Những ngày tác nghiệp ở Trà Leng

Thứ hai, 21/06/2021 20:59

Ảnh hưởng của cơn bão số 9, khuya 27 và ngày 28-10-2020 mưa to kéo dài khiến nhiều địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng.

Các lực lượng chức năng nỗ lực đào từng tấc đất, lật từng hòn đá, thanh gỗ tìm kiếm những nạn nhân bị vùi lấp.

Khoảng 22 giờ ngày 27-10, trong lúc đang trú bão tại trụ sở Văn phòng đại diện Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng tại Quảng Nam chúng tôi nhận thông tin xảy ra vụ sạt lở tại nóc Ông Đề thuộc xã Trà Leng, H. Nam Trà My khiến hàng chục người dân bị vùi lấp. Lúc này gió bão đã ngưng, nhưng hậu quả của cơn cuồng phong vẫn chưa kịp khắc phục. Được sự phân công của lãnh đạo cơ quan, ngay trong đêm chúng tôi dùng xe máy di chuyển lên hướng Nam Trà My.

Tuy nhiên, khi mới đi được đến đoạn xã Tam Dân (H. Phú Ninh) thì cây cối ngã đổ chắn ngang đường dày đặc, xe không thể tiếp tục di chuyển. Toàn tỉnh mất điện hoàn toàn, trời tối như mực. Lúc này, lực lượng chức năng và quân đội cũng bắt đầu di chuyển lên Nam Trà My để cứu nạn, nhưng đến khu vực này phải dừng lại. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có mặt chỉ đạo lực lượng khẩn trương mở đường để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi. Nhận thấy giao thông bị ách tắc, không thể tiếp tục di chuyển được, chúng tôi đành quay lại Tam Kỳ chờ đợi.

Người dân thẫn thờ kể với P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại nóc Ông Đề.

Đến rạng sáng 28-10, khi tuyến đường qua đoạn Phú Ninh, Tiên Phước đã được thông, chúng tôi khẩn trương di chuyển lên hướng Nam Trà My. Đến khu vực bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My), núi bị sạt lở vùi lấp cả đoạn dài trên tuyến QL40B nên lại tắc. Chính quyền tỉnh Quảng Nam và Quân khu 5 đã huy động nhiều phương tiện cơ giới để mở đường. Đến trưa, con đường đã thông vào gần đến cầu Trà Leng. Tuy nhiên, muốn vào nóc Ông Đề còn hơn 5km đường bị sạt lở nghiêm trọng khiến các phương tiện không thể vào. Muốn sớm tiếp cận hiện trường vụ sạt lở, chúng tôi cùng đồng nghiệp quyết định đi bộ băng qua hàng chục điểm sạt lở. Có những nơi chúng tôi vừa đi qua được một đoạn thì đất tiếp tục đổ ầm ầm phía sau lưng...

Trên đường vào khu vực bị sạt lở, cảnh người dân khiêng, cõng những nạn nhân bị thương đi cấp cứu, gương mặt ai cũng thất thần khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chị Trần Thị Kim Yến (29 tuổi) thẫn thờ cõng đứa con gái nhỏ người đầy vết thương chạy đến xin chúng tôi ngụm nước. Chị tâm sự với chúng tôi rằng, gia đình chỉ còn mẹ con chị là may mắn sống sót. Nghe chị nói vậy, chúng tôi phần nào hình dung được mức độ vụ sạt lở là rất khủng khiếp.

Nhóm P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng xuyên đêm cùng các đơn vị từ thiện gánh lương thực vào cho bà con vùng sạt lở.

Gần 2 giờ đi bộ, chúng tôi tiếp cận hiện trường và sững sờ chứng kiến cả ngôi làng bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Những tảng đá to như ngôi nhà, những cây rừng cổ thụ bị nước cuốn trôi lăn lóc. Tiếng gào khóc của người thân vọng khắp núi rừng khiến ai nấy cũng đau xé lòng. Nỗi đau dâng lên gấp bội phần khi chứng kiến những thi thể được lực lượng chức năng đưa lên từ lòng đất. Có những thi thể trẻ em nằm co quắp dưới đống đổ nát, nhiều phóng viên tác nghiệp tại hiện trường phải bật khóc khi nhìn cảnh tượng đau lòng đó. Như phóng viên Đoàn Hữu Trung (Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam) phải đưa máy quay đi nơi khác rồi anh bật khóc nức nở...

Sau khi tác nghiệp tại hiện trường, chúng tôi đi bộ ngược ra quán nước tại cầu Trà Leng để xử lý thông tin chuyển về cơ quan, bởi khu vực này mới có sóng 3G và quán có sử dụng máy nổ phát điện. Tuy nhiên, đây cách xa hiện trường vụ sạt lở hơn 5km. Khi những thông tin, hình ảnh đầu tiên tại hiện trường được gửi về cơ quan, chúng tôi tiếp tục quay lại ghi nhận công tác tìm kiếm, cứu hộ của các lực lượng chức năng. Cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến con đường vào nóc Ông Đề thêm phần khó khăn và nguy hiểm, nhưng chúng tôi và các đồng nghiệp vẫn bám sát tại hiện trường để kịp thời thông tin cho bạn đoc.

Trời chập choạng tối, nhóm phóng viên chúng tôi mới rời khỏi hiện trường. Trên đường đi, chúng tôi gặp đoàn từ thiện mang lương thực, nước uống vào cho người dân. Tuy nhiên việc di chuyển rất khó khăn và vất vả. Thấy vậy, chúng tôi quyết định giúp họ mang vào cho người dân. Đến khuya, chúng tôi lặn lội trong đêm tối rời khỏi hiện trường, về thị trấn Bắc Trà My thuê phòng trọ nghỉ ngơi. Lúc này đã 2 giờ sáng. Nằm chợp mắt được một lúc thì chúng tôi tiếp tục vào hiện trường vụ sạt lở, bởi nơi đây vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy...

Ngôi làng Bằng La được các cấp chính quyền, Mạnh Thường Quân chung tay xây dựng ngôi làng mới khang trang cho người dân bị sạt lở tại nóc Ông Đề.

3 ngày liên tiếp tác nghiệp ở đây chúng tôi cũng như nhiều người dân khác dõi theo lực lượng tìm kiếm đào từng tấc đất, lật từng hòn đá, thanh gỗ. Mỗi khi tìm thấy được thi thể, gương mặt mọi người trong đoàn lại vơi đi bớt niềm lo lắng, đau buồn. Bởi hơn ai hết, chúng tôi biết những người mất tích đồng nghĩa với việc họ đã tử nạn. Niềm hy vọng lúc đó là mong muốn được tìm thấy thi thể để an táng người quá cố, cũng như an ủi người thân đang ngóng tìm... Và đến nay, dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực tìm kiếm, nhưng vẫn còn 13 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi ở Trà Leng chưa được tìm thấy.

Để phần nào xoa dịu nỗi đau nơi đây, các cấp chính quyền, Mạnh Thường Quân đã chung tay xây dựng ngôi làng mới mang tên Bằng La khang trang. Cuộc sống người dân nơi đây đang dần hồi sinh, phát triển. Nhưng có lẽ trong tiềm thức của người dân nói chung và những phóng viên từng tác nghiệp tại đây sẽ không thể nào quên những ngày tang thương mang tên Trà Leng...

LÊ VƯƠNG