Những lá thư vượt thời gian…

Thứ ba, 20/12/2011 00:00

Kỳ 1: mối tình riêng - chung

(Cadn.com.vn) - Khi đất nước còn bóng giặc, nhân dân còn lầm than, những người lính trẻ khoác ba lô lên đường ra chiến trận, để lại sau lưng một tình yêu, một khát vọng cháy bỏng về ngày mai sum họp. Giữa chiến trường khốc liệt, giữa mưa bom bão đạn, bên xác đồng đội vừa hy sinh..., nhưng họ vẫn luôn tin vào chiến thắng. Xa quê hương, xa người yêu dấu, tất cả tình cảm chất chứa trong lòng đều được họ chuyển tải qua từng bức thư, từng trang nhật ký. Đó là thư của người lính trẻ gửi cho mẹ, gửi cho người yêu và ngược lại...

Những bức thư hiện đang còn được lưu giữ đều đã ố vàng, xỉn màu thời gian, mưa nắng, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí còn vương những giọt máu đào của người chiến sĩ... Chuyện về những lá thư thời chiến đã thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyến “hành trình” trở về một thời hoa đỏ qua những cánh thư của người chiến sĩ - Đại tá Huỳnh Phương Bá...

 Đại tá Huỳnh Phương Bá với cuốn sổ ghi chép lại những lá thư thời chiến của hai vợ chồng.

Cầm trên tay 2 cuốn sổ khổ giấy A4 được đánh máy, đóng tập và gói cẩn thận, ngoài bìa có tựa đề “Những lá thư vượt thời gian”, bên dưới ghi dòng chữ “Ba, mẹ tặng các con thân yêu”, bác Bá đưa cho tôi và bảo: “Đây là kỷ vật thiêng liêng của vợ chồng bác thời kháng chiến chống Mỹ. Đã hơn 40 năm qua, bác luôn giữ nó bên mình, thỉnh thoảng đem ra đọc để ôn lại một thời tuổi trẻ. Trong chiến tranh, sự tàn khốc của nó khó ai mà hình dung nổi, tuy nhiên, đó cũng là nơi để các thế hệ cha anh thể hiện lòng dũng cảm, sự hy sinh; đồng thời là môi trường để “nuôi dưỡng” tình yêu đôi lứa. Và, cao cả hơn là tình yêu đất nước, là khát vọng hòa bình...”. Đại tá Huỳnh Phương Bá (1931), nguyên cán bộ Cục Chính trị Quân khu V, hiện nghỉ hưu và sinh sống tại Đà Nẵng, tâm tình với tôi như vậy!

Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng - xã Điện Phương, H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Huỳnh Phương Bá “xếp bút nghiên” đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt 40 năm trong quãng đời binh nghiệp, Huỳnh Phương Bá đã kinh qua nhiều vị trí, từ người lính bình thường đến lãnh đạo chỉ huy; bước chân ông đã trải khắp các mặt trận, từ tập kết ra Bắc, chiến đấu ở nước bạn Lào và sau đó hành quân trở lại miền Nam hoạt động khắp các chiến trường Khu V... Đặc biệt, trong suốt 13 năm trời “sinh tử” tại chiến trường miền tây Quảng Ngãi, ông phải biền biệt xa gia đình, vợ con. Hàng trăm cánh thư ông viết từ chiến trường gửi về cho người vợ thân yêu của mình ở quê nhà (xã Nam Diên, H. Nam Đàn, Nghệ An), rồi nơi vợ học tập, công tác (các tỉnh phía Bắc) lần lượt cũng đến tay người nhận và ngược lại. Cho đến bây giờ, ông vẫn xem đó là những kỷ vật thiêng liêng nhất của đời mình...

  Danh sách tổng hợp 59 lá thư của Đại tá Huỳnh Phương Bá gửi từ chiến trường (1962-1974).

Trong thời gian từ năm 1954 đến cuối 1960, ông cùng Trung đoàn 120 Tây Nguyên tập kết ra vùng Nghệ An, Thanh Hóa. Tại đây, ông gặp người con gái xứ Nghệ - Vương Thị Tiệng (1940, ở xã Nam Diên, H. Nam Đàn). Sau gần 3 năm quen biết và nảy sinh tình cảm, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Đầu năm 1960, cưới nhau được 10 ngày thì ông phải trở về đơn vị để qua nước bạn Lào. Cuối năm 1961, ông cùng đơn vị trở lại miền Nam chiến đấu. Cũng từ đây, vợ chồng xa nhau biền biệt hơn 13 năm trời... Tình cảm của họ chỉ được chuyển tải, gửi gắm trong những lá thư viết vội, có những lá thư sau hàng năm trời mới đến tay người nhận, nhưng những “thông điệp”, những điều họ muốn bày tỏ cùng nhau vẫn hết sức mãnh liệt, nóng hổi...

