Những người không có Tết
(Cadn.com.vn) - Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp vì vậy dù ở đâu, đi đâu ai cũng muốn về nhà với người thân. Thế nhưng, vì mưu sinh, nhiều người phải ở lại nơi đất khách quê người những mong kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống...
Nhìn dòng người đổ xô về các khu vui chơi giải trí tại Đà Nẵng trong những ngày tết đông kịt, ai cũng váy áo xúng xính, gia đình bên nhau cười nói vui vẻ... không ít người xa quê như chị Trần Thị Huyên (1992, Hà Tây, Mỹ Đức, Hà Nội) phải chạnh lòng, rưng rưng. 4 năm mưu sinh ở Đà Nẵng là ngần ấy năm chị không về quê đón tết. "Con em được 1 tuổi là em gửi cho ông bà ngoại, vợ chồng vào Đà Nẵng bán đồ ăn vặt. Nay con đã 5 tuổi rồi vẫn đang sống cảnh vắng bóng mẹ cha, nhiều lúc nhớ con lắm muốn buông bỏ để về quê với con nhưng ở quê nghèo lắm, lại không học hành nhiều nên không có việc gì làm, nên cứ phải cố gắng. Những ngày tết như thế này buồn lắm, nhớ nhà, nhớ con da diết...".
Với chiếc xe đạp 3 bánh, nào chả cá viên, xúc xích, bò viên, bắp... chị Huyên bắt đầu một ngày mưu sinh của mình từ 15 giờ. Những ngày tết, một ngày của chị bắt đầu 8- 9 giờ cho đến 12 giờ đêm, thậm chí như đêm giao thừa phải 2 giờ sáng mới về đến phòng trọ. "Ngày thường bán được tầm 3 đến 4 trăm ngàn đồng/ngày. Tết, cố gắng chăm chỉ cũng được 1 triệu. Người đi chơi tết càng đông thì thu nhập của những người như bọn em khá hơn. Cũng vì bán đắt hàng hơn ngày thường nên em mới cố gắng vượt qua nỗi buồn xa quê, kiếm thêm thu nhập về sau còn có tiền cất cái nhà ở quê cho con cái ở chứ như vợ chồng em hiện nay cực lắm... Ra Giêng, vợ chồng em sẽ nghỉ ít hôm về với con, với bố mẹ rồi lại vào tiếp tục công việc của mình"-chị Huyên tâm sự. Vất vả là vậy song những ngày tết, "lộc" từ việc bán hàng vào đều đều nên không chỉ chị Huyên mà những người bạn đồng hương, đồng nghề lấy đó làm niềm vui, động lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống ở đất khách quê người.
Vì cuộc sống còn chật vật nên nhiều người không về quê đón Tết cùng gia đình. |
Ông Phạm Văn Độ (1960, thôn Cẩm Đồng, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) ra Đà Nẵng bán bong bóng dịp tết. Trước đây ông làm phụ hồ nhưng một lần tai nạn lao động nay không thể làm việc nặng nên mấy năm gần đây, cứ đến dịp lễ, tết ông lại đi bán các loại bóng bay tại các khu vui chơi giải trí. Tết năm nay ông chọn Công viên 29-3, làm điểm bán hàng. Một quả bóng từ 15-10-25 ngàn đồng tùy theo từng loại, giá cao hơn ngày thường 3 đến 5 ngàn đồng. Ông Độ cho rằng "họ tết trước mình tết sau. Quê cũng không xa nên cố gắng kiếm thêm thu nhập ra tết có cái để lo trang trải cuộc sống. Với lại giờ ngồi bán, thấy người ta đi chơi tết đông vui mình cũng vui, tuổi già ở nhà cũng chẳng làm gì...". Dù biết ngày tết không về, con cháu sẽ ngóng trông nhưng bà Nguyễn Thị Út (1952, Quảng Ngãi) "chấp nhận" chịu buồn để kiếm thêm ít đồng từ nguồn bán vé số. "Ngày thường bán ế nhưng ngày mồng 1 tết thường người mua sẽ đông hơn. Quan niệm mua lộc đầu năm cũng như lì xì cho người bán hàng mua mau bán đắt quanh năm, nên hai bên cùng vui vì vậy bà không về quê. Chừng nào "hết mồng" bà sẽ về quê thăm con cháu ít ngày rồi bà lại ra bán vé số", bà Út cho hay. Mặc dù bán vé số không có "lãi" như những món hàng khác nhưng đổi lại người mua có thể đông hơn ngày thường, có thể gặp khách hàng vui tính lì xì đầu năm... Cũng có rất nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cũng chấp nhận ở lại làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống từ công việc phục vụ tại những quán cà- phê, quán nhậu... Thông thường, trong những ngày này thu nhập của các bạn sẽ cao hơn nhiều so với ngày thường. Tuy nhiên, dù tiền kiếm được nhiều hơn ngày thường nỗi nhớ nhà của những người mưu sinh xa quê càng thấm thía hơn. "Mặc dù không về sum vầy cùng gia đình trong tết cổ truyền nhưng chúng con- những người con tha hương làm ăn luôn hướng về gia đình, mẹ cha. Cha mẹ, người thân đừng buồn mà hãy cảm thông, chia sẻ cùng các con, con hứa trong thời gian đến gia đình chúng ta cũng sẽ có những cái tết sum vầy, tết đoàn viên như những gia đình khác, cha mẹ nhé!", đó là lời nhắn chị Huyên gửi đến gia đình của mình ở quê nhà. Và, có lẽ, đó cũng là tiếng lòng chung của những người vì lý do cuộc sống họ đã không về chung vui cùng gia đình trong năm mới.
...Xuân đến, xuân đi, bốn mùa luôn chuyển và guồng quay mưu sinh của những người tha hương sẽ không dừng lại. Bởi với họ, thành quả lao động của ngày hôm nay dẫu có gian nan vất vả cũng là để hướng đến một tương lai tươi sáng sum vầy. Hơn nữa, cho dù họ không đón tết sum vầy cùng người thân nhưng chốn quê tình yêu thương mà gia đình, bạn bè vẫn đong đầy gửi về họ. Thay lời kết, người viết xin gửi đến những người con xa quê mưu sinh trong những ngày tết một năm mới sức khỏe, sớm có những mùa xuân sum vầy, hạnh phúc.
Trang Trần