Những lần gặp anh Văn

Thứ năm, 10/10/2013 10:50

(Cadn.com.vn) - Là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, nhà văn- nhà báo Nguyễn Trần Thiết vinh dự được phân công theo chân những chiến dịch lớn, trong đó có những sự kiện lịch sử như đại thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa Xuân 1975... Đặc biệt, ông còn may mắn được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng chỉ dẫn phương pháp tác nghiệp, trực tiếp bút phê, sửa lỗi trong nhiều bài viết. Những kỷ niệm nhớ đời ấy được Đại tá Nguyễn Trần Thiết nâng niu, giữ gìn như báu vật vô giá. Và, với niềm kính trọng, mến yêu vô bờ vị Đại tướng tài năng, đức độ, giản dị, Đại tá Nguyễn Trần Thiết gửi đến Báo Công an TP Đà Nẵng bài viết tâm đắc, thể hiện lòng tưởng nhớ sâu sắc...

Sở thích của Đại tướng.

Cuối năm 1953, tôi đang là Chính trị viên đại đội thuộc Đại đoàn 312 bỗng được lệnh điều động về làm báo. Tôi ngỡ ngàng hết sức. Về ATK (an toàn khu), tôi chứng kiến cuộc sống của lính văn phòng mới mẻ và đầy thách thức. Lúc ấy, có anh Phú Bằng, một phóng viên kỳ cựu của Báo Quân đội nhân dân dạy tôi cách ấn băng, dò làn sóng đài vào giờ nào, làn sóng nào... Tôi có trách nhiệm thu tin ở các đài, tin của Cục tác chiến, ở các đơn vị chiến đấu rồi soạn lại, trình Tổng biên tập duyệt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ cựu chiến binh. Ảnh: TƯ LIỆU

Một hôm, chả rõ vì sao, Tổng biên tập Hoàng Xuân Tùy giao cho tôi đưa bài lên trình Anh Văn (Bí danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) duyệt. Có lẽ lúc đó, tôi là người duy nhất ở Mường Phăng không biết anh Văn là bí danh của ai. Theo đúng chỉ dẫn, tôi đến căn lán có cây dẻ gai. Bằng cách nào đó, công binh, đào khoét xuyên trong lòng núi ở đầu bên này là hầm và lán anh Văn, đầu liền kia là của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và một ngách khác của Cục tác chiến.

Thấy có bóng người bên ngoài, phía trong có tiếng hỏi vọng ra:

- Cậu nào đấy?

- Tôi ạ.

- Cậu đến có việc gì vậy?

- Tôi đưa trình duyệt bài báo.

   Có bóng người xuất hiện. Nhận ra người trước mặt mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi hoảng quá. Ở đơn vị chiến đấu, cỡ cán bộ đại đội không phải đơn vị chủ công như tôi rất khó gặp Đại đoàn trưởng hoặc Chính ủy Đại đoàn nên đều không lường trước, tôi mất bình tĩnh. Anh Văn bảo tôi rất thân mật:

- Nào đưa bài đây!

- Báo cáo, tôi xin đọc để anh nghe vì chữ tôi viết xấu lắm.

- Được, cứ đưa cho tôi.

- Thưa anh, tôi dập xóa lèm nhèm rất khó đọc.

Anh Văn vỗ vào ngực mình vừa cười vừa hướng về phía tôi:

- Cậu không biết tớ là giáo sư à? Đưa đây.

   Không thể làm gì khác nên tôi đành đưa bài cho anh. Duyệt xong, anh ký tên, trả bài cho tôi và nhận xét:

- Quả là chữ viết quá xấu. Lần sau nhớ viết đẹp, giữ cho bản thảo sạch hơn.

   Tôi thanh minh:

- Báo cáo anh, trước Cách mạng Tháng Tám tôi phải đi ở cho địa chủ nên ít học, chữ mới xấu.

Anh Văn cười:

- Có thế mới lôgíc chứ!

Chắc là mắt tôi lúc đó trợn tròn lộ vẻ ngơ ngác nên Đại tướng hỏi luôn:

-Cậu có biết lôgíc là gì không?

   Tôi trả lời hết sức thành thật:

- Thưa anh, tôi không biết tiếng Tây.

Anh Văn hỏi lại, giọng hóm hỉnh:

- Vậy à? Cậu có đem sổ tay không?

- Có ạ!

Anh Văn giở sổ tay của tôi, viết chữ lôgíc khá to, choán cả hai trang giấy, dặn:

- Cậu đưa về hỏi anh em.

   Đưa bản tin về nộp cho Tổng biên tập, tôi không dám ho he về chuyện xảy ra. Tôi cũng không dám hỏi các biên tập viên khác về từ lôgíc vì ngại, rất ngại.

   Những năm tiếp theo, vì tôi vẫn là phóng viên Báo Quân đội nhân dân thường có dịp gặp anh Văn song tôi không dám nhắc lại những kỷ niệm về anh.

    Mãi đến năm 1999, chúng tôi- những chàng trai chưa vợ, là học viên Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 5, khóa chuẩn bị Tổng phản công, khai giảng tháng 7-1949- đưa ra sáng kiến họp mặt nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giữa cuộc họp mặt tại Trạm 66, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến. Chúng tôi reo vui mừng đón Anh Cả của mình. Riêng tôi, tôi gặp trường hợp rất khó xử. Tôi có tác phẩm “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” mới gửi đến độc giả đã được in nối bản tới lần thứ 3, nên tôi đem theo một cuốn để tặng trường cũ. Tôi rất muốn có chữ ký của Đại tướng nhưng tôi không mang theo sách tặng Anh và tôi phải làm cách nào đến gần Anh để đưa ra đề nghị mà chưa chắc Anh đã chấp thuận?. Tôi ngồi chờ thời cơ. Anh Văn trò chuyện với chúng tôi xong rồi xin lỗi phải chia tay vì có hẹn đến cuộc họp khác cũng với chủ đề mừng 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi chuồn ra trước, đứng chặn cạnh xe Anh, trình tác phẩm ra đề nghị:

- Thưa anh! Tôi là Nguyễn Trần Thiết, nhà văn. Tháng 4-1954, tôi đã gặp Anh ở Mường Phăng. Anh đã ghi vào sổ tay tôi chữ “lôgíc”.

- Bây giờ cậu hiểu lôgíc không phải là tiếng Tây rồi chứ?

    Tôi cười ngượng và thật sự xúc động về một kỷ niệm đẹp, sâu sắc, trải qua mấy chục năm mà Anh vẫn nhớ và nhắc lại với tấm lòng bao dung, độ lượng. Tôi ấp úng xin lỗi và hứa sẽ tặng Anh tác phẩm sau. Tiếc rằng tôi đã thất hứa vì tác phẩm đã bán hết veo.

Ngày 25-8-2003, nhân dịp Anh Văn mừng sinh nhật lần thứ 92, tôi lại đến mừng thọ Anh. Các thầy giáo trên 60 tuổi đời, hơn 40 tuổi nghề là Nguyễn Trường Sơn, Giang Ngọc Diệp, Trần San đã chọn bài thơ của tôi khắc vào tấm bia đá lớn đặt trong phòng truyền thống của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Lừng lẫy Điện Biên

Rạng danh thế giới

Được lòng Quân

Hợp ý toàn Dân

Anh sống mãi với non sông đất nước.

Đại tá Nguyễn Trần Thiết