Những mảnh đời khắc khổ trên “thánh địa vàng” (Kỳ cuối: Hệ lụy từ tục đâm trâu)

Thứ sáu, 22/11/2019 12:00

Cũng chính vì đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên tình trạng mê tín dị đoan còn rất phổ biến trong đời sống người dân xã Phước Thành, H. Phước Sơn (Quảng Nam). Trong đó phải kể đến tục đâm trâu của người dân nơi đây khiến cuộc sống khó khăn càng lâm vào cảnh nghèo đói triền miên. Đau ốm, được mùa, có người thân qua đời, sét đánh trúng rẫy... là những lý do bắt buộc người dân nơi đây (đa số là người Giẻ Triêng) phải đâm trâu để cúng tế.

Già làng Hồ Văn Ngoài kể về tục đâm trâu của người dân trong xã. 

Giơ 5 kg thịt trâu được gia chủ “tạ lễ” như khoe với chúng tôi, già làng Hồ Văn Ngoài (70 tuổi, trú thôn 2, xã Phước Thành) cho hay, ông vừa đi cúng lễ đâm trâu cho gia đình anh Hồ Văn Nhấp ở thôn 4 về. Đây là lần thứ hai trong năm ông làm thầy cúng lễ đâm trâu cho người dân trong xã. Mỗi lần cúng, già Ngoài được gia chủ chia cho một phần thịt trâu mang về.

Khi được hỏi về tục đâm trâu của dân làng, già Ngoài cho rằng tục này có từ rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ và khẳng định, dù những tập tục khác có thể bỏ, nhưng tục đâm trâu này không thể bỏ được. Dù ông biết rằng, tục này còn tồn tại thì người dân còn tốn kém, nghèo khổ. Theo ông Ngoài, sở dĩ người dân không bỏ được bởi tục đâm trâu rất thiêng liêng đối với đồng bào mình. Ông Ngoài cho biết, gia đình mình cũng đã hơn 10 lần tổ chức đâm trâu, mỗi đợt tốn kém hàng chục triệu đồng. “Những lần đâm trâu của tôi đều gắn với những luật lệ thiêng liêng. Tôi đâm từng ấy còn ít, trong xã có người đâm nhiều gấp mấy lần tôi”, ông Ngoài phân trần.

Với ý nghĩa chữa bệnh cho người đau ốm, cúng người chết, tạ ơn “Giàng” vì mùa màng bội thu... của người Giẻ Triêng ở xã Phước Thành nói riêng và những xã vùng cao của H. Phước Sơn nói chung đã có từ lâu đời. Theo tục, dân làng nếu ai săn bắt đủ 100 con thú; một gia đình trồng lúa nương thu hoạch hơn 100 gùi, hoặc nương rẫy, nhà cửa không may bị sét đánh trúng thì phải đâm một con trâu... Người Giẻ Triêng quan niệm đâm trâu càng nhiều thì thần linh càng phù hộ.

Một hộ dân thôn 4, xã Phước Thành chuẩn bị cho lễ đâm trâu để chữa bệnh. 

Cũng theo ông Ngoài, nếu người Kinh ở đồng bằng hàng năm đến ngày giỗ cha mẹ thì phải làm heo, gà... cúng, còn người Giẻ Triêng chỉ đâm trâu cúng một lần rồi không làm nữa. Bất cứ hộ nào có người qua đời cũng phải cúng trâu một lần. Nếu con cái không đủ tiền làm trâu cúng thì ghi nợ đến đời con cháu thực hiện, nếu không đâm trâu sẽ bị người chết về đòi và giáng bệnh tật.

Dẫn chứng cho điều đó, ông Ngoài cho biết gia đình anh Hồ Văn Nhấp tổ chức cúng trâu bởi gần đây người này thường hay bị đau ốm. “Nhấp đi xem bói, được thầy cúng nói do chưa đâm trâu cúng cha nên bị con ma đòi. Mà đúng thật, từ khi cha mất, gia đình còn quá khó khăn, không có điều kiện mua trâu cúng nên anh Nhấp xin nợ. Tuy nhiên lần này anh đành phải vay mượn mua con trâu hơn 25 triệu đồng, tự nấu hơn 10 ché rượu cần và hai tạ gạo để làm lễ cúng với mong muốn mình được khỏe mạnh”, già Ngoài thông tin.