Ngày 9-4-1961, khi đang ở chiến trường miền tây Quảng Ngãi, ông viết thư gửi cho người vợ thân yêu của mình: “Em yêu quý của anh! Vợ chồng ai chả muốn sống gần nhau trong tình âu yếm! Cũng như ai nấy đều thích được chăm sóc cha mẹ, anh em. Nhưng Tổ quốc còn bị chia đôi, cho nên cảnh sum vầy còn tạm thời bị gián đoạn. 7 năm rồi, anh xa ba mẹ yêu dấu, xa các anh, các chị mến thương và giờ đây phải xa người vợ thân yêu nhất của mình mà chưa hẹn ngày gặp mặt, mà chắc chắn rằng ngày ấy phải đến với chúng ta. Vợ chồng mình tạm thời xa nhau để rồi mãi mãi ở bên nhau tràn ngập tình yêu, lòng tin tưởng và hạnh phúc sáng ngời.

Anh biết chắc em sẽ đau lòng vì thương nhớ. Nhưng em ơi! Biết bao người vợ của miền Nam yêu quý đã 7 năm rồi mòn mỏi nhớ trông, chịu bao nhiêu thử thách đắng cay. Và vinh dự thay cho những người phụ nữ miền Nam, tuyệt đại đa số họ đã chiến thắng”...

Trải qua bao gian khổ, hằng ngày phải đối mặt với quân thù, với cái chết cận kề nhưng tinh thần của ông vẫn không hề xoay chuyển. Chất chứa trong những trang thư ấy vẫn là tình yêu quê hương, đất nước - một tình yêu thiêng liêng, cao cả. Trong bức thư viết vào ngày Quốc khánh 2-9-1962, ông nhắn nhủ: “Trong ngày lịch sử của dân tộc, anh gửi đến em những dòng tình cảm chân thành nhất. Gần một năm rưỡi rời nhà có biết bao nhiêu chuyện đổi thay. Sống ở đây, một cuộc sống sôi nổi, một cuộc chạy đua quyết liệt với quân thù, công việc bề bộn, thấy ngày tháng trôi nhanh. Đặc biệt ở đây không có tuần, có thứ...

Thật vậy em ạ, dù cho hòa bình hay chiến tranh, trong cương vị công tác nào cũng thế, người cách mạng luôn luôn cảm thấy khẩn trương. Khẩn trương để nhanh chóng tiêu diệt quân thù, nhanh chóng thay đổi bộ mặt của xã hội. Rồi trong hoàn cảnh nào cũng vậy, mình luôn say sưa thú vị với công việc của mình làm. Em có nhớ không? Có dạo nào đó gần 3 tuần anh không nhận được thư em, nên đâm ra giận em ghê lắm. Thế bây giờ xa em lâu, viết thư 4 - 5 lần nhưng chưa được thư em, anh có trông, nhưng bình thường thôi vì anh hiểu được hoàn cảnh liên lạc khó khăn...

Em, em có biết không... Cách mạng miền Nam vô cùng vĩ đại, không có sách vở nào tả hết cho được. Nhân dân rất anh hùng, họ sống bên đồn địch, hằng ngày bị chúng khống chế, nhưng đêm đêm du kích lại đứng gác để đồng bào cõng lúa gạo cho cách mạng. Địch bắn pháo vào làng, có bà mẹ ôm con chạy lên đồn, đưa con để bịt nòng pháo. Có những bà mẹ già cắn răng chịu địch đánh, chứ không khai nửa lời. Còn nhiều chuyện lắm. Cây mì (sắn) ở miền Nam này cũng vĩ đại. Vì có lúc muốn trồng mì phải đi 2-3 ngày vượt qua bao dãy núi, bao con sông mới đem về được, và nó là món ăn chiến lược đấy. Cách mạng thành công sẽ gắn cho nó mấy cái huân chương...

Tuy ở xa miền Bắc nhưng hằng ngày vẫn nghe được tiếng nói dịu dàng từ “quả tim” đất nước, hằng ngày hằng giờ gắn liền với cuộc sống ngoài đó. Những cuộc biểu tình, mít-tinh hô khẩu hiệu vang lên trong đài, trong lúc đó anh lắng nghe thử xem có tiếng hét căm hờn “đả đảo Mỹ - Diệm” của em không? Những hành động đó đã cổ vũ rất nhiều nhân dân miền Nam. Em, có bao giờ em nghĩ rằng tiếng thét căm hờn của mình sẽ góp một phần (tuy rất nhỏ bé) vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất không?... Anh cũng như em, hằng ngày theo dõi sự lớn lên của tất cả con người trên đất Bắc. Có lúc anh muốn truyền tình cảm, niềm tin của mình qua chiếc radio nhỏ bé này để nó chuyển về Hà Nội, rồi chuyển qua loa phóng thanh đến em và các bạn”.

(còn nữa)

 Doãn Nguyên Hưng