Những "người thầy đặc biệt" trong trại giam
(Cadn.com.vn) - Hàng ngày phải đối mặt với những thành phần nguy hiểm của xã hội, từ đối tượng trộm cắp móc túi đến những "anh chị, đại ca" chuyên buôn bán ma túy, cướp của giết người. Thế nhưng công việc của những chiến sĩ làm việc tại Trại giam CA tỉnh Nghệ An lại là giúp những phạm nhân tìm lại con đường lương thiện, họ là những "người thầy đặc biệt" với cái tâm và tình người dù nguy hiểm luôn vây quanh.
Thiếu úy Nguyễn Văn Tài hỏi han tình hình sức khỏe của can phạm. |
Học trò là những "đại ca giang hồ"
Vào thăm các quản giáo tại Đội Bảo vệ trại giam tại Trại giam CA Nghệ An đóng trên đường Đặng Thai Mai, xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An), Trung tá Lê Xuân Hạnh-Đội trưởng Đội bảo vệ trại giam đưa chúng tôi đi một vòng quanh trại để tìm hiểu công việc. Anh Hạnh chia sẻ: Can phạm nhân đã vào trại giam này hầu hết là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, từ trộm cắp móc túi, giết người, cướp của đến buôn bán ma túy... Trong số đó, có người phải vào tù nhiều lần, không ít người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và bệnh xã hội. Vì vậy muốn thực hiện được nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo can phạm phục vụ yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù, người cán bộ quản giáo luôn phải theo sát can phạm nhân không chỉ hướng dẫn, chỉ bảo mà thực sự là người thầy đặc biệt đối với những phạm nhân. Đã không ít trường hợp nhờ sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của các cán bộ quản giáo mà các phạm nhân đã cải tạo tốt, trở lại con đường lương thiện. Những can phạm khi mới bước vào trại, tâm lý thường dễ thay đổi nhất nên tư tưởng của những người này thường bất cần, muốn bỏ trốn, bắt cóc, thấu cung, kể cả việc tự tử... Những lúc đó cán bộ quản giáo vừa quan tâm, hỏi han, động viên chu đáo vừa làm tốt công tác tư tưởng, kèm cặp, khuyên nhủ, tâm sự để họ chấp hành nội quy. Với những cán bộ quản giáo, phạm nhân tiến bộ, dù chỉ là một chút thôi cũng rất đáng khích lệ.
Khó ai có thể hiểu được hết những vất vả của người trong cuộc bởi thời gian làm việc nhiều, luôn luôn căng thẳng bởi việc giáo dục, cải tạo của những đối tượng tái phạm, đối đượng nhận án tử hình hay mang trong mình căn bệnh thế kỷ là không hề đơn giản. Ở trong trại đã khó khăn, nhưng vất vả nhất là khi phải đưa can phạm đi chữa bệnh. Mặc dù, đã nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng có những lúc sự việc ngoài mong muốn đã xảy ra như xảy ra ẩu đả giữa các phạm nhân cùng đi khám chữa bệnh, chống lại quản giáo...
Hướng dẫn các phạm nhân trồng cây. |
Cảm hóa bằng cái tâm và tình người
Chỉ tính riêng trong năm 2016, tại Trại giam CA tỉnh Nghệ An đã có 55 trường hợp can phạm đi điều trị bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 30 can phạm phạm các tội rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm tại Viện pháp y tâm thần. Hiện, Trại giam CA tỉnh đang có 4 can phạm được đưa đi điều trị tại các bệnh viện như Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, Bệnh viện ung bướu... Đôi khi những quản giáo lại trở thành "người nhà" bất đắc dĩ của phạm nhân. Thiếu úy Nguyễn Văn Tài, quản giáo Trại giam hiện đang tham gia bảo vệ can phạm Nguyễn Thế C. phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị nhiễm HIVgiai đoạn cuối, chia sẻ: "Khó khăn nhất vẫn là quản giáo các can phạm có án tử hình, côn đồ hung hãn hoặc những can phạm bị phơi nhiễm HIV vì nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhưng trong quá trình quản giáo, chúng tôi trở thành "người nhà" bất đắc dĩ của họ, các anh phải mua sữa, cháo và ép cho can phạm ăn bởi chỉ có ăn uống mới đảm bảo sức khỏe cho can phạm để trở lại trại giam. Có khi chúng tôi phải ở cả tháng trời trong bệnh viện để quản can phạm. Bệnh viện nào ít bệnh nhân thì cán bộ quản giáo còn có thể mượn giường nằm, còn bệnh viện đông đúc thì đành ôm theo giường xếp nằm ở hành lang, đêm cứ 2-3 giờ vào thay ca cho nhau để ngủ.
Là người có nhiều năm công tác tại Trại giam, Trung tá Lê Xuân Hạnh-Đội trưởng Đội Bảo vệ trại giam, kể cho chúng tôi nghe về một lần anh đưa tử tù đi chữa bệnh. Cách đây 2 năm, anh Hạnh lúc đó đang là Đội phó Đội Bảo vệ trại giam là người tham gia bảo vệ can phạm Kha Văn Lính (phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em) đang thụ lý án tại trại. Lúc đó can phạm bị đau ruột thừa nên phải đưa đi bệnh viện mổ gấp. Do đây là tử tù nên lãnh đạo đơn vị cử cán bộ chủ chốt trực tiếp tham gia bảo vệ can phạm nên anh phải trực tiếp đưa can phạm Lính đi khám và được bác sĩ chỉ định mổ. Phải mặc áo quần bệnh viện, đeo khẩu trang, đeo ủng, găng tay... trực tiếp vào phòng mổ giống như người nhà của can phạm, rồi nằm trực 5-6 ngày chờ đến khi can phạm khỏe và ra viện. "Công tác trong lĩnh vực này, cán bộ quản giáo phải dùng cái tâm và tình người để cảm hóa phạm nhân, sớm đưa họ quay về con đường lương thiện", Trung tá Hạnh chia sẻ.
Dương Hóa