Những người vợ bị bạo hành

Thứ tư, 02/04/2014 11:13

(Cadn.com.vn) - Sáng 30-3, gặp chị Đ.T.Th. (trú xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ở trụ sở CAH Hòa Vang, chúng tôi biết chị đến đây để thăm chồng là bị can Phan Thanh Vinh (1977) đang bị tạm giam về hành vi giết người, mà nạn nhân  không ngoài ai khác: chính là chị. "Nếu chồng tôi đã sai thì tôi cũng mong muốn cho anh ấy một "lối thoát" để sớm về đoàn tụ với gia đình. Tôi cũng không muốn anh ấy phải chịu hình phạt nào, dù sao anh ấy cũng là cha của con tôi", chị Th. ngậm ngùi tâm sự.

Theo kết quả điều tra, 19 giờ ngày 23-1, trong lúc vợ chồng chị Th. đang ăn cơm thì xảy ra mâu thuẫn. Vinh nóng giận cầm chai xăng mua để chạy máy cưa ném vào người vợ, xăng đổ thấm vào áo ấm chị Th. đang mặc. Không dừng lại ở đó, Vinh còn cầm điếu thuốc hút dở dúi vào chiếc áo ấm, ngọn lửa bùng phát trên người chị Th. Thấy vậy, Vinh hốt hoảng cùng anh trai kéo chị Th. ra bồn nước, dùng mền dập tắt lửa. Chị Th. được đưa xuống bệnh viện trong tình trạng bỏng vùng mặt và 2 tay với tỷ lệ thương tích 15%...

Phan Thanh Vinh gặp vợ con khi đang bị tạm giam.

Được biết, vợ chồng chị Th. đã chung sống với nhau 11 năm và được 2 con, tuy còn nhiều khó khăn nhưng gia đình vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Thời gian gần đây, nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình cảm với người khác nên tính tình Vinh trở nên cộc cằn. Mặc dù, chị Th. đã nhiều lần giãi bày nhưng Vinh vẫn cố chấp, cứ mỗi lần đi làm về là mượn rượu gây gổ với vợ... Cũng như bao người vợ khác, chị Th. vẫn mong chồng sớm nhận ra những hành vi sai lầm để sống tốt với vợ, còn bản thân chị cũng không dễ gì dứt bỏ người đã từng "đầu ấp, tay gối" với mình...

Còn trong đơn báo cáo gửi chính quyền địa phương, chị C.T.L. (trú xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) trình bày việc chị bị chồng là N.Đ.H. thường xuyên bạo hành. Cụ thể, đêm 12-2, chị đang ngủ để lấy sức cho phiên chợ sớm mai thì chồng về gọi cửa, chị ngủ quên không nghe nên đứa con lớn ra mở cửa. Vào được nhà, người chồng xộc thẳng vào phòng ngủ mắng nhiếc chị thậm tệ, khi chị mở miệng thì bị chồng chốt cửa phòng đánh, thậm chí còn dùng dây thắt lưng quất túi bụi vào người chị. Khi nghe tiếng chị L. kêu cứu, hàng xóm mới phát hiện leo rào sang ứng cứu... Trước đó, các chị T.T.T., N.T.C. (cùng trú xã Hòa Tiến) cũng bị các ông chồng N.T.Đ, Đ.T. ngược đãi như cơm bữa.

Theo chị T., vợ chồng chị có 2 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều đặt lên gánh hàng chợ của chị; trong lúc, người chồng cũng đi làm phụ hồ nhưng được đồng nào thì "bù khú" vào cờ bạc, rượu chè... đồng nấy. Hết tiền là về làm khổ vợ con. Nhiều lúc quẫn trí, chị muốn chống chọi lại chồng nhưng thương con nên chỉ biết gạt nước mắt, nhẫn nhục. Có hôm từ chợ trở về, trời mưa, quần áo ướt nhèm, vừa bước chân vào nhà, chị đã bị chồng lôi tên cha, tên mẹ của mình ra chửi, khi chị phản ứng thì ngay lập tức bị chồng rượt đánh... Nhiều người biết chuyện than thở, các chị đáng thương nhưng cũng đáng giận. Bởi tại sao lại cứ cam chịu nỗi đau ấy, ăn ở với nhau không được thì bỏ quách cho rồi, phần ai nấy ăn, phần ai nấy ở.

Nhiều vết bầm tím trên lưng một phụ nữ ở Hòa Tiến
do chồng bạo hành.

Từ những vụ việc trên cho thấy, bạo lực gia đình bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố căn bản nhất là sự xuống cấp về đạo đức. Thủ phạm gây ra bạo hành thường là không nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thành viên trong gia đình. Cũng có khi họ nhận thức được, nhưng lại không hành động đúng với điều mà mình đã nhận thức, cốt chỉ để thoả mãn những lợi ích cá nhân, mà bạo lực được coi là phương án lựa chọn tức thời và có thể đem lại hiệu quả cao nhất. Họ không còn nghĩ đến tình thương, trách nhiệm, sự sẻ chia đối với những người đã cùng họ "chia ngọt, sẻ bùi"... Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm nữa là một số nạn nhân của bạo lực gia đình thường có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo vì sợ "vạch áo cho người xem lưng".

Chứng kiến và tham gia giải quyết nhiều trường hợp về bạo lực gia đình, Phó Trưởng CAX Hòa Tiến Nguyễn Viết Dũng cho rằng: "Vợ chồng sống với nhau cũng có lúc "cơm không lành, canh không ngọt", nhưng những lúc như thế, người chồng phải biết cách kìm chế, đợi đến khi cơn giận qua đi, rồi ngồi cùng vợ phân tích cho nhau nghe những điều phải, trái mà rút kinh nghiệm. Người phụ nữ bị chồng bạo lực rất khổ, đúng ra, người chồng phải biết dùng sức mạnh của người đàn ông để bảo vệ vợ mình... Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải, đi đôi với phòng, chống các TNXH".

An Dương