Những người bạn Lào tôi đã gặp

Thứ bảy, 20/01/2018 18:30

Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào (20-1-2018), tôi lại nhớ những lần gặp gỡ sĩ quan Lào. Có người tiếp xúc nhiều lần, có trường hợp nhân một lần đến thăm rồi đi. Nhưng tất cả đều đọng lại trong tôi tình cảm ấm áp vô cùng.

Tác giả phỏng vấn Thiếu tướng Khămbun Dươmlátsạvông tại Champasak (2013).

Người tôi gặp nhiều nhất là Thiếu tướng Khămbun Dươmlátsạvông, nguyên Sư đoàn trưởng về quân sự Sư đoàn 5 Lào. Bao giờ cũng thấy ở ông sự hiền hậu, chân tình. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào, Quân khu 5 nói rằng, những ngày họ mới qua (2006), Sư đoàn trưởng Khămbun đã như người bạn thân thiết. Thông cảm với đơn vị không nhà cửa, nơi đặt bản doanh là đồi cây dại, Thiếu tướng đã bố trí đơn vị ăn ở Tiểu đoàn 18 cho đến khi bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Ông đến thăm thường xuyên Công ty, đặc biệt là những ngày lễ tết để động viên, sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt khi đơn vị đề nghị. Đặc biệt về các thủ tục pháp lý với chính quyền sở tại, ông giao cán bộ đi cùng, tận tình giúp đỡ để công việc trôi chảy. Một số khu vực trước khi xây dựng doanh trại của Công ty, các gia đình quân nhân của Sư đoàn đã trồng lúa, hoa màu nhưng khi có lệnh, họ sẵn sàng bàn giao mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. 10 năm qua, trong hành trình của Công ty trên đất bạn, khó có thể nói hết sự biết ơn của đơn vị đối với ông.

Với Quân khu 5, không chỉ sang dự lễ ký hiệp ước liên tịch hàng năm (luân phiên), Thiếu tướng Khămbun còn đi thăm rất nhiều đơn vị và tỉnh thành miền Trung. Còn nhớ lần ông cùng đoàn đại biểu Sư đoàn 5, Lào dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) tại Gia Lai. Ông rành lịch sử Trung đoàn khi nói với mọi người xung quanh về chiến công của đơn vị khi giúp Lào giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven (1971). Ông luôn tạo điều kiện để quân nhân trẻ Sư đoàn 5 sang học hỏi, tập huấn tại Quân khu 5. Nữ quân nhân Sư đoàn cũng đã nhiều lần sang giao lưu với phụ nữ Quân khu. Với bạn Việt Nam sang Lào, ông đều dành tình cảm đặc biệt. Nhớ có lần tôi xin phỏng vấn ông ở Pắk Sế, hôm đó dù đã có lịch, vậy mà ông hoãn lại một cuộc gặp để “tiếp nhà báo Việt Nam”. Bởi với ông, tuyên truyền cho tình hữu nghị 2 nước thì không có gì ưu tiên bằng.

Ở Tiểu đoàn Đặc công 429 Sư đoàn 5, tôi rất vui khi mới đến, Trung tá KẹoUĐom ThạViVăn ChănPhêng, Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá SẳmLan ĐuộngMaLa, Tiểu đoàn phó quân sự đã đón tiếp niềm nở. Họ từng học sĩ quan ở Việt Nam nên cách nói chuyện như người nhà. Các anh không giấu bất cứ điều gì về khó khăn của đơn vị và thú thật nhiều điều học ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng hết. Thấy tôi ái ngại về bếp ăn quá đơn sơ, các anh nói rằng, đơn vị đang đặt ra kế hoạch 5 năm sẽ thay đổi hoàn toàn cơ sở vật chất Tiểu đoàn. Quả thật như vậy, tháng 8-2016 qua thăm lần thứ hai, tôi khá ngạc nhiên khi “Bốn Hai Chín” đã khoác gương mặt mới. Bếp ăn tạm bợ ngày trước nay đã rất khang trang. Doanh trại xanh- sạch- đẹp đến tận cấp trung đội. Tất cả là nhờ bàn tay cán bộ, chiến sĩ tự lực tự cường, không trông chờ kinh phí trên cấp. Thú vị hơn nữa là tôi gặp lại Trung tá Tiểu đoàn trưởng KẹoUĐom ThạViVăn ChănPhêng khi anh sang Bệnh viện QY 17 chữa mắt. Anh rất vui khi giới thiệu tôi với đoàn cán bộ nước bạn đi chữa bệnh. Những tờ báo viết về Tiểu đoàn tôi mang vào tặng được anh đọc to cho các bệnh nhân cùng nghe trong niềm phấn khởi, tin yêu.

