"Những người chủ chốt" ở Afghanistan

Thứ hai, 28/08/2017 12:08

Giống như hai người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch giành chiến thắng trong cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Trong bài phát biểu tuần trước, ông Trump khẳng định, Mỹ vẫn là nước lớn ở Afghanistan trong nhiều năm tới, song ông cũng kêu gọi các nước khác ở Nam Á góp phần vào cuộc chiến đẩy lùi phiến quân ở Afghanistan. Hiện quốc gia Nam Á này là mớ hỗn độn về chính sách đối ngoại và là mối quan ngại an ninh đối với các cường quốc khu vực và quốc tế.

Mỹ đang tham gia cuộc chiến dài nhất tại Afghanistan.     Ảnh: Business Insider

Mỹ

Mỹ kéo quân đến Afghanistan vào ngày 7-10-2001 sau khi chính quyền Tổng thống Bush cáo buộc chính phủ Taliban bảo vệ thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden, kẻ đã ra lệnh thực hiện tấn công khủng bố 11-9-2001 vào Mỹ.

Washington thực hiện các cuộc không kích và tấn công mặt đất tại Afghanistan. Không lâu sau đó, các đồng minh Mỹ cũng tham chiến. Tuy nhiên, Washington thất bại trong việc nỗ lực ổn định đất nước, với các hoạt động chống nổi dậy, và các dự án kinh tế có ít bước tiến. Việc triển khai binh sĩ tới Afghanistan lên đến đỉnh điểm vào tháng 8-2010 với 100.000 quân. Hiện tại, có khoảng 9.000 lính Mỹ ở Afghanistan, cùng với các đội quân nhỏ hơn của NATO.

Chính phủ Afghanistan hiện kiểm soát khoảng 60% đất nước, trong khi Taliban đang chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ và sự hiện diện IS gia tăng ở các vùng phía đông. Cuộc chiến 16 năm và nỗ lực tái thiết đã tiêu tốn của Mỹ lên tới 841 tỷ USD và có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD theo một số ước tính. Mặc dù ban đầu, ông Trump ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhưng trong bài phát biểu tuần trước, ông cho biết sẽ tăng quân, nhưng từ chối đưa ra những con số chi tiết.

Ông khẳng định, "kẻ thù của nước Mỹ không bao giờ biết được kế hoạch của chúng ta, hãy tin rằng chúng có thể chờ chúng ta rút khỏi đó. Tôi sẽ không khẳng định thời điểm chúng ta tấn công, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm điều đó".

Pakistan

Ông Trump có những lời lẽ khắc nghiệt đối với Pakistan trong bài phát biểu tuần trước, cho biết, Washington có thể "không còn im lặng về những nơi trú ẩn an toàn mà Pakistan cung cấp cho các tổ chức khủng bố". Trong tuyên bố sau đó, Islamabad bác bỏ những cáo buộc này.

Pakistan - đồng minh lớn của Mỹ- có biên giới với Afghanistan và từ lâu là tuyến đường vận chuyển chính của Mỹ cho Kabul. Đây cũng là tuyến đường chính cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là Mạng lưới Haqqani. Giống như nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại của Pakistan, hành động của Islamabad ở Afghanistan được định hình bằng các mối quan hệ với đối thủ Ấn Độ. Islamabad lo sợ New Delhi thống trị hoặc liên minh chặt chẽ với Afghanistan sẽ khiến nước này bị bao vây và dễ bị tổn thương trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào. "Islamabad muốn chính phủ Kabul yếu kém dưới sự kiểm soát của Taliban để Pakistan có thể duy trì "chiến lược chiều sâu" chống lại cuộc xâm lược của Ấn Độ, ngăn không cho New Delhi thể hiện sức mạnh ở Nam Á và cản trở Ấn Độ hỗ trợ các nhà hoạt động ly khai ở tỉnh Balochistan của Pakistan.

Cho đến khi Ấn Độ vẫn được xem là mối đe dọa, và chừng nào quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách của Pakistan, sẽ không có sự thay đổi cơ bản về "xu hướng chính sách này", báo cáo của tập đoàn Rand Corporation cho biết.

Ấn Độ

Tổng thống Trump cũng mời Ấn Độ, đối thủ chính của Pakistan trong khu vực tăng cường sự hiện diện tại Afghanistan. Kể từ khi Afghanistan trở thành nơi trú ẩn chính cho các nhóm khủng bố đã tấn công các lợi ích của Ấn Độ, tìm cách ổn định và tăng ảnh hưởng tại Afghanistan có ý nghĩa to lớn đối với New Delhi.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn của Afghanistan và đang tăng cường đầu tư vào nước này. Theo báo cáo của Đại sứ Afghanistan tại Ấn Độ Shaida Mohammad Abdali, New Delhi cũng là nhà tài trợ lớn nhất khu vực cho Afghanistan và là nhà tài trợ lớn thứ 5 thế giới với hơn 3 tỷ USD viện trợ từ năm 2001. Sten Rynning, giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc tế và chiến tranh tại Đại học Nam Đan Mạch, viết: "Ấn Độ sẵn sàng chuyển từ sức mạnh mềm sang cứng ở Afghanistan, theo sau tuyên bố của ông Trump". Trong khi New Delhi đã đào tạo cho quân đội Afghanistan từ năm 2011, ông Trump mong đợi Ấn Độ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong tương lai về vấn đề ngoài viện trợ và hỗ trợ kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích, sự quan tâm của Ấn Độ có thể làm tăng căng thẳng và thậm chí là xung đột tiềm ẩn với Pakistan.

Trung Quốc

Việc Ấn Độ tham gia nhiều hơn cũng có thể làm tăng căng thẳng với Trung Quốc, nước đang ngày càng khẳng định vị trí ở Afghanistan trong những năm gần đây trong khi vẫn củng cố mối quan hệ với Pakistan.

Quan hệ Bắc Kinh-Kabul ngày càng tốt đẹp, với việc Tổng thống Afghanistan Ghani chọn Trung Quốc làm chuyến thăm nước ngoài đầu tiên vào năm 2014. Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Afghanistan, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Afghanistan, với thương mại song phương đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2015. Bắc Kinh cũng đang đầu tư 46 tỷ USD vào hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), như một phần của sáng kiến thương mại "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR), mà Trung Quốc kêu gọi Afghanistan trở thành một quốc gia quan trọng.

AN BÌNH (Theo CNN)