Lễ đâm trâu nhà anh Nhấp diễn ra trong 3 ngày theo luật tục. Trong những ngày đó, anh Nhấp mời tất cả mọi người trong làng đến dự. “Tôi bỏ tiền ra tổ chức đâm trâu để được lành bệnh chứ không thu về được gì. Không có tiền thì vay mượn để làm cho bằng được. Ngoài tiền mua trâu, tôi còn mua gạo nấu rượu, mua heo làm lễ trước ngày đâm trâu, lo ăn uống cho người dân trong 3 ngày nên tốn kém trên 50 triệu đồng”, anh Nhấp nói.

Trước anh Nhấp, gia đình chị Hồ Thị Tình (ở thôn 2, xã Phước Thành) cũng hay ốm đau nên đến gặp thầy cúng. Thầy bảo chị ốm do mẹ về đòi trâu nên phải làm lễ đâm trâu mới khỏi. Gia đình chị Tình thuộc diện hộ nghèo nhưng buộc phải có trâu để cúng. Chị đi vay mượn tiền mua trâu, heo, gạo, rượu... hết hơn 40 triệu đồng để làm lễ cúng. Sau lễ cúng, sức khỏe chị Tình không khá hơn chút nào mà bệnh tình còn nặng thêm nên cuối cùng chị phải đến bệnh viện khám. “Bác sĩ nói tôi bị loét dạ dày và điều trị ở bệnh viện hơn một tuần thì đỡ”, chị kể và cho biết số tiền nợ từ đâm trâu đến nay đang chờ vào khai thác vườn quế để lấy tiền trả nợ.

Ngoài luật tục đâm trâu, địa phương này còn nhiều hủ tục khác, như khi phụ nữ chưa có chồng mà có thai thì khi sinh con không được sinh ở nhà mà phải ra ngoài bìa rừng dựng lều để sinh, sau 10 ngày cúng heo cáo lỗi mới được về nhà; hoặc khi thu hoạch vỏ quế phải phơi ngoài đường, ngoài rẫy chứ không được đem về nhà phơi...

Đầu trâu được treo khắp các nhà văn hóa thôn ở xã Phước Thành.

“Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên những hủ tục ở địa phương đã dần được xóa bỏ. Người dân bắt đầu ra trạm xá khám, lấy thuốc về điều trị mỗi khi đau ốm nên tục cúng trâu chữa bệnh đã giảm. Nhưng những dịp được mùa, cúng người chết, tạ ơn thần linh thì người dân không bỏ. Chính quyền đã vận động, thuyết phục người dân bỏ tục đâm trâu nhưng gần như không có kết quả. Bởi họ cho rằng những hủ tục khác có thể bỏ được, xong tục đâm trâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, và có ý nghĩa rất thiêng liêng nên khó mà bỏ được”, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành Hồ Văn Phức nói.

Chính vì thế, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các nhà văn hóa của các thôn trên địa bàn xã Phước Thành nhà nào cũng treo rất nhiều đầu trâu – kết quả của những lần đâm trâu trong thôn. Sự tốn kém khi phải theo đuổi tục lệ đâm trâu đã trở thành một gánh nặng tài chính, khiến cái nghèo cứ đeo bám người dân xã vùng cao nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch H. Phước Sơn cho biết, thời gian qua huyện đã đề nghị các già làng, trưởng bản có uy tín tuyên truyền người dân không tổ chức đâm trâu cúng chữa bệnh. H. Phước Sơn đang giao cho phòng văn hóa nghiên cứu bảo tồn văn hóa, trong đó các phong tục không phù hợp sẽ đưa vào nghị quyết để chỉ đạo, vận động người dân loại bỏ.

BÃO BÌNH