Đã 6 năm, tôi vẫn nhớ như in chuyến thăm  nhà Thiếu tá Khăm Láy, Ban Đặc công Sư đoàn 5 ở Pắk Sế. Chuyện tình của anh với cô vợ Việt Nam “chấn động” thời đó. Đi học ở Xuân Mai (Hà Nội), anh bị tiếng sét ái tình khi gặp cô thợ may xinh đẹp Lê Thị Diện quê gốc Thanh Hóa. Đối mặt không ít trở ngại ban đầu, nhưng cuộc sống vợ chồng KhămLáy – Lê Thị Diện đã ổn định dần ở Champasak sau khi anh đưa nàng về dinh. Cô chủ tay nghề vững vàng, tính tình vui vẻ, xởi lởi. Vải được mua từ Việt Nam qua rẻ hơn nước sở tại, lại lấy tiền công bằng nửa so với thị trường nên tiệm may của Diện ngày càng đông khách. Công việc làm ăn đang thuận lợi thì do hàng xóm bất cẩn, nhà vợ chồng KhămLáy bị cháy lây. Lửa cháy ngùn ngụt là thế, bộ đội và bà con xung quanh đã lao vào cứu đồ đạc cho gia đình, giữ được nhiều tài sản. Sư đoàn 5, ngoài cho tiền còn cử 5 chiến sĩ biết nghề xây dựng đến giúp công cả 2 tháng ròng xây lại ngôi nhà mới. Khi nghe mọi người trêu “lấy được người chồng sĩ quan chiều vợ, chăm con giỏi như Khăm Láy là quá may mắn”, anh cười bẽn lẽn: “Mình mới hên chứ. Cô ấy đã vì yêu mà sang đây nên mình không chỉ biết ơn vợ mà cả đất nước  Việt Nam!”.

Đại úy Bunxu Sủnthon Thămmavông, quyền Chỉ huy trưởng quân sự Huyện đội Păk Soòng, tỉnh Champasak có vốn tiếng Việt kha khá để có thể bày tỏ cảm xúc của mình khi chúng tôi hỏi ông về Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Lào mà Huyện đội đang quản lý. Ông nói: "Đài tưởng niệm được bộ đội Việt Nam tôn tạo đẹp, ai cũng phấn khởi. Chúng tôi được UBND huyện giao chủ trì các hoạt động dâng hương của tập thể. Có ngày đón cả chục đoàn từ các nơi trong nước và từ Việt Nam đăng ký vào thăm viếng. Huyện đội cũng tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hoạt động hữu nghị vào ngày 20-1, thành lập QĐND Lào, ngày 22-12, thành lập QĐND Việt Nam, hay các ngày tết của hai nước". Là người nhiều năm nay đồng hành cùng Đội K53, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn, anh say sưa nói về những lần vượt rừng lội suối cùng Đội quy tập, nhớ đến từng ngôi làng đã đi qua. Khi chúng tôi hỏi về các CCB Lào đã từng sát cánh cùng bộ đội quân tình nguyện Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh không ngần ngại dẫn đoàn qua Hội CCB huyện Pắk Soòng, liên lạc giúp các nhân chứng và mời đến trụ sở. Chính nhờ sự nhiệt tình của      anh mà chuyến công tác ấy của chúng tôi đã thành công  tốt đẹp.

Nói sao hết ân tình của những người bạn sĩ quan Lào. Mộc mạc, gần gũi, thủy chung, họ đang bắc tiếp nhịp cầu hữu nghị để tình đoàn kết Việt – Lào ngày càng đơm hoa kết trái.

HỒNG VÂN