Những người mẹ ở Bình Minh
(Cadn.com.vn) - Mỗi lần đến xã Bình Minh, H. Thăng Bình (Quảng Nam), chúng tôi có những cảm xúc rất khác nhau. Như lần trở lại này, câu chuyện về những bà mẹ, bằng tình thương yêu vô bờ, giàu đức hy sinh, vượt lên gian khó để lo cho những đứa con tật nguyền khiến chúng tôi vô cùng xúc động!
"Mẹ là ánh sáng đời em!"
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Đào (65 tuổi), trú thôn Bình Tịnh, đúng lúc bà đang gánh nước giếng vào nhà. Đôi vai gầy guộc như oằn xuống trước sức nặng của đôi nước. Gương mặt bà đen đúa, khắc khổ, hằn sâu nhiều vết chân chim... Cũng như bao cô gái ở vùng đất cát Thăng Bình này, đến tuổi cặp kê, bà nên gia thất với ông Vương Công Mai-người cùng thôn, làm nghề đi biển. Rồi họ có với nhau 6 mặt con, trong đó, con gái út Vương Thị Dung (1991) học hành khá nhất. Với nghề đi biển của chồng cùng nghề buôn bán chạy chợ của bà, cuộc sống gia đình họ cứ thế bình lặng trôi qua. Năm 2008, tai ương dồn dập đến với họ: một buổi sáng thức dậy, con gái út đột nhiên không cử động được tay chân. Hốt hoảng, gia đình bà đưa Dung đi bệnh viện thì được bác sĩ cho biết, em mắc bệnh viêm tủy cắt ngang khiến liệt tứ chi. Lúc đó, Dung đang học lớp 11 với nhiều ước mơ, dự định cho tương lai. Vợ chồng bà quyết tâm đưa Dung đi chữa trị khắp nơi, nào Sài Gòn, Huế với mong mỏi sẽ chữa lành bệnh cho em. Trong thời gian này, chồng bà mắc chứng suy thận phải cắt bỏ một quả thận; đứa con trai đầu khi ấy chưa lập gia đình cũng mắc bệnh tim... Của cải dành dụm bấy lâu cứ thế lần lượt đội nón ra đi... Nhớ lại quãng thời gian khốn khó này, bà Đào ứa nước mắt: "Từ lúc cháu Dung bị bệnh, tôi bỏ luôn việc buôn bán chạy chợ để lo chăm sóc cháu. Kinh tế chỉ một mình chồng tôi lo. Rồi ổng bị bệnh thận nên đi biển cũng không được thường xuyên. Lại thêm chuyện lo dựng vợ gả chồng cho mấy đứa lớn, vì thế kinh tế gia đình ngày một khó khăn!". Nói đến đây, bà Đào chợt thở dài nhìn về phía cô con út đang ngồi trên xe lăn, lẩm bẩm: "Giờ mình còn khỏe, còn có sức lo cho con. Không biết, đến khi mình chết đi, ai lo cho nó đây!".
Bà Đào đang giúp cô con gái tập đi. Ảnh: NHY-VY |
Khi hằng ngày chứng kiến cảnh mẹ phải làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt, hết lo cho mình lại quay sang giặt giũ, cơm nước, chăm heo gà, làm vườn, Dung quyết tâm không để mình trở thành gánh nặng cho mẹ. Cô cố gắng tập luyện đôi tay để tự làm một số việc phục vụ bản thân. Sau khi ôn lại kiến thức đã học, Dung tập hợp trẻ em nghèo trong thôn lại để dạy miễn phí. Dung còn tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, thiện nguyện ở địa phương. Vốn có năng khiếu viết văn, bằng cảm nhận và trải nghiệm từ cuộc sống, cô viết văn thơ cộng tác một số tờ báo kiếm nhuận bút phụ giúp cho gia đình. Nói về mẹ, cô rưng rưng: "9 năm qua, nếu không có cha mẹ, anh chị động viên, chăm sóc, đặc biệt là mẹ, chắc em không có đủ nghị lực để vượt qua nỗi đau này. Mẹ chính là đôi tay, đôi chân, là ánh sáng dẫn dắt em bước qua bóng tối của cuộc đời! Em yêu mẹ vô cùng!".
Khát khao một tiếng "Mẹ ơi"!
So với hoàn cảnh gia đình bà Đào, cuộc đời của vợ chồng bà Lê Thị Cúc (55 tuổi)- trú Bình Tân khốn khó, bi thương hơn nhiều. Năm 1981, bà Cúc lập gia đình với anh Phạm Phú Ba- cùng quê, làm nghề đi biển. Từ năm 1982 đến 1998, bà sinh được 6 đứa con nhưng 4 đứa mắc bệnh bại não bẩm sinh. Từ đó, một mình chồng đi biển kiếm tiền để bà nuôi các con ở bệnh viện trong thời gian dài. Nhưng tai ương nào đã buông tha cho họ khi cơn bão năm 1995 làm sập căn nhà, phải đi vay khắp nơi xây lại nhà mới. Cuộc sống đã khốn khó lại càng khốn khó hơn. Không còn cách nào khác, vợ chồng bà phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, 7 năm qua làm lụng vất vả mà vẫn trả chưa xong! "Cũng nhờ bà con lối xóm quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ của người chị, vợ chồng tôi mới có thời gian đi làm lại để có tiền lo cho các con và trả nợ. Tôi cảm kích lắm, cả đời cũng không quên"- nói đến đây, bà Cúc nghẹn lời.
3 đứa con mắc bệnh của bà Cúc. |
Bà Cúc đang làm việc tại xưởng cá. |
Qua trao đổi với ông Trần Khánh Thư - cán bộ xã Bình Minh, được biết, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, 4 năm qua, 3 đứa con của họ được chính quyền địa phương đưa vào diện trợ cấp hàng tháng theo người khuyết tật. "Tuy số tiền không lớn, nhưng là hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương nhằm chia sẻ một phần nào đó khó khăn cho gia đình anh chị Cúc"- ông Thư nói... Rời khỏi làng Bình Trị trong buổi chiều chạng vạng đầu năm, văng vẳng bên tai chúng tôi là câu nói đau đáu của chị Cúc: "Tôi chỉ mong sao 3 đứa có thể gọi được tiếng "Mẹ ơi", có chết cũng mãn nguyện!". Chúng tôi biết, hành trình chăm 3 đứa con tật nguyền của vợ chồng chị Cúc sẽ còn dài, đầy gian truân phía trước. Trên hành trình gian nan ấy, thầm mong sao có sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm.
Ái Nhi - Tường Vy