Những góc phố

Thứ năm, 17/06/2021 16:00

Góc phố đó có đèn xanh đèn đỏ, là ngã ba đường Lê Thánh Tôn và Bùi Thị Xuân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cái ngã ba dùng dằng của những con người vội vàng chen dành để xe hơn người khác một tí, vội phóng xe đi dẫu đèn đỏ còn 1-2 giây. Chỗ để vội vàng lướt qua nhau, mỗi ngày cứ thế. Và cũng góc phố đó có hai mảnh đời trong cuôc mưu sinh, kiên trì chờ đợi những người khách khi dừng lại ở ngã ba dễ bán hàng.

Người bán vé số.

Đó là người đàn ông trạc 50 tuổi, mù lòa chắc là ở hội người mù. Ngày nào cũng vậy, ngay trụ điện sát cạnh bức tường của Trường tiểu học Phước Tiến, góc đường Bùi Thị Xuân. Ông bày ra mấy cái chổi đót, mấy cái chổi xương và một ít hộp tăm tre, là sản phẩm làm ra của những người khiếm thị. Tổng cộng hết mớ hàng của ông cả vốn lẫn lời chừng 300 ngàn, nhưng cuộc mưu sinh cũng không gọi là dễ dàng. Thỉnh thoảng có người dừng chân, mua dùm cái chổi hộp tăm, gọi là chia sẻ đường ấy, có chút động lòng ghé mua cho mình món hàng. Vẫn là chiếc áo xanh cũ, vẫn là vỉa hè buồn trong ngọn gió ru. Bán không hết, ông lại vác mấy cây chổi lên vai, dùng cây gậy dò dẫm đường, cất tiếng rao lạc lõng giữa phố rộn ràng.

Ngay góc bên đường Lê Thánh Tôn vẫn là chỗ đèn xanh đỏ. Người đàn ông già có lẽ cuộc đời quá khổ và phải giang nắng mỗi ngày nên làn da đen. Ông ngồi bệt dưới đất, xòe mấy tờ vé số bày bán. Bán có được không? Đồng lời có đủ chuyện áo cơm? Chỉ thấy khi nắng lên, ông bung chiếc dù về phía nắng. Có hôm, thằng cháu nhỏ chừng ba tuổi, cũng theo ông ngồi bán vé số. Đôi lúc, vài cô gái trẻ dừng lại, cho cậu bé cái gì đó ăn được, mua tờ vé số là cái cớ và để dư tiền cho người đàn ông ngồi buồn tênh ấy. Rồi tôi ghé gặp mua cho ông vài tờ vé số. Thì ra ông  bán vé số để nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Nay tình hình khó khăn, ông gởi "tạm" ở chùa, và hàng ngày vẫn ngồi bán vé số.

Bất cứ một thành phố nào, ở những góc phố đều có những con người dựa vào trong cuộc mưu sinh của mình. Họ lặng lẽ ngồi ở đó, người qua đường lướt qua hay dừng lại. Đôi khi không ai chú ý đến những cuộc mưu sinh trên phố ấy, vì còn biết bao nhiêu chuyện của đời mình chưa giải quyết xong, huống chi chuyện của thế gian.

Là ngã tư Bạch Đằng- Ngô Gia Tự. Dưới gốc cây xà cừ trăm tuổi có người đàn bà ngồi bán bắp luộc. Chị ngồi bên cái thúng đựng bắp, đôi khi chỗ bán bị che bởi những chiếc ô-tô đắt tiền chiếm lòng đường, vô tâm làm khó người mưu sinh. Là buổi sáng, có hai vợ chồng cùng đẩy hai chiếc xe tự chế, mỗi người đứng ở một hè phố bán xôi. Là bà bán xôi bắp hơn 20 năm nay đẩy xe bán khắp xóm làng đến độ ai cũng quen mặt. Là ông cụ đã 93 tuổi, chạy chiếc xích lô cũng cũ như cuộc đời của mình, hàng ngày đậu trước cửa chợ Xóm Mới, chỉ mong mỗi ngày chạy được một cuốc xe chừng 20 ngàn là về nghỉ. Nhưng đa phần chẳng ai đành lòng ngồi trên chiếc xích lô của cụ già 93 tuổi, thế là có rất nhiều ngày và rất nhiều ngày như thế không có khách.

Những góc phố tôi đi qua, đã có nhiều người không còn ở đó. Họ đi đâu chẳng ai biết, và họ lạc vào trong đám đông vô danh, và cuộc sống mãi trôi. Bà bán bánh căn trên đường Trần Bình Trọng với đứa con gái giờ không bán nữa. Hai vợ chồng ngồi bán xôi trên đường Võ Trứ cũng đã vắng bóng… họ đi về phía của họ. Và những góc phố vào mùa cây thay lá, lá vẫn rụng như theo luật chuyển xoay của đất trời, rơi về chốn mênh mông.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG