Những lỗ hổng ở "miền đất vàng" (Kỳ 2: Những chuyến đi không về...)
Tại Quảng Nam, hầu như năm nào cũng xảy ra vài vụ tai nạn khiến nhiều phu vàng phải bỏ mạng, đặc biệt là ở những bãi vàng trái phép. Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do địa bàn xa xôi, hiểm trở, việc quản lý con người vào ra khu vực làm vàng trái phép rất khó khăn. Chính việc quản lý không xuể nên một số nơi "vàng tặc" mặc sức lộng hành, kéo theo đó là những vụ tai nạn thương tâm.
Một góc bãi vàng ở xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn. |
Anh N.V.D. (1984, trú TT Khâm Đức, H. Phước Sơn) là nhân viên bảo vệ một trường học, nhưng do có người quen làm ở một bãi vàng trái phép tại xã Phước Kim (H. Phước Sơn), anh D. vào đó để coi ngó và kiêm việc nấu ăn cho các phu vàng. Trưa 30-7, trong lúc nấu cơm thì anh D. phát hiện cơm bị sống. Nghĩ có điềm báo không hay, anh D. ra khám nhỏ trước lán trại thắp nén hương. Tuy nhiên, lúc đó bất ngờ có một tảng đá to từ trên cao rơi xuống trúng người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phối hợp với CAH Phước Sơn tiến hành khám nghiệm thi thể, điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Được biết, tại địa bàn xã Phước Kim, tình trạng các đối tượng lén lút khai thác vàng trái phép âm ỉ nhiều năm nay. Các điểm khai thác trái phép được địa phương khoanh vùng như khu vực bãi 2 - Trà Văn A, bãi 3, bãi Bom. Theo UBND xã Phước Kim, từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào lực lượng liên ngành của xã như CA, xã đội, cán bộ địa chính cũng tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn. Qua 10 đợt truy quét gần đây, chính quyền xã đẩy đuổi gần 30 phu vàng ra khỏi rừng, phá hủy hơn 10 lán trại, 11 máy nổ, máy xay đá cùng nhiều máy móc phục vụ khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rời hiện trường thì các đối tượng quay lại khai thác, nên việc truy quét không ngăn chặn triệt để...
Trước đó ngày 8-5, một nhóm người gồm Trịnh Ngọc Phước (1970, trú xã Tiên Lộc, H. Tiên Phước), Nguyễn Bông (1976, trú xã Quế Trung, H. Nông Sơn), Nguyễn Ngọc Ninh (1986, trú xã Quế Phong, H. Quế Sơn), Nguyễn Văn Phi (1987, trú xã Tiên Mỹ, H. Tiên Phước) và Võ Văn Thuyền (1993, trú xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước, Quảng Nam) bàn bạc thống nhất vào tổ chức khai thác vàng trái phép tại đồi Thành Mỹ 1 (thuộc địa phận xã Đắc Pring, H. Nam Giang). Đến ngày 18-5, cả nhóm tiến hành khai thác vàng tại hầm lò cũ ở đồi Thành Mỹ 1 (trước đây đã có người khai thác). Tuy nhiên, khi Trịnh Ngọc Phước đang leo xuống hầm để làm việc thì bất ngờ bị rơi xuống dưới hầm khiến phu vàng này bị thương và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Đầu tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử đối với Đặng Văn Bòi (1978) và Trần Xuân Tuyến (1983, cùng trú tỉnh Thái Nguyên) về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Đây là vụ sập hầm vàng trái phép đặc biệt nghiêm trọng làm cho 6 người phải tử nạn. Theo cáo trạng, tháng 2-2017, Đặng Văn Bòi, Trần Xuân Tuyến và Đặng Văn Bách lặn lội từ quê vào bãi 39 (xã Phước Hòa, H. Phước Sơn, Quảng Nam) khai thác vàng thuê cho một ông chủ người đồng hương. Đến khoảng tháng 9-2017, ông chủ này nghỉ làm nên Bách bảo Tuyến, Bòi đến bãi 38 (xã Phước Hòa) kế bên để khai thác vàng. Để có lao động làm việc, Bách gọi điện thoại cho người quen tìm giúp công nhân với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đến ngày 7-10-2017, Bách tìm được 12 người ở các tỉnh phía Bắc vào làm cho mình.
Những ngày đầu, nhóm tập trung chặt cây làm lán trại, vận chuyển, tập kết máy móc lên bãi. Để công việc đạt hiệu quả, nhóm của Bách chia thời gian khai thác vàng làm 2 ca. Ca ngày làm việc từ 6 giờ đến 17 giờ do Bách quản lý, ca chiều từ 18 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau và do Bòi quản lý. Riêng Tuyến lo công việc hậu cần, lương thực thực phẩm, theo dõi chấm công, tạm ứng card điện thoại, thuốc hút của công nhân để trừ vào tiền lương.
Lao động làm việc trong các hầm vàng tiềm ẩn tai nạn rất cao. |
Trong quá trình khai thác vàng, đến tháng 11-2017, Quảng Nam hứng chịu cơn bão số 12 gây mưa lũ nhiều ngày. Lo sợ nước lũ cuốn trôi máy móc và công cụ làm vàng nên trưa ngày 5-11-2017, nhóm phu vàng xuống khe suối khiêng máy móc lên lán trại thì bất ngờ xảy ra sạt lở núi. Hậu quả vụ sạt lở khiến 6 người (trong đó có Bách) bị đất đá vùi lấp. Khi sự việc xảy ra, mọi người còn lại đã tổ chức đào bới tìm kiếm được 5 thi thể. 4 ngày sau, thi thể cuối cùng mới được tìm thấy. Theo bản kết luận khám nghiệm tử thi, 6 nạn nhân tử vong do ngạt cơ học, suy hô hấp và suy tuần hoàn không hồi phục. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Tuyến 24 tháng tù treo, bị cáo Bòi 30 tháng tù treo cùng về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên"...
Theo lãnh đạo các địa phương có những bãi vàng trái phép hoạt động, các bãi vàng xảy ra chết người hầu hết phân tán nhỏ lẻ, chưa được cấp phép khai thác. Những hầm vàng này trước đây địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét liên tục, tuy nhiên việc quản lý con người vào ra khu vực làm vàng trái phép rất khó khăn. Bởi địa bàn xa xôi, cách trở, người đi làm vàng có nhiều thông tin, khi triển khai truy quét thì họ giải tán, rời khỏi hiện trường, kết thúc truy quét thì họ tiếp tục làm lại.
Trước những vụ tai nạn lao động chết người ở các bãi vàng trái phép, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu chính quyền các huyện miền núi siết chặt quản lý, mở các đợt truy quét liên tục. Với các vụ xảy ra chết người, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan làm rõ có hay không sự làm ngơ, bao che của chính quyền địa phương trong hoạt động khai thác trái phép, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xử lý nặng đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. "Thực tế, việc truy quét của chúng ta chỉ mang tính sự vụ thôi, không ngăn chặn tận gốc. Việc xảy ra chết người chủ yếu ở các điểm khai thác phân tán, nhỏ lẻ. Về lâu dài, những khu vực phân tán vàng nhỏ lẻ sẽ được đề xuất cấp phép khai thác để dễ quản lý, kiểm soát" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG