá Ấn giờ là Tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng ngôi trường đại học anh gắn bó mấy chục năm nay. Anh còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam… Gặp anh Tuấn, chúng tôi mới biết thêm cái gen văn chương của anh em họ Mai này. Anh Tuấn làm thơ nhiều nhưng không dám gửi đi đâu, không dám đọc ai nghe. Năn nỉ mãi anh mới thổ lộ nỗi niềm cất giấu thơ ca của mình. Sau khi mãn nhiệm đời lính ở chiến trường K, hành trang anh mang về là những vần thơ. Viết về quê hương anh có bài thơ mà đoạn đầu đọc lên là thấy Tam Mỹ: Đủ ba nét đẹp trên đời/ Đẹp cảnh đẹp người đẹp những chiến công/ Tóc em hay nước Xen Thơm (Hố Xen Thơm)/ Cây đa Võ Phố anh hùng còn đây… (Tam Mỹ). Xóm Bà Dày còn có một con người mê văn chương mặc áo cà sa, thời niên thiếu cũng thấm đẫm tình quê, đó là Đại đức Thích Nhuận Tâm. Ở quê ông, cho tới bây giờ hàng xóm láng giềng vẫn quen gọi ông với cái tên thân kính là thầy Tâm. Những năm tháng trú trì Chùa Lá ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, ông không bao giờ quên thơ. Ông đích thân vận động kinh phí và nhờ anh chị em văn nghệ sĩ quê Quảng Nam ở Sài Gòn để có được 7 tuyển thơ/ 7 năm trong cả nước với tên gọi "Thơ ơi, cùng chảy nhé".

... Bao nhiêu nỗi nhớ quê của những người con Tam Mỹ hình như đã hằn sâu vào giọng nói của họ. Cho dẫu có xa quê hàng trăm năm đi nữa thì chẳng bao giờ mất đi. Những người bạn của tôi quê Tam Mỹ, cả nửa thế kỷ không có dịp gặp nhau, cứ tưởng sẽ bị "xã hội hóa" giọng nói như tôi thường thấy ở rất nhiều người  vào Nam mưu sinh, trở về. Nhưng không! Cái giọng nói Tam Mỹ của họ vẫn mãi mãi là Tam Mỹ. Ngần ấy thôi cũng thấy rằng quê hương Tam Mỹ thật hạnh phúc vì có những đứa con suốt đời mang trong mình hình bóng quê nhà.

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT