Những hệ lụy từ vụ rò rỉ điện tín của đại sứ Anh

Thứ hai, 15/07/2019 09:44

Cơ quan tình báo GCHQ của Anh được cho là đã vào cuộc tham gia điều tra cùng với cảnh sát về vụ rò rỉ điện tín vốn khiến Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch từ chức, sau khi tờ Mail on Sunday công bố những nội dung rò rỉ tiếp theo về thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.

Nghi phạm đằng sau vụ rò rỉ điện tín ngoại giao chấn động nước Anh đã được xác định trong bối cảnh những thông tin mới tiếp tục được giới truyền thông nước này công bố. Theo tờ Guardian, nghi phạm đã đột nhập lấy các tài liệu lưu trữ rồi tuồn cho truyền thông.

Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã từ chức sau vụ rò rỉ điện tín ngoại giao. Ảnh: Getty Images

Ai đứng sau vụ này?

Cơ quan tình báo GCHQ của Anh được cho là đã vào cuộc tham gia điều tra cùng với cảnh sát về vụ rò rỉ ngoại giao và báo cáo mật mà Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gửi về London từ năm 2017 đến nay, sau khi tờ Mail công bố những nội dung rò rỉ tiếp theo về thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy chống khủng bố Metropolitan, vốn đã mở một cuộc điều tra hình sự từ hôm 12-6, cho biết đã xác định được nghi phạm. “Họ dường như đã biết rõ ai là người gây ra vụ rò rỉ”, một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Anh nói với tờ Sunday Times hôm 14-7. “Đó là người có quyền tiếp cận các tài liệu lưu trữ. Họ đã đột nhập và lấy một loạt tài liệu”, nguồn tin này cho biết thêm. Cho đến nay, danh tính của nghi phạm vẫn chưa được công bố, và nguồn tin chỉ nói rằng, các nhà chức trách Anh đang củng cố hồ sơ để đưa sự việc ra tòa. Các điều tra viên Anh cũng loại trừ nghi vấn đây là hậu quả của một vụ tấn công mạng do nước ngoài gây ra. Các báo cáo mật này, vốn được tờ Mail on Sunday của Anh đăng tải đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai đồng minh thân cận Mỹ và Anh. Vì trong các báo cáo, đại sứ Darroch đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump “thiếu chắc chắn, bất tài” và sự nghiệp của ông “có thể kết thúc trong nhục nhã”. Tổng thống Trump sau đó chỉ trích Darroch “vô cùng ngu ngốc” và tuyên bố ngừng hợp tác với ông này. Ông Trump còn công kích cả Thủ tướng Theresa May sau khi vị nữ lãnh đạo này lên tiếng bảo vệ đại sứ Darroch. Đại sứ Darroch sau đó đã tuyên bố từ chức.

Giới truyền thông Anh tiếp tục thách chức chính quyền

Vì vậy, trong thông báo về cuộc điều tra, Chỉ huy đơn vị cảnh sát chống khủng bố Neil Basu cảnh báo các tổ chức truyền thông có thể phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự nếu tiếp tục công bố thêm chi tiết từ vụ rò rỉ này. Ngày 13-7, cảnh sát tiếp tục cảnh báo các nhà báo có thể phải đối mặt với việc bị truy tố nếu họ công bố thông tin ngoại giao bị rò rỉ sau khi bị chỉ trích rộng rãi.

Tuy nhiên, Mail on Sunday ngày 14-7 đã công bố thêm các chi tiết trích dẫn trong báo cáo của ông Darroch cáo buộc Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vì đó là thành quả để đời của người tiền nhiệm Barack Obama. Trong một bức điện tín gửi Ngoại trưởng lúc đó Boris Johnson, người bị đổ lỗi đã khiến đại sứ Darroch từ chức sau vụ rò rỉ, ông Darroch đã viết: “Về vấn đề này, chính quyền Mỹ đã có hành động phá hoại ngoại giao, dường như vì lý do tư tưởng và nhân cách - đó là thỏa thuận của ông Obama”.  Người phát ngôn của tờ Mail on Sunday còn cho biết họ đang có kế hoạch tiếp tục công bố thông tin chi tiết từ vụ rò rỉ vì nó chứa thông tin quan trọng về cách Anh nỗ lực ngăn Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng thất bại.

Theo các nguồn tin, Sở chỉ huy Cảnh sát chống khủng bố đang điều tra vụ rò rỉ những điện tín mật của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch theo hướng một vụ vi phạm Đạo luật Bí mật chính thức. Đạo luật Bí mật chính thức cấm các quan chức chính quyền tiết lộ những tài liệu mật “có khả năng gây hại”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat cho biết, ông không nghĩ rằng việc công bố các tài liệu bị rò rỉ cấu thành tội phạm và khẳng định tự do báo chí là “thiết yếu”.

KHẢ ANH