Những lỗ hổng ở "miền đất vàng" (Kỳ 3: Cyanua, vật liệu nổ len lỏi trong bãi vàng)

Thứ bảy, 31/08/2019 20:07

Để khai thác vàng, hai nguyên liệu không thể thiếu đó là vật liệu nổ và hóa chất cyanua. Đây là những mặt hàng được quản lý nghiêm ngặt, cấm buôn bán trái phép. Thế nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng làm vàng trái phép dễ dàng tiếp cận những mặt hàng cấm trên mỗi khi có nhu cầu...

Một số đối tượng vận chuyển vật liệu nổ vào bãi vàng bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam bắt giữ.

Phòng An ninh điều tra CA tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ khai thác vàng trái phép có sử dụng vật liệu nổ tại khu vực bãi vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh). Nói đến khu vực bãi vàng Bồng Miêu, nhiều người nghĩ ngay đến "thủ phủ vàng trái phép". Bởi từ sau khi Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu "bỏ của chạy lấy người" để lại khoản nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế, nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh kéo đến đây lập lán trại khai thác vàng trái phép ngay trên chính những hầm lò cũ của Cty làm trước đó.

Việc khai thác vàng trái phép ở đây nhiều người ví như "nấm mọc sau mưa". Bởi khi nhìn lên những ngọn đồi, người dân dễ dàng bắt gặp hàng chục lán trại phủ bạt xanh trải dài khắp các triền đồi trông như những "cây nấm xanh" giữa những núi rừng nham nhở màu đất đỏ bị cày xới. "Vàng tặc" mặt sức lộng hành tại đây dù cho hằng tháng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều tổ chức những đợt truy quét. Xong khi đoàn rút lui, sự việc đâu lại vào đấy. Đất đai bị cày xới, hóa chất được sử dụng bừa bãi tràn lan khắp nơi. Đặc biệt, vật liệu nổ được các đối tượng tuồn vào để "vàng tặc" nổ mìn lấy quặng khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam bí mật đột kích kiểm tra tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu phát hiện có 5 lán trại, với khoảng 20 công nhân đang thực hiện các hoạt động khai thác vàng trái phép. Qua đấu tranh, các công nhân Hồ Xuân Bốn (1992), Nguyễn Văn Tuyến (1998, cùng trú xã Trà Giáp, H. Bắc Trà My) khai nhận, được đối tượng Nguyễn Văn Nho (còn gọi là Phu, 1979, trú xã Tam Lãnh) thuê vào khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khai thác vàng từ giữa tháng 6-2019. Trong quá trình khai thác vàng, các công nhân khai nhận được đối tượng Phu chỉ đạo và cung cấp thuốc nổ, kíp nổ và dây cháy chậm để thực hiện việc khoan đá nổ mìn để lấy đá quặng xay tuyển lấy vàng.

Kiểm tra tại hầm khai thác vàng (ngách chụm, khu AD) có chiều dài từ ngoài miệng hầm vào khoảng 1.000m, lực lượng chức năng phát hiện bên trong hầm có nhiều công cụ, phương tiện phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép gồm: 16 máy nổ, máy xay các loại, 5 dàn tuyển rùng, 4 máy nén khí, 3 củ điện, 4.500m dây dẫn nước, 1.000m dây điện, 300 lít dầu diesel và nhiều công cụ, phương tiện khác. Ngoài ra, lực lượng CA còn phát hiện một can nhựa màu xanh bên trong có chứa 6 thỏi thuốc nổ hình trụ tròn, mỗi thỏi có chiều dài khoảng 10cm đến 12cm, đường kính khoảng 2 đến 3cm có gắn kíp và dây cháy chậm, chưa xác định được khối lượng, được bọc kín bằng nilon. Tổ công tác đã tiến hành dán niêm phong và lập biên bản tạm giữ tang vật nêu trên, đồng thời phá hủy làm mất tác dụng và đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực khai thác, lập lại ANTT trên địa bàn.

Đối với hành vi khai thác vàng trái phép do đối tượng Nguyễn Văn Nho thực hiện, Phòng Cảnh sát Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính, đang củng cố hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các tang vật nghi là thuốc nổ và kíp nổ có dấu hiệu của tội phạm hình sự, Phòng Cảnh sát môi trường đã lập thủ tục chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu, tang vật đến Phòng An ninh điều tra để tiếp tục thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm có đến hàng tấn chất độc cyanua cũng như vật liệu nổ được tuồn trái phép vô các bãi vàng. Tuy nhiên, do lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, số vụ bị phát hiện, bắt giữ rất khiêm tốn. Mới đây, CAH Phú Ninh phối hợp với CATP Tam Kỳ (Quảng Nam) mật phục bắt quả tang đối tượng Lê Văn Sang (1986, trú xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh) vận chuyển trái phép 75kg chất độc cyanua lên bãi vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh) để bán cho các đối tượng khai thác vàng trái phép nhằm kiếm lời. Tuy nhiên, khi Sang điều khiển xe máy chở theo 2 bao lát bên trong có chứa 75kg cyanua đến khu vực ngã tư Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân (P. An Sơn, TP Tam Kỳ) thì bị lực lượng chức năng bắt giữ...

 Đối tượng Lê Văn Sang bị bắt quả tang khi vận chuyển trái phép 75kg chất độc cyanua.

Ngoài thủ đoạn vận chuyển chất cấm bằng xe máy, nhiều đối tượng còn sử dụng ô-tô vận chuyển cyanua với thủ đoạn tinh vi. Cụ thể như cuối năm 2018, tại Km1324 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, Quảng Nam), Tổ TTKS của Đội CSGT số 2 (thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam) phát hiện xe ô-tô bán tải BKS 43C-127.56 do ông Phạm Xuân (1970, trú xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) điều khiển lưu thông hướng Đà Nẵng-Kon Tum có biểu hiện nghi vấn nên cho dừng để kiểm tra. Qua kiểm tra, chiếc xe trên có hành vi vi phạm vê TTATGT như, lắp bánh lốp không đúng kích cỡ, không có giấy đăng ký xe. Tổ tuần tra tiếp tục kiểm tra phương tiện và hàng hóa trên xe thì phát hiện có 25 bao tải màu vàng giống nhau, bên trong chứa chất độc cyanua, với tổng khối lượng lên đến 625kg cyanua. Tổ tuần tra kiểm soát đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản sự việc và bàn giao toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện cho CAH Nam Giang để tiếp tục điều tra làm rõ.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Trần Thanh Hà cho rằng, hiện nay ở một số huyện miền núi của tỉnh tình hình khai thác vàng trái phép có sử dụng hóa chất cyanua, vật liệu nổ diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý khoáng sản trên địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các địa phương, các ngành tổ chức thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khoáng sản vàng nói riêng bằng nhiều văn bản.

Tuy nhiên, ông Hà cũng nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù các ngành, các cấp của tỉnh đã rất quyết tâm, thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý, đẩy đuổi được nhiều đối tượng khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vàng trái phép nói riêng nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn "vàng tặc", dẫn đến tài nguyên bị thất thoát, xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, thất thu tiền nhà nước, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường... "Nguyên nhân do khu vực các đối tượng khai thác vàng trái phép hoạt động chủ yếu ở vùng núi cao, có địa hình hiểm trở, cách biệt về giao thông, nên sau các cuộc truy quét vẫn có nhiều đối tượng chây ì quay lại tiếp tục khai thác"- ông Hà nói.

